Sẽ có cả vạn cái tên “cấm kỵ” không được lấy làm tên cho công ty
Bộ Văn hóa Thể thao và Du Lịch vừa công bố thông tư về quy định cụ thể về việc đặt tên công ty.
Thông tư này nêu rõ: Việc đặt tên doanh nghiệp trùng tên danh nhân trong lịch sử là vi phạm truyền thống lịch sử của dân tộc. Trong trường hợp người thành lập doanh nghiệp khi đặt tên doanh nghiệp theo tên riêng của mình nhưng tên riêng này trùng một phần hoặc toàn bộ tên danh nhân thì phải đặt đầy đủ họ, tên theo đúng tên ghi trong giấy khai sinh của người thành lập doanh nghiệp.
Trường hợp đặt tên riêng doanh nghiệp bằng cách sử dụng tên ghép của tổ chức, cá nhân sáng lập nhưng trùng với tên danh nhân thì phải có dấu gạch nối (-) giữa các tên tổ chức, cá nhân sáng lập được ghép.
Đặt tên doanh nghiệp cũng bị coi là vi phạm truyền thống lịch sử của dân tộc khi sử dụng tên đất nước, địa danh trong các thời kỳ bị xâm lược và tên những nhân vật trong lịch sử bị coi là phản chính nghĩa, kìm hãm sự tiến bộ. Hay sử dụng tên của những nhân vật lịch sử là giặc ngoại xâm hoặc những người có tội với đất nước, với dân tộc; các trường hợp khác về sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử theo quy định của pháp luật.
Ngay sau khi thông tư này được ban hành đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều. Liên quan đến những thắc mắc của doanh nghiệp về thông tư, chúng tôi đã có cuộc PV ngắn với Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc công ty luật TNHH Quốc Tế Hồng Thái, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.
Thưa anh, với vai trò là luật sư anh có quan điểm như thế nào về việc quy định đặt tên doanh nghiệp trong thông tư 10/2014/TT-BVHTTDL vừa mới ban hành? Việc đặt tên doanh nghiệp trùng với các tên danh nhân có vi phạm truyền thống lịch sử dân tộc như thông tư nói không?
Luật sư Nguyễn Hồng Thái: Tôi đã đọc thông tư này rồi và tôi nghĩ các nhà làm luật họ cũng cân nhắc rất kĩ khi đưa ra một thông tư như vậy áp dụng vào thực tế. Tuy nhiên, đứng trên góc độ pháp luật tôi cho rằng dù là luật, thông tư hay một quy định nào khi đã được ban hành thì phải rõ ràng, cụ thể, chính xác chứ không thể nêu chung chung rồi mỗi người lại hiểu một ý khác sẽ rất khó thực thi.
Mặt khác, về vấn đề vi phạm truyền thống lịch sử dân tộc tôi cho rằng quy định hơi vô lí. Có nhiều doanh nhân họ rất ngưỡng mộ các danh nhân trong lịch sử như các ông Trường Chinh, Nguyễn Huệ, Phạm Văn Đồng,… và cũng có nhiều người có kỉ niệm sâu đậm với một số địa danh trong lịch sử như: Hà Nội, Sài Gòn, Điện Biên, Tân Trào…khi thành lập công ty họ muốn đặt tên giống hoặc chỉ giống một phần. Điều này thể hiện sự trân trọng của doanh nhân với truyền thống lịch sử với non sông đất nước, quan điểm của tôi là ủng hộ việc tự do đặt tên trừ một số tên có yếu tố nhạy cảm chính trị. Việc đặt tên này này còn giúp quảng bá hình ảnh đất nước, các địa danh lịch sử nổi tiếng, truyền thống lịch sử dân tộc chứ không thể nói vi phạm truyền thống lịch sử của dân tộc như thông tư được.
Luật sư vừa nói là thông tư vẫn còn mang tính chung chung, không cụ thể dẫn đến doanh nghiệp gặp khó khi áp dụng. Luật sư có thể giải thích rõ hơn về điều này?
Luật sư Nguyễn Hồng Thái: Nhẩm tính theo các quy định trong thông tư thì sẽ thấy tên doanh nghiệp sẽ không được trùng với các danh nhân, các địa danh lịch sử, giặc ngoại xâm hoặc những người có tội với đất nước, với dân tộc…Trong lịch sử, có cả hàng vạn giặc ngoại xâm vào xâm lược nước ta, rồi hàng trăm các địa danh lịch sử, danh nhân… vậy cứ tránh hết các tên này tôi nghĩ phải lên tới cả vạn cái tên “cấm kỵ”.
Tôi lấy ví dụ, một người sắp lập một công ty riêng và muốn đặt tên “Hồng Hà” chẳng hạn nhưng lại lo sợ không biết cái tên này có trong danh sách giặc ngoại xâm hoặc người phản quốc từ hàng ngàn năm trước không. Những quy định chung chung này vô hình gây khó cho doanh nghiệp. Theo tôi, chỉ nên cấm việc đặt tên trùng nhau theo quy định của Cục sở hữu trí tuệ thôi chứ cấm đặt tên trùng địa danh, giặc ngoại xâm…sẽ rất khó thực hiện.
Vậy theo anh tính thực thi của thông tư này ra sao?
Luật sư Nguyễn Hồng Thái: Quy định này mà cứ chung chung thế thì sẽ chẳng đâu vào đâu nếu không muốn nói là trên trời. Muốn luật có tính thực thi cao, áp dụng tốt vào thực tế thì luật phải cụ thể, rõ ràng. Xét trong trường hợp thông tư này tôi đề xuất phải lập một danh mục có ghi đủ các tên về danh nhân, địa danh, giặc ngoại xâm, người phản quốc… cấm đặt khi doanh nghiệp muốn đặt tên công ty sẽ lật danh sách đó ra, chỉ cần không trùng thì có thể dùng được.
Trên thế giới, việc đặt tên theo các danh nhân vẫn được cho phép với ý nghĩa rất tích cực đó là danh nhân là những người mẫu mực của cả dân tộc vì vậy là tấm gương để tất cả mọi người noi theo.
Thông tư mới có quy định rõ việc cấm đặt tên theo địa danh của đất nước. Xét trong thực tế, hiện nay có rất nhiều công ty đang có tên đặt theo địa danh như: Dược Hậu Giang, bia Hà Nội, bia Sài Gòn… Vậy việc này phải xử lý như thế nào, thưa anh?
Luật sư Nguyễn Hồng Thái: Đúng vậy trong thực tế có nhiều doanh nghiệp đã đặt tên trùng với danh nhân, địa danh của đất nước. Tuy nhiên thông tư này tới ngày 25/11 mới có hiệu lực mà xét theo pháp luật thì một văn bản chỉ được áp dụng kể từ khi có hiệu lực, còn trong quá khứ nó bị vô hiệu. Vì vậy các công ty đã có tên trùng với địa danh, danh nhân…không có nghĩa vụ phải thay đổi.
Xin cám ơn luật sư!
Chuyên gia kinh tế TS. Bùi Tất Thắng Việc này liên quan đến truyền thống lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc nên phải đặc biệt thận trọng. Tôi ủng hộ việc cấm đặt tên trùng với tên danh nhân, giặc ngoại xâm, người có tội với dân tộc…bởi trong trường hợp làm ăn tốt không sao nhưng khi công ty vi phạm pháp luật, làm ăn thua lỗ dẫn đến phá sản thì ảnh hưởng lớn đến tên tuổi các danh nhân. Đặc biệt khi đó là các doanh nghiệp kinh doanh quốc tế. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong Thông tư này góp phần giảm việc lợi dụng các tên tuổi của lãnh đạo, danh nhân lịch sử để kiếm lợi nhuận. Việc cấm này rất đúng và có cơ sở nhưng theo tôi vẫn cần có một danh mục ghi cụ thể về các tên danh nhân, địa danh, giặc ngoại xâm…để quy định có tính thực tế. |
>>>Doanh nghiệp không được lấy tên danh nhân đặt tên công ty
>>>Bi hài đặt tên doanh nghiệp