Săn mua doanh nghiệp 'xác chết': M&A vỉa hè, trà đá
Để lách quy định phải mua sắm tài sản cố định trên 1 tỷ đồng khi thành lập mới DN, nhiều doanh nhân khởi nghiệp săn mua lại các DN ‘xác chết’ thay vì xin làm thủ tục đăng ký thành lập mới.
“Xác chết’ DN bỗng nhiên có giá
Đứng tên thành lập một DN nhỏ từ năm 2008, nhưng kinh doanh không có lãi, anh Nguyễn Hùng Nam (Hoàng Mai – Hà Nội) đã ngừng mọi hoạt động nhưng không làm thủ tục phá sản. Bỏ DN của mình, anh Nam đi làm thuê cho tập đoàn lớn để ăn lương từ mấy năm nay và dường như quên mất mình đang là chủ của một DN.
Gần đây, anh Nam nhận được điện thoại hỏi mua DN của mình. Tuy nhiên, họ chỉ mua tư cách pháp nhân, còn các tài sản cố định không mua, hay một số hợp đồng đang còn dở dang không muốn dính dáng trách nhiệm.
Anh Nguyễn Trung Thành, chủ một DN ở Cầu Giấy (Hà Nội) cũng vừa hoàn tất phi vụ mua bán công ty của mình với giá 300 triệu đồng.Anh cho hay, hơn một năm nay DN quảng cáo - truyền thông của anh gần như không hoạt động. Để trang trải nợ nần, anh quyết định bán công ty. Điều mà nhiều ông chủ mới rất thích là công ty anh Dũng không có khoản nợ đọng nào.
Thực tế, có rất nhiều DN được thành lập nhưng kinh doanh không hiệu quả đã bị các ông chủ bỏ bê, không hoạt động nhưng không làm thủ tục phá sản. Hoặc có những DN chỉ để lấy tư cách pháp nhân ký hợp đồng, cùng cấp hóa đơn GTGT… nay không cần thiết cùng dừng hoạt động. Đó là những DN ‘xác chết’ đang tồn tại rất nhiều trong cộng đồng các DN Việt Nam. Và những ông chủ như anh Nam, anh Dũng cũng không hề ít.
Trong khi rất nhiều ông chủ đang phải đèo bòng, chịu trách nhiệm pháp lý với DN của mình thì bất ngờ vớ bở khi được rất nhiều người người săn đón, gạ mua với khoản tiền kha khá.
“Khi làm thủ tục giải thế DN, tôi phải chứng nhận không bị nợ hóa đơn với cơ quan thuế. Đến cổng cơ quan thuế được một chị mời vào uống nước và đặt vấn đề muốn mua lại DN. Chị này phân tích, nếu làm thủ tục phá sản vừa mất công lại chẳng còn được đồng nào, còn nếu chuyển nhượng doanh nghiệp cho chị em được một khoản kha khá. Nghe thấy hợp lý, tôi “welcome” ngay”, anh Hoàng Trung Chính (Đống Đa – Hà Nội) kể lại chuyện bán DN của mình.
Thấy mua bán DN kiểu này dễ ăn và kiếm được khoản khá khá, nhiều ông chủ đang sở hữu nhưng DN ‘xác chết’ lại quay ra môi giới mua bán DN kiểu này.
Sau nhiều lần chứng kiến và tham gia những cuộc mua bán, chuyển giao chủ sở hữu DN thành công có giá trị cao, anh Nguyễn Quốc Trung (Thanh Xuân – Hà Nội) đang là cổ đông sáng lập của một DN tạm dừng hoạt đông lại có ý định bỏ tiền thâu tóm toàn bộ số cổ phiếu của DN để dành quyền quyết định tương lai nó.
“Mục đính của mình là thống nhất một mối để có thể chủ động bán cái xác này đi kiếm tý lời. Mấy ông bạn nắm cổ phiếu cũng chả thiết tha gì, vốn đăng ký cả tỷ nhưng bây giờ chỉ là con số không. Chỉ cần một khoản, các cổ đông ra đi, mình toàn quyền quyết định mua bán dễ dàng”, anh Trung nói.
Lách luật để vướng rủi ro
Nguyên nhân của tình trạng này được các DN lý giải là Thông tư 219/2013/TT-BTCcủa Bộ tài chính ban hành ngày 31/12/2013, có hiệu lực ngày 01/01/2014, quy định các DN thành lập mới phải mua tài sản cố định trên 1 tỷ đồng.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, quy định DN mới thành lập phải mua sắm tài sản cố định có giá trị trên 1 tỷ đồng nhằm hạn chế các DN ‘ma’ thành lập để mua bán hóa đơn. Tuy nhiên, quy định này gây khó khăn rất lớn với những cá nhân muốn thành lập DN vì bước đầu gia nhập phải bỏ ra một số vốn khá lớn nhưng lại ‘chết’ một chỗ. Và để lách quy định này, việc chọn mua DN thành lập trước đây là cách dễ dàng nhất.
Hàng loạt công ty đang có nhu cầu giải thể |
Vì thế, thay vì đăng ký DN mới, nhiều người đã săn mua những DN xác chết để thay đổi giấy phép về cổ đông, ngành nghề rồi tiếp tục hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên không phải ‘xác chết’ DN nào cũng được mua và cũng dễ mua. Biết trước tình trạng không dễ thành lập mới DN, nhiều ông chủ DN xác chết lại đòi giá cao hay tiếp tục ngồi trên đống đổ nát chờ cơ hội mới.
Anh Nguyễn Duy Toàn (Thanh Xuân – Hà Nội) chủ một DN chuyên kinh doanh đồ gia dụng được nhiều người săn đón ngỏ ý mua tư cách pháp nhân với giá rất cao nhưng không muốn bán.
“Dù khó khăn, vẫn phải tìm cách tồn tại vì nếu bán đi, đến khi kinh tế hồi phục, có cơ hội làm ăn cần tư cách pháp nhân thì khó có thể đăng ký doanh nghiệp mới với quy định vừa đề ra”, anh Toàn nói.
Còn anh N.D.Q (Hoàng Mai – Hà Nội) chủ DN phân phối hàng tiêu dùng đang lâm vào cảnh nợ nần nhiều năm có thể dẫn đến phá sản. Tuy nhiên, DN lại có hệ thống phân phối tốt, cũng được nhiều khách biết đến nên cũng được rất nhiều nhà đầu tư nhòm ngó và ra giá khá cao.
Gần đây, một nhà đầu tư mới muốn toàn bộ DN để sở hữu tên tuổi và hệ thống phân phối nhưng N.D.Q quyết không bán mà chỉ muốn cùng góp vốn đầu tư tiếp tục kinh doanh.
Anh N.D.Q chia sẻ: “Bao năm công ty gây dựng tên tuổi, hệ thống phân phối… không dễ có thể làm lại được như vậy. Tạm thời, tôi chỉ chấp nhận đối tác đầu tư góp vốn chứ nhất quyết không bán”.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico, việc mua bán DN phải thông qua các cơ quan chức năng, chuyển nhượng vốn cũng phải thông qua cơ quan chức năng. Rủi ro lớn nhất đối với bên mua là không biết hết các khoản nợ nần của DN, nhưng sau đó DN vẫn phải có nghĩa vụ trả nợ.
>> Những thống kê giật mình về số doanh nghiệp “chết”
Theo Tuấn Linh