MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quyết định ngừng cà phê hòa tan: Lộ diện quyền lực ngầm của vợ ông chủ Cà phê Trung Nguyên?

07-12-2015 - 10:08 AM | Doanh nghiệp

Nếu bây giờ dừng sản xuất cà phê hòa tan G7 3in1, theo giới chuyên gia, Trung Nguyên sẽ mất đi “cánh tay phải” của mình.

“Người chủ” thực sự của Trung Nguyên là ai?

Theo giấy phép đăng kí kinh doanh, Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên có trụ sở tại đường Bùi Thị Xuân Quận 1 TPHCM là chủ sở hữu của thương hiệu cà phê Trung Nguyên do ông Đặng Lê Nguyên Vũ làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.

Tuy giữ vị trí cao nhất ở Trung Nguyên nhưng theo giới cà phê rỉ tai, người đứng đằng sau điều hành và quản lý chính lại là vợ ông, bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Bà Thảo là 1 trong 5 cổ đông sáng lập của Trung Nguyên. Trong khi Đặng Lê Nguyên Vũ chiếm 51% cổ phần trị giá 255 tỉ đồng thì bà Thảo với vị trí Phó Tổng giám đốc chiếm 28% cổ phần trị giá 140 tỉ đồng.

Bà Thảo cũng đồng thời là Giám đốc Công ty TNHH đầu tư du lịch Đặng Lê ở TP Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk với những địa điểm du lịch khá nổi tiếng như: làng cà phê Trung Nguyên, resort coffee tour Trung Nguyên, khu du lịch Gia Long, khu du lịch thác Draynur…

Ngoài ra, bà Lê Hoàng Diệp Thảo còn có 5% cổ phần sáng lập của Công ty Cổ phần Trung Nguyên Franchising.

Đây là đơn vị nắm giữ quyền nhượng quyền thương hiệu quán cà phê Trung Nguyên (ông Đặng Lê Nguyên Vũ có 10% cổ phần và Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên giữ 85% cổ phần).

Hiện Trung Nguyên Franchising có hơn 80 cửa hàng nhượng quyền trên khắp 3 miền và 1 cửa hàng nhượng quyền tại Singapore.

Cũng giống như mô hình các công ty “gia đình trị”, từ trước tới nay, bà Thảo là người chủ yếu nắm tài chính, “tay hòm chìa khóa”, là nhân vật tương đối chủ chốt tại Trung Nguyên.

Ông Trần Quang Vương, người từng làm việc tại một công ty cà phê trong nước, chuyên cung cấp máy móc và nguyên phụ liệu nhập khẩu ngành cà phê cho biết: “Những dự án thất bại hay thành công do bà ấy rất nhiều…

Hãy thử nghĩ xem. Khi một người lên kế hoạch mà người nắm tiền không duyệt, không đưa tiền thì làm sao thực hiện được!”.

Tuy nhiên, theo ông Vương, ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo - 2 người có 2 chiến lược phát triển công ty khác nhau.

“Cái nhìn của bà Thảo vào thị trường, vào sản phẩm khác so với Đặng Lê Nguyên Vũ. Khi 2 người không có chung hướng thì xảy ra xung đột, đó cũng là chuyện bình thường” – ông Vương nói.

Có lẽ đó là “mồi lửa” cho những đồn thổi xuất hiện gần đây trên thị trường.

Khi hãng cà phê Trung Nguyên phát đi thông báo với các khách hàng, kênh phân phối về việc ngừng cung cấp sản phẩm cà phê hòa tan G7 3in1, nhiều người cho rằng: Lý do của việc tạm ngưng không phải bởi nhu cầu bảo trì máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất.

Nguyên nhân sâu xa của việc dừng sản xuất cà phê hòa tan G7 3in1 được đồn đoán rằng: Do mâu thuẫn nội bộ gia đình ông Đặng Lê Nguyên Vũ.

Cụ thể là mâu thuẫn giữa 2 vợ chồng ông Vũ và bà Thảo, trong khi, bà Thảo hiện đang chiếm quá bán số cổ phần và đang điều hành Trung Nguyên.

Được biết, gia đình nhà vợ của Đặng Lê Nguyên Vũ trước là một trong những tiệm vàng lớn nhất Buôn Mê Thuật, sở hữu hàng loạt bất động sản hot tại TP.HCM.

Gia đình vợ cũng giúp đỡ Đặng Lê Nguyên Vũ nhiều trong việc ông gây dựng sự nghiệp.

Và để có được thành công như ngày hôm nay, một “đế chế”, thủ phủ cà phê lớn tại Việt Nam như hiện tại, Trung Nguyên có sự góp công lớn của vợ Đặng Lê Nguyên Vũ.

Ngừng G7 3in1, Trung Nguyên còn lại gì?

Tập đoàn Trung Nguyên là một doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực: sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê; nhượng quyền thương hiệu; dịch vụ phân phối, bán lẻ hiện đại, du lịch và mới đây là thương mại điện tử.

Trong đó, cà phê Trung Nguyên là một trong những thương hiệu nổi tiếng hàng đầu tại Việt Nam và đang có mặt tại hơn 60 quốc gia trên thế giới.

Năm 2011, doanh thu mảng cà phê trong nước của Trung Nguyên đạt 1.100 tỉ đồng. Con số này đã tăng mạnh trong năm 2012, đạt gần 1.700 tỉ đồng.

Doanh số của Trung Nguyên tại thị trường trong nước nhanh chóng vượt qua mảng nước ngoài và tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng 15 – 16% kể từ năm 2012 đến nay.

Ở phân khúc thị trường cà phê hòa tan, Trung Nguyên nằm trong top 3 doanh nghiệp thống lĩnh thị phần trong nước.

Cụ thể: Năm 2014, Vinacafé 41%, Netstlé 26,3%, Trung Nguyên chiếm 16% (theo số liệu của Nielsen Việt Nam).

Và G7 luôn được coi là “con át chủ bài”, là niềm tự hào của Trung Nguyên.

Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ từng “khoe”: Từ nhiều năm qua, G7 đã được xem là một món quà “đặc sản” không thể thiếu trong danh mục “quà tặng của đất nước Việt Nam xinh đẹp” của những người ngoại kiều và bạn bè quốc tế khi đến nước ta du lịch.

Nếu bây giờ dừng sản xuất cà phê hòa tan G7 3in1, theo ông Trần Quang Vương, Trung Nguyên sẽ mất đi thế mạnh của mình, chẳng khác nào "mất đi cánh tay phải".

"G7 đã xuất hiện từ lâu trên thị trường, tạo thành thói quen. Nói đến Trung Nguyên là nói đến G7, giờ tạm ngừng G7 3in1 có thể ảnh hưởng tới thương hiệu của Trung Nguyên".

Cũng theo ông Vương, việc tạm dừng G7 3in1 vào thời điểm cuối năm khi nhu cầu đang tăng cao, có thể là một quyết sách sai lầm của Trung Nguyên.

Còn bà H' Wơt Ê Nuôl, người đại diện của Liên Minh cà phê Cư Bur, thành viên Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột cho rằng: Nếu Trung Nguyên mất G7, cái mất lớn nhất là mất khách hàng vì G7 là sản phẩm chủ lực của Trung Nguyên từ trước tới nay.

“Không sản xuất G7 3in1 sẽ ảnh hưởng tới nền kinh doanh của Trung Nguyên.

Cụ thể, vừa rồi, có tin buồn là Trung Nguyên pha chế nhiều loại cà phê “không nguyên chất”, không giống như sản phẩm của Liên minh cà phê sản xuất, tức pha trộn không đúng tiêu chuẩn “nguyên chất” của cà phê...” - bà H' Wơt Ê Nuôl nói.

Bà H' Wơt Ê Nuôl nhắn nhủ: Trung Nguyên khi tạm dừng cung cấp G7 3in1 nên thay đổi lại kiểu sản xuất, hạn chế sử dụng các loại tạp chất. Bởi “nếu cứ kéo dài như vậy, Trung Nguyên sẽ mất khách hàng”.

Về bài toán kinh tế, nếu Trung Nguyên dừng bán cà phê hòa tan G7 3in1, theo ước tính trên trang CafeF, Tập đoàn này sẽ mất khoảng 18% tổng doanh thu với giá trị khoảng 185 tỷ đồng năm 2016.

Mất G7 3in1, Trung Nguyên còn một số nhóm hàng cà phê khác cũng như còn chuỗi cửa hàng, còn hệ thống phân phối,... Tuy nhiên, các lĩnh vực kinh doanh này đều không phải là thế mạnh của Trung Nguyên.

Ví dụ như: Chuỗi cửa hàng (hơn 80 không gian quán cà phê Trung Nguyên trải rộng trên toàn quốc), lợi nhuận Trung Nguyên thu lại được khó bù nổi chi phí bỏ ra.

“Vua cà phê Việt” Đặng Lê Nguyên Vũ cũng từng thừa nhận rằng: Nó chỉ đủ bù lỗ cho nhau và nhiệm vụ chính là để gia tăng hình ảnh cho thương hiệu Trung Nguyên.

Còn hệ thống phân phối của Trung Nguyên thì không so sánh được với Vincafe và Nescafe.

Bởi Trung Nguyên vẫn sử dụng mạng lưới phân phối truyền thống, và mức chiết khấu cao hay thấp phụ thuộc vào doanh số của các đại lý.

Mặc dù, công ty Trung Nguyên đã từng gây sốt trên thị trường với những tuyên bố sốc của Đặng Lê Nguyên Vũ, tuy vậy, “nói hay” không có nghĩa là “làm tốt”.

Nhìn vào sự phát triển của các ông lớn ngành cà phê, rõ ràng Trung Nguyên đang gặp phải những thách thức lớn về thị phần.

Đơn cử như: Vinacafe kể từ khi về tay Masan đã có những bước tăng trưởng nhảy vọt. Năm 2014, doanh thu của tập đoàn này đã tăng hơn 30% so với năm 2013.

Nếu cả Trung Nguyên và Vinacafe tiếp tục duy trì mức tăng trưởng như hiện nay thì chẳng mấy chốc, doanh số của Vinacafe sẽ vượt qua Trung Nguyên.

Đây là mối lo mà Trung Nguyên cần phải thay đổi để chuyển mình.

Cà phê hòa tan G7 của Trung Nguyên phân ra 3 loại: Cà phê sữa hòa tan (tức G7 3in1), cà phê đen hòa tan (G7 2in1), cà phê đặc chế hòa tan (G7 Cappuccino hương Mocha, G7 Cappuccino Chocolate, G7 Cappuccino Hazelnut, Passiona,...).

Ngoài nhóm hàng hòa tan G7, Trung Nguyên còn một số nhóm hàng cà phê khác như: Cà phê chuyên biệt, cà phê rang xay, cà phê hạt xay.

Trong đó, cà phê chuyên biệt bao gồm 3 loại: Cà phê Weasel (giá 16 triệu đồng/hộp), cà phê Legend, cà phê Sáng tạo 8.

Cà phê rang xay chia làm 2 loại: Dòng trung cao (như Cà phê Gourmet Blend , House Blend , cà phê chế phin từ loại 1,2,3,4, 5…); Dòng phổ thông (gồm cà phê S, cà phê I, cà phê Sức Sống)

Cà phê hạt xay, Trung Nguyên cung cấp loại Cà phê Espresso - Arabica premium.

 

 

CHUYÊN GIA MARKETING, CEO PIZZAHOME-ÔNG HOÀNG TÙNG

Việc Trung Nguyên ra mắt thương hiệu Brain Station Coffee (dù là hơi muộn), theo tôi là chiến lược cần thiết để Trung Nguyên có thể bắt theo kịp những làn sóng chuyển dịch mới với tốc độ tăng trưởng cao hơn trong lĩnh vực chuỗi quán café, đó là phân khúc cafe take away mang phong cách trẻ trung và năng động.

 

Theo Phương Nhi

Trí Thức Trẻ/Soha

Trở lên trên