Quý 3 đã có hơn 50 doanh nghiệp báo lỗ
Hơn 50 doanh nghiệp báo lỗ chiếm 12,5% trong tổng số DNNY đã công bố BCTC quý 3 - Vị trí quán quân lỗ tạm thuộc về Than Mông Dương.
Hiện 2 sàn đã có khoảng hơn 400 doanh nghiệp niêm yết công bố BCTC quý 3/2015, và con số hơn 50 doanh nghiệp báo lỗ chiếm tỷ lệ 12,5% phần nào có thể diễn tả được vẫn còn những khó khăn các doanh nghiệp phải đối mặt trong bối cảnh diễn biến kinh tế vĩ mô có nhiều thuận lợi.
Trước tiên phải nói tới con số thua lỗ của Than Mông Dương, với mức lỗ ròng lên tới gần 118 tỷ đồng trong quý 3 hiện MDC đang nắm giữ vị trí quán quân lỗ trên hai sàn niêm yết. Tuy nhiên kết quả này đã nằm trong những dự đoán trước đó bởi trận lũ lịch sử ở tỉnh Quảng Ninh xảy ra vào tháng 7 vừa qua khiến các doanh nghiệp than chịu tổn thất nặng nề và CTCP Than Mông Dương – Vinacomin được nhìn nhận là công ty than bị chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với các mỏ than bị ngập nước từ -250m đến -90m, cơ sở vật chất của mỏ cũng bị hư hại do cơn lũ. Công ty ước tính sẽ mất khoảng 3-5 tháng mới có thể hồi phục công suất. Cũng do mưa lũ và cạnh tranh của than nhập khẩu quý 3 Than Hà Tu lỗ 24,7 tỷ đồng lũy kế 9 tháng, Than Hà Tu lỗ hơn 15,7 tỷ đồng.
Ẩn số “tỷ giá” luôn được nhà đầu tư quan tâm khi trước đó đã có những đồn đoán về những doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng bởi biến động này, Xi măng Bút Sơn (BTS) đã báo lỗ 24,5 tỷ đồng trong quý 3, BTS có 35 tỷ đồng nợ vay bằng USD và 868,2 tỷ đồng nợ vay bằng EUR, theo đó doanh nghiệp này chịu lỗ chênh lệch tỷ giá thanh toán và chênh lệch tỷ giá đánh giá lại tăng 22,5 tỷ đồng do tỷ giá đồng USD và EUR tăng. Tuy nhiên nhờ kết quả khả quan trong nửa đầu năm lũy kế 9 tháng đầu năm 2015, BTS đạt 122,17 tỷ đồng LNST cao gấp gần 4 lần cùng kỳ.
Hay như trường hợp của XNK Tổng Hợp 1 Việt Nam (TH1) quý 3/2015 báo lỗ lên đến gần 24 tỷ đồng, ghi nhận mức lỗ lớn nhất trong 6 năm qua kể từ quý 4/2009. Trong đó đáng chú ý chí phí tài chính cũng tăng gấp 3 lần, ở mức hơn 40 tỷ đồng, bao gồm chủ yếu lãi tiền vay hơn 17 tỷ đồng; lỗ chênh lệch tỷ giá 14 tỷ và dự phòng đầu tư tài chính 8.7 tỷ đồng (trích lập 8.6 tỷ đồng cho khoản đầu tư vào cổ phiếu EIB). Lũy kế 9 tháng đầu năm 2015, TH1 lỗ gần 22 tỷ đồng.
Góp mặt trong danh sách này có 3 công ty chứng khoán là KLS, AGR và WSS, Chứng khoán Kim Long (KLS) phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán lên tới 87,3 tỷ đồng là nguyên nhân chính dẫn đến kết quả lỗ 45,39 tỷ đồng trong quý 3/2015. Với mức lỗ lớn trong quý 3, KLS đã ghi nhận khoản lỗ 45,92 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2015.
Agriseco - CTCK vốn lớn thuộc hàng top thị đầu thị trường cũng đã báo lỗ sau thuế hơn 26 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2015, Công ty lỗ hơn 39 tỷ đồng. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2015 vừa mới diễn ra, cổ đông của AGR đã chất vấn hàng loạt vấn đề về hiệu quả hoạt động kinh doanh, cơ cấu nhân sự, trong đó đáng chú ý là thông tin liên quan đến khoản cầm cố cổ phiếu GPBank khoảng 230 tỷ đồng. AGR vừa thông báo thay đổi Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Văn Minh được bầu thay thế cho ông Phạm Văn Thành vào vị trí này.
Doanh thu mỏng, nghiệp vụ môi giới chỉ mang lại 1,8 tỷ đồng doanh thu, giảm sâu so với mức 3,6 tỷ đồng cùng kỳ, hoạt động tự doanh chỉ đạt 720 triệu đồng doanh thu trong khi cùng kỳ con số lên tới gần 4 tỷ đồng khiến Chứng khoán phố Wall (WSS) lỗ ròng 7,8 tỷ đồng quý 3. Lũy kế 9 tháng, nhờ lợi nhuận nửa đầu năm, Chứng khoán phố Wall thoát lỗ, đạt 545 triệu đồng lợi nhuận.
Trong danh sách những doanh nghiệp thua lỗ còn có những cái tên rất quen thuộc như Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (SQC) lỗ ròng 12 tỷ đồng trong quý 3/2015, ghi nhận quý thứ 9 liên tiếp thua lỗ. Hợp tác Kinh tế & XNK Savimex (SAV) lỗ ròng 6,7 tỷ đồng trong quý 3/2015 – ghi nhận quý thứ 4 liên tiếp thua lỗ. Vận tải Biển Vinaship cũng lỗ gần 22 tỷ đồng. Suốt 3 quý kinh doanh không có lãi, Vinaship (VNA) lỗ ròng 9 tháng 126,5 tỷ đồng. Công ty này mới đây đã điều chỉnh kế hoạch có lãi 2 tỷ đồng xuống thành lỗ 60 tỷ đồng – trong đó đã bao gồm lợi nhuận bán tàu.
Những doanh nghiệp niêm yết khác cũng đã công bố KQKD quý 3 thua lỗ như DZM (mẹ), MCP, HDO, KHP, VC2, KTS, PVR, KAC, FDT, VCR, SCL, DAC, SAP, ICG (mẹ), TCS, VNH, SDE, ATA, TXM, VBH, SRB, PGT, S12, IVS, BBS, VTS, TET, BAM, PDC, CVN, SRA, CKV, CMC, PCG trong đó có thể thấy sự đóng góp đông đảo của cổ phiếu họ dầu khí (PVR, PGT, PDC, PCG), khoản lỗ của BBS mặc dù chỉ lỗ 370 triệu đồng nhưng lại gây bất ngờ bởi doanh nghiệp này chưa từng báo lỗ trong suốt 10 năm qua. Hay như trường hợp thua lỗ của VNH và KAC khi cùng chung tình cảnh không ghi nhận đồng doanh thu nào từ hoạt động kinh doanh chính trong khi vẫn phát sinh các khoản chi phí.
Kết quả kinh doanh thua lỗ trong quý 3 của các doanh nghiệp đã làm cho bức tranh lợi nhuận 9 tháng trở lên u ám, hầu hết các doanh nghiệp này cũng chịu lỗ trong cả 9 tháng đầu năm 2015 trong khi đều đặt mục tiêu kinh doanh có lãi trong cả năm 2015, theo đó nhiệm vụ đặt ra cho quý cuối cùng của năm 2015 là hết sức nặng nề. Hiện thị trường vẫn còn có tới hơn 200 doanh nghiệp nữa chưa công bố BCTC quý 3/2015.
HNX&HSX