MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quá trình bắt giữ nghi phạm đầu độc nữ doanh nhân trà Ô Long

22-11-2015 - 05:38 AM | Doanh nghiệp

Vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến nữ doanh nhân trà Ô Long bị sát hại tại Trung Quốc làm xôn xao giới kinh doanh trồng trà Ô Long tại tỉnh Lâm Đồng. Đến thời điểm này, lực lượng chức năng đã phải rất vất vả để bắt giữ đối tượng đang lẩn trốn tại Đài Loan...

Bắt giữ nghi phạm

Diễn biến vụ án cho thấy, ngày 19/9, khi đến Trung Quốc để ký hợp đồng tiêu thụ trà Ô Long, tại sân bay, bà Linh (45 tuổi, thường gọi là Hà Linh, trú tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) bị một người lạ mặt đầu độc sau đó đánh và cướp tài sản. Bà Linh lập tức đến cơ quan chức năng trình báo.

Tuy nhiên, thay vì đến BV kiểm tra sức khỏe thì bà Linh đã về khách sạn nghỉ ngơi, sau đó thì tử vong. Qua quá trình điều tra, bước đầu cơ quan chức năng nhận định vụ việc có liên quan đến ông Lin Chin Chuang (người Đài Loan, chồng cũ bà Linh). Tiếp đó, Cục CSĐTTP về TTXH (C45, Bộ Công an) đã phối hợp với CA Trung Quốc vào cuộc điều tra. Xác định nghi can lẩn trốn ở Đài Loan nên CA Trung Quốc đã tổ chức truy tìm và tiến hành bắt giữ. Sau khi bị bắt, nghi can này khai được thuê sát hại bà Linh.

Hiện CA Trung Quốc vẫn đang phối hợp với C45 mở rộng điều tra truy tìm rõ kẻ chủ mưu. Ban GĐ CA tỉnh Lâm Đồng cho biết đã cử cán bộ có nhiều kinh nghiệm điều tra trọng án tham gia đoàn công tác của C45 qua Trung Quốc phối hợp điều tra.

Luật sư Trương Quang Quý, người hỗ trợ pháp lý cho Công ty TNHH Hà Linh (Công ty Hà Linh) cho biết, sau khi ly dị bà Hà Linh (năm 2010), ông Chuang chuyển hướng qua Trung Quốc đầu tư làm ăn, để nhà máy trà HaiYih ở Đà Lạt cho con gái từ Đài Loan qua quản lý.

Thời điểm vài tháng trước khi bị sát hại, bà Hà Linh có nhờ ông Chuang xuất khẩu trà Ô Long sang Trung Quốc vì thị trường Đài Loan e dè với trà Ô Long Việt Nam sau tin đồn thất thiệt trà Ô Long Việt Nam bị nhiễm dioxin. Ông Chuang ra điều kiện bà Hà Linh phải đưa những tấm hình đám cưới trước đây giữa 2 người lên facebook của bà Linh. Dù không muốn, nhưng vì cần tìm đầu ra cho trà nên bà Linh thực hiện theo yêu cầu của ông Chuang.

Thời điểm trước khi bị sát hại khoảng 10 ngày, ông Chuang cho bà Linh ký gửi 3 tấn trà Ô Long kèm theo lô hàng của Công ty HaiYil mà ông xuất bán qua Trung Quốc, đến nay Công ty Hà Linh vẫn chưa nhận được tiền bán trà.

Ở một diễn biến khác, khi bà Hà Linh bị sát hại ở Trung Quốc, con gái ông Chuang (con của ông Chuang với người vợ trước) đi khỏi nhà máy HaiYih ở TP Đà Lạt, đến nay vẫn chưa quay lại nhà máy. Tìm hiểu của người viết, năm 2002, khi ông Chuang cùng bà Hà Linh thành lập Công ty TNHH HaiYih, do ông Chuang làm GĐ, phụ trách khâu điều hành hoạt động nhà máy, lo về kỹ thuật canh tác chè, chế biến trà; bà Hà Linh làm PGĐ, lo việc quan hệ ngoại giao, các thủ tục giấy tờ liên quan đến việc kinh doanh, quảng bá sản phẩm trà Ô Long, mở rộng thị trường.

Năm 2008, bà Hà Linh rút khỏi Công ty TNHH HaiYih để đứng ra thành lập doanh nghiệp riêng có tên là Công ty TNHH Hà Linh. Lĩnh vực kinh doanh chuyên sản xuất, chế biến trà Ô Long cao cấp xuất khẩu, kinh doanh cà phê và dịch vụ chăm sóc sắc đẹp. Dù thành lập Công ty sản xuất, chế biến trà Ô Long xuất khẩu chưa lâu nhưng bà Hà Linh đã nhanh chóng xây dựng được thương hiệu trà Ô Long Hà Linh và trở thành một trong những doanh nghiệp sản xuất, chế biến trà Ô Long xuất khẩu lớn nhất Lâm Đồng và có tiếng trong nước và thế giới. Chỉ trong thời gian ngắn, nữ doanh nhân này đã nhiều lần nhận được cúp, bằng khen của UBND tỉnh Lâm Đồng, Bộ NN&PTNT Việt Nam, Hội Doanh nhân Việt Nam…

Ông Lâm Quang Khôi, người điều hành nhà máy trà Hà Linh, cho biết sau khi tách Công ty với chồng cũ, một số hộ dân ở Phát Chi, Cầu Đất (TP Đà Lạt) quay sang xin hợp tác trồng và bán chè cho bà Hà Linh. Chính điều này làm mâu thuẫn giữa bà Hà Linh và ông Chuang tăng thêm. Đến năm 2014, ông Chuang quay lại Đà Lạt yêu cầu bà Hà Linh trả lại thương hiệu HaiYih.

Một thành viên Công ty Hà Linh cho biết thêm, dù đã phân chia thị trường bán hàng ở Đài Loan, nhưng một số đại lý tiêu thụ trà ở Đài Loan gọi điện cho bà Hà Linh nói rất muốn lấy trà Ô Long Hà Linh bán, nhưng bị ông Chuang liên tục hăm dọa nên họ không dám. Cùng thời điểm đó ở Đài Loan rộ lên tin đồn thất thiệt trà Ô Long Việt Nam bị nhiễm dioxin, nên thị trường xuất khẩu trà Ô Long Hà Linh qua Đài Loan gặp nhiều khó khăn.

Theo người nhà bà Hà Linh, không lâu trước khi bà Hà Linh bị sát hại ở Trung Quốc, ông Chuang đến nhà bà Linh gây gổ, to tiếng và đòi hành hung bà Linh.

Đời bạc mệnh của người đàn bà truân chuyên

Bà Hà Thúy Linh, SN 1970, quê ở TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, xuất phát từ một hướng dẫn viên du lịch, chuyên thông dịch tiếng Trung Quốc cho du khách. Năm 2002, bà kết hôn với một người Đài Loan, hai người có Công ty TNHH HaiYih, chuyên sản xuất, chế biến và xuất khẩu chè Ô Long sang thị trường Đài Loan. Bà Hà Thúy Linh sinh được 3 người con, người đầu tiên đã mất do tai nạn, cháu thứ 2 hiện đang học lớp 8 và người con út học lớp 1.

Có một chi tiết hết sức chú ý, trước khi thời điểm bị tử vong, em gái ruột của bà Linh là Hà Ngọc Hương muốn đi học tiếng Trung Quốc để phụ giúp công việc cho chị gái mình thì bà Linh lại ra sức ngăn cấm, không cho học. “Đến giờ này tôi vẫn không hiểu vì sao. Phải chăng ngay từ những ngày đầu trong cuộc đời kinh doanh, chị ấy đã phải tiếp xúc với người nước ngoài... nên hiểu nhiều thứ hơn tôi, không muốn tôi dây vào?”, chị Hương nói.

Chị Hương cũng cho biết thêm, trong vài năm gần đây, Công ty Hà Linh của chị gái mình gặp không ít khó khăn từ phía đối thủ kinh doanh. Chị nói: “Chị ấy thường than với tôi là chị đi đến đâu, họ tìm cách bít đường đến đó, chuyện đối thủ dùng thủ đoạn triệt tiêu chị có thể xảy ra bất cứ lúc nào”. Theo chị Hương, có lẽ đây cũng chính là một trong những nguyên nhân xuất hiện tin đồn trà Ô Long Đà Lạt nhiễm chất độc dioxin.

Trong tình trạng khó khăn này, chuyến đi của bà Hà Linh sang Trung Quốc ngày 19/9 được Công tyvà gia đình bà kì vọng sẽ giải quyết được khó khăn mà bà đang gặp phải. Bởi theo lời bà Linh nói sẽ gặp gỡ một đối tác để ký hợp đồng tiêu thụ trà Ô Long lâu dài. Đồng thời, phía đối tác này sẽ góp 20% vốn vào công ty. Tuy nhiên, khi được người thân hỏi thông tin đối tác trên là ai thì bà Linh lại muốn giữ bí mật vào phút chót, khi nào thành công mới tiết lộ thông tin. Đồng thời, đây cũng là một trong những yêu cầu từ phía bạn hàng bí ẩn.

Trên thực tế, Công ty của bà Hà Linh không cần 20% vốn góp, mà phải chấp nhận như một điều kiện. Thậm chí, theo luật sư Trương Quang Quý, cố vấn pháp lý của Công ty Hà Linh cho biết, nạn nhân phải chấp nhận chuyển trước cho một người môi giới một số tiền lớn trước khi đi Trung Quốc để có thể tiếp cận được đối tác trên.

Ông Quý cũng đặt ra nghi vấn: “Có thể do bà Linh có được đối tác làm ăn ở Trung Quốc khiến “đối thủ” muốn giết bà để giành thị trường. Cũng có thể những thỏa thuận hợp tác kia chỉ là miếng mồi chiêu dụ bà Linh sang Trung Quốc cho đồng bọn ra tay theo một ý đồ có trước”.

PV

Theo Báo Pháp luật & Xã hội

Trở lên trên