Quý 3, Casumina sẽ đưa nhà máy sản xuất lốp ở Bình Dương vào hoạt động
Công suất nhà máy sản xuất lốp ô tô ở Bình Dương giai đoạn 1 cao hơn công suất hiện tại của CSM với cùng sản phẩm. Chính vì vậy kết quả kinh doanh sắp tới sẽ biến động đáng kể.
Gần đây, trả lời phỏng vấn báo chí, ông Lê Văn Trí, Phó Tổng giám đốc CTCP Công nghiệp cao su Miền Nam (CSM) đã cho biết công ty sắp sửa đưa nhà máy sản xuất lốp ô tô ở Bình Dương vào vận hành. Sau khi trao đổi với đại diện CSM, chúng tôi xin cung cấp đến nhà đầu tư một số thông tin liên quan đến dự án cũng như tình hình hoạt động kinh doanh của CSM trong thời gian tới.
Công suất thiết kế 1
triệu lốp/năm
Nhà máy sản xuất lốp ô tô ở Bình Dương do CSM làm chủ đầu tư. Theo thiết kế, sản phẩm của nhà máy là lốp radian. Đây là một loại lốp xe sử dụng công nghệ hiện đại hơn so với công nghệ sản xuất lốp xe BIAS đang phổ biến hiện nay. Giá thành, giá bán của lốp radian cao hơn so với lốp BIAS, tuy nhiên, nhu cầu loại lốp xe này không vì thế mà sụt giảm do những lợi thế sử dụng riêng có. Nhu cầu lốp radian tăng cao cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu.
Trong khi đó, 90% lốp radian đang có trên thị trường Việt Nam hiện nay có nguồn gốc nhập khẩu.
CSM hiện đang có một nhà máy sản xuất lốp radian tại Đồng Nai với công suất 300 nghìn lốp/năm.
Trong khi đó, công suất thiết kế của nhà máy sắp đưa vào hoạt động lên tới 1 triệu lốp/năm. Theo dự kiến, nhà máy sẽ hoạt động theo 3 giai đoạn với 3 mức công suất như sau:
Giai đoạn 1 (từ quý 3/2013 đến khoảng năm 2015 – 2016): 350 nghìn lốp/năm.
Giai đoạn 2 (2 năm tiếp theo): 600 nghìn lốp/năm.
Giai đoạn 3: 1 triệu lốp/năm.
CSM dự kiến sẽ xuất khẩu 50% sản phẩm của nhà máy mới vào giai đoạn 1 và tiến tới sẽ xuất khẩu tới 70% vào các giai đoạn sau khi thị trường đi vào ổn định.
Có thể nhận thấy, công suất thiết kế giai đoạn 1 của nhà máy đã cao hơn công suất hiện tại của CSM với nhà máy sản xuất lốp radian tại Đồng Nai. Chính điều này khiến chúng tôi cho rằng sẽ có sự biến động đáng kể về mặt doanh thu cũng như lợi nhuận của CSM trong thời gian tới.
Thuận lợi về giá cao
su nguyên liệu
Năm 2012, CSM đã có một năm kinh doanh thành công với lãi ròng lên tới 254 tỷ đồng, bằng 6,5 lần LNST năm 2011 nhờ giá cao su nguyên liệu giảm mạnh. Quan sát kết quả kinh doanh CSM trong những năm gần đây, nhà đầu tư không thể nhận ra xu hướng nào cụ thể, LNST của công ty biến động khá thất thường.
Tuy nhiên, trong mối tương quan với tỷ trọn giá vốn/doanh thu thuần, có thể thấy rõ lợi nhuận của công ty phụ thuộc khá nhiều vào tỷ trọng này. Có 2 năm LNST của CSM tăng vọt (năm 2009 và 2012), đều nhờ vào sự sụt giảm đáng kể từ tỷ trọng giá vốn/doanh thu thuần.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện CSM cho biết công ty dự đoán giá cao su nguyên liệu năm 2013 sẽ tiếp tục giữ mức ổn định như năm 2012. Chính vì vậy, những lợi thế đã có năm 2012 sẽ được duy trì qua năm 2013.
Hiện tại CSM chưa công bố kế hoạch kinh doanh cũng như đại hội cổ đông thường niên năm 2013.
Chúng tôi sẽ cập nhật kế hoạch sản xuất kinh doanh thời gian tới của CSM khi có những thông tin chính thức từ công ty.
Minh Huyền
Trí Thức Trẻ