Sẽ có thông tư siết chặt thép nhập khẩu
"Theo tôi, nếu không có thêm 50% lượng thép nhập khẩu thì cung – cầu trong nước vừa đủ và DN sản xuất sẽ hoạt động có hiệu quả cao".
Nhằm làm sáng tỏ hơn bức tranh ngành thép hiện nay, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Chí Cường- Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA).
- Hiện nay, thép nhập khẩu vào Việt Nam dưới danh nghĩa thép hợp kim đã khiến thị trường thép trong nước hết sức khó khăn, xin ông cho biết rõ hiện tượng trên?
7 tháng đầu năm 2013, nước ta đã nhập khẩu trên 400.000 tấn thép cuộn chứa Bo (thép hợp kim); thép cuộn phi 6, phi 8, thép cuộn cán nguội là trên 300.000 tấn, đây là con số quá lớn.
Trong khi đó, 8 tháng đầu năm 2013, các DN trong nước chỉ tiêu thụ được khoảng 3 triệu tấn thép xây dựng (thép cuộn chiếm 1/6); thép cán nguội tiêu thụ đạt 728.000 tấn, con số này chỉ bằng 50% công suất mà DN trong nước sản xuất (1.300.000 tấn). Thép cán nguội tồn kho (50%) do phải cạnh tranh quyết liệt với thép cán nguội giá rẻ của Trung Quốc.
Theo tôi, nếu không có thêm 50% lượng thép nhập khẩu thì cung – cầu trong nước vừa đủ và DN sản xuất sẽ hoạt động có hiệu quả cao.
- Tình trạng này đang diễn ra phức tạp, theo ông, đâu là nguyên nhân?
Trước đây, Việt Nam đánh thuế thép nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam là 10%, nhưng bắt đầu từ năm 2012, thực hiện theo Hiệp định Asean- Trung Quốc, thuế áp dụng chỉ còn 5%. Đây là con số giảm lớn, bởi vì giá thép trong nước hiện nay khoảng 15 đến 16 triệu đồng/tấn. Nếu thép Trung Quốc giảm được 5% thuế nhập khẩu thì sẽ "thắng" thép trong nước về giá.
Cái khó của chúng ta là chưa ban hành quy định về thép hợp kim. Thực tế, DN trong nước đã kiến nghị với Bộ Công Thương đưa ra các thủ tục hành chính để kiểm soát chặt chẽ lượng thép nhập khẩu như: Giấy phép xuất nhập khẩu tự động… nhưng hiệu quả không cao.
- Được biết, Bộ Công Thương giao Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Công nghiệp nặng và Vụ Khoa học - Công nghệ soạn thảo thông tư hướng dẫn và quản lý về chất lượng sản phẩm thép nhập khẩu vào Việt Nam, quan điểm của ông?
Dự thảo thông tư đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến. Hy vọng, sau khi thông tư được ban hành, thị trường thép sẽ dần ổn định. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương và Bộ Khoa học - Công nghệ cần xem xét, quy định thép nhập nguyên tố Bo 0,008% không được coi là thép hợp kim. Đồng thời, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan không xét loại thép chứa Bo vào chủng loại thép hợp kim; đưa mặt hàng này vào diện chịu thuế 5%, với mục đích giúp DN thép trong nước giảm được sự cạnh tranh về giá, tăng năng suất, tạo việc làm cho người lao động và Nhà nước giảm thất thu thuế.