MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sợ... tăng lương

19-09-2013 - 09:36 AM | Doanh nghiệp

Trước thông tin Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã thống nhất phương án đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2014 từ 250.000 - 400.000 đồng, không chỉ các DN mà ngay cả người lao động đều... sợ.

Điệp khúc tăng lương giờ đây đã trở thành một điệp khúc buồn. Chỉ có một bộ phận nhỏ CBCNVC nhà nước được tăng lương, nhưng giá cả lại ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng chục triệu người. "Vũ điệu giá cả” không chừa những đối tượng không được tăng lương, khiến những người này cũng bị “vạ lây”.

Tăng... hình thức

Hội chứng sợ tăng lương không phải cho đến thời điểm này mới xuất hiện. Trong nhiều năm trở lại đây, khi Nhà nước có chủ trương điều chỉnh mức lương tối thiểu hàng năm, thu nhập bình quân của một số khu vực đã được tăng lên. Tuy nhiên, một thực tế khác lại nảy sinh là khi lương chưa tăng mà tất cả các loại hàng hóa đã leo lên hết một sàn mới.

TS Nguyễn Minh Phong - Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho rằng, dù liên tục tăng lương và mức tăng lương là đáng kể, nhưng số tiền lương trung bình mà đa số người làm công ăn lương trong khu vực nhà nước được nhận vẫn còn xa mới đạt tới trình độ “lương tối thiểu”. 

Cũng theo ông Phong, lương của ta không phải là lương với đầy đủ nội dung và bản chất kinh tế (thị trường). Việc tăng lương ở nước ta cho đến nay về cơ bản vẫn chỉ là một thứ phản ứng tình thế, đối phó một cách bị động với lạm phát. Cuộc “chạy đua” theo lạm phát của lương diễn ra quyết liệt nhưng kết cục là lương ngày càng “hụt hơi” xa hơn so với mức giá. Cách tăng lương như hiện nay rõ ràng không thể giải quyết được vấn đề. Nó chỉ làm vấn đề trầm trọng hơn do ngày càng làm cho lương “thoát ly” xa hơn bản chất của nó. Chúng ta đang cần một cuộc cải cách tiền lương theo đúng nghĩa chứ không phải cứ tiến hành cuộc “rượt đuổi ma ra tông” trường kỳ của lương với giá.

Cũng bàn về vấn đề nâng cao mức sống của người lao động, ông Đặng Như Lợi - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận xét, chủ trương nâng mức sống tối thiểu của người lao động lên khi CPI tăng nhanh là đúng. Tuy nhiên, tăng lương tối thiểu thì phải tính đến nhiều yếu tố khác như tốc độ tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế chứ không chỉ CPI. 

Nếu xem việc điều chỉnh tiền lương chỉ mang ý nghĩa bù trượt giá thì thực tế sẽ không cải thiện khi chính việc tăng lương lại tác động đến giá cả. Tăng lương thì giá cả sẽ tiếp tục tăng. Vì thế, việc tăng lương phải nhìn ở góc độ trả lương cho đúng giá trị của sức lao động bỏ ra. Bàn ở góc độ ảnh hưởng của việc điều chỉnh tiền lương đến việc làm thì nó thực sự không ảnh hưởng khi chúng ta tin vào những con số mang “bệnh thành tích” của cơ quan quản lý.

Về nguyên tắc, tiền lương là giá cả của lao động và phải đảm bảo tái sản xuất sức lao động, ngày càng góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng sống của người lao động. Tuy nhiên, với tư cách là yếu tố đầu vào của sản xuất kinh doanh, được phân phối theo kết quả đầu ra, tiền lương phụ thuộc vào năng suất cá nhân, hiệu quả sản xuất kinh doanh chung của DN và mức sống chung của đất nước. Hơn nữa, chính sách tiền lương phải đặt trong tổng thể chính sách phân phối và tái phân phối, bảo đảm công bằng xã hội, việc làm và gắn với vị trí lao động cụ thể, phụ thuộc vào quan hệ cung - cầu lao động trên thị trường lao động, có sự quản lý của Nhà nước.

Một sức ép hợp lý cho DN

Thực tế việc tăng lương tại nhiều DN đã thoát ly khỏi quy định điều chỉnh lương tối thiểu của Chính phủ. Tuy nhiên cho dù DN có không tăng lương như quy định thì việc điều chỉnh lương tối thiểu vẫn khiến DN phải đội thêm nhiều chi phí khác. Theo ông Chu Minh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Cty CP Simco Sông Đà, mức lương tối thiểu điều chỉnh cao như vậy sẽ làm tăng không nhỏ tiền đóng bảo hiểm xã hội và các loại bảo hiểm hàng tháng khác. 

Trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng như hiện nay, việc tăng hàng trăm triệu tiền đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên hàng tháng cũng là một gánh nặng.  Hơn nữa, việc tăng lương đôi khi có tác động tiêu cực đến DN. Trong khi DN đang phải gồng mình với lạm phát, lãi suất ngân hàng tăng cao và khó khăn về vốn. Thêm việc tăng lương tối thiểu sẽ khiến các khoản chi bảo hiểm, các quỹ trích theo lương “phình” to tạo nhiều gánh nặng hơn cho DN. Sẽ có không ít DN phải tính đến chuyện đóng cửa hay cắt giảm nhân công. Lúc đó, người lao động bị mất việc làm thì thiệt thòi cũng là người lao động.

Bên cạnh đó, mặt trái của việc tăng chi phí nhân công là DN sẽ phải tính toán cẩn trọng hơn trong kế hoạch sử dụng lao động, không tuyển dụng mới và thậm chí có thể sa thải hàng loạt nhân viên. TS Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, với mục tiêu tăng năng suất lao động cũng là cơ sở để đẩy nhanh lộ trình điều chỉnh mức lương tối thiểu, nhưng phải bảo đảm hài hòa lợi ích của người lao động với duy trì sản xuất của DN trên cơ sở bảo đảm giá thành sản phẩm và chi phí kinh doanh.

Một mục đích khác của tăng lương là tạo sức ép để DN tích cức đổi mới công nghệ, nâng cao năng xuất lao động. Nhưng sức ép nên dung vào lúc nào cũng là điều cần phải tính toán? Ông Nguyễn Hữu Sự - đại diện Hiệp hội Công thương Hà Nội cho biết, thực tế, để tăng lương tối thiểu, không chỉ có DN vất vả, khổ sở, ngay cả quản lý nhà nước cũng khó khăn. Xem xét lộ trình tăng lương không phải ở việc hoãn trong bao nhiêu tháng, mà là đến khi nào mới nên áp dụng. Kinh tế đang suy thoái, DN còn đang hỏi nhau sống hay chết. Chưa tăng lương, nhiều DN đã ngắc ngoải, còn nếu ép tăng, chắc họ chết hẳn.

Cần có chính sách ổn định và bền vững

Khi Nhà nước chủ trương điều chỉnh mức lương tối thiểu hàng năm, cuộc "rượt đuổi" lương và giá luôn ở tình trạng gay cấn. Trong cuộc đua này, giá bao giờ cũng phi nước đại, nhanh hơn lương gấp bội phần

Thực tế cho thấy, chính sách tiền lương của Nhà nước ở các khu vực còn chậm đổi mới và thể chế hóa, không theo kịp cơ chế kinh tế thị trường và chưa tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

Tiền lương của cán bộ công chức, viên chức thấp hơn khu vực sản xuất kinh doanh, chưa bảo đảm cho cán bộ, công chức, viên chức sống chủ yếu bằng tiền lương; thu nhập ngoài lương lớn, là một trong những nguyên nhân của tiêu cực, tham nhũng. Thu nhập ngoài lương... nhất là ở các ngành và vị trí gắn với con dấu và chữ ký đang có xu hướng gia tăng và gắn liền với tệ nạn tham nhũng, chạy chức chạy quyền rất công khai và mạnh, để lại các di hại hàng thế hệ...

Theo TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế VN, một chính sách tiền lương tốt phải phát huy được sức sáng tạo và năng lực, hiệu quả của đội ngũ lao động, nhất là lao động có chất lượng cao, các chuyên gia, nhân tài. Chính sách tiền lương còn phải đặt trong mối tương quan hài hòa thu nhập giữa các khu vực thị trường, lĩnh vực ngành nghề và tạo động lực định hướng và thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại. Đặc biệt, một chính sách thu nhập thỏa đáng còn giúp giảm thiểu các xung đột lợi ích và đình công trong DN, giữ ổn định và sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, kinh doanh.

Ông Phong đã đưa ra một số đề xuất: Nhà nước cần chủ động hơn trong phối hợp với các tổ chức công đoàn và hiệp hội nghề nghiệp - xã hội và linh hoạt hơn trong quy định mức tiền lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu mức sống tối thiểu của người lao động theo thay đổi chung của thị trường.

Bên cạnh đó, cơ chế tiền lương trong các loại hình DN cũng cần được thống nhất và mở rộng quyền tự chủ của DN. Nhà nước cần khuyến khích hình thành cơ chế đối thoại, thương lượng, thỏa thuận và tự định đoạt về tiền lương, thống nhất định mức lao động, đơn giá tiền lương... Từng bước thực hiện chính sách tiền lương cao để đảm bảo người lao động có tích lũy từ tiền lương và mở rộng cơ hội cho họ mua cổ phần trong DN, để họ vừa là người lao động, vừa là người đầu tư, nhằm góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, giảm thiểu tranh chấp lao động và đình công trong DN.

Chính sách tiền lương khu vực nhà nước phải bảo đảm tiền tệ hóa đầy đủ tiền lương và lương là thu nhập chính, đáp ứng mức sống của công chức ở mức trên trung bình của xã hội. Đặc biệt, có cơ chế đặc thù trả lương đặc biệt và tôn vinh xứng đáng cho các nhân tài và lao động lành nghề, chuyên môn cao…

Tuy nhiên, đơn giản nhất - như cách nói của ông Thiên: Chúng ta đang cần một cuộc cải cách tiền lương theo đúng nghĩa chứ không phải cứ tiến hành cuộc “rượt đuổi ma ra tông” trường kỳ của lương với giá.

82% DN Nhật sợ tốc độ tăng lương ở VN

Cơ quan Xúc tiến thương mại đầu tư Nhật Bản (JETRO) vừa công bố Điều tra 250 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại VN. Kết quả, 82% doanh nghiệp Nhật Bản tại VN “sợ” về tốc độ tăng lương của VN những năm qua. Theo đó, mức lương tối thiểu của VN năm 2012 tăng 19,7% so với năm 2011 và năm 2013 sẽ tăng 17,5% so với 2012.

Mặc dù “sợ” về tốc độ tăng lương của VN thời gian qua, nhưng JETRO cũng cho biết, lương trung bình hàng tháng của công nhân ngành sản xuất, chế tạo ở các công ty Nhật Bản tại VN là 145 USD. Trong khi đó, ở Trung Quốc là 325 USD, Indonesia là 229 USD.

Lương trung bình hàng tháng của kỹ sư ngành sản xuất là chế tạo VN làm cho các công ty Nhật Bản được trả là 315 USD, trong khi đó ở Thái Lan là 698 USD, Trung Quốc là 579 USD, Indonesia là 420 USD.

Tương tự, lương hàng tháng của kỹ sư ngành sản xuất chế tạo VN làm cho công ty Nhật Bản chỉ bằng 45% mức lương trung bình mà một kỹ sư cùng ngành ở Thái Lan được công ty Nhật Bản trả; và bằng 54,4% ở Trung Quốc; và 75% ở Indonesia.

Điều đó cho thấy, lương cơ bản của người lao động phổ thông và lao động có tay nghề của VN đều thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực.

Tuy vậy, kết quả một khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động VN cách đây không lâu cho biết, mức lương tối thiểu của DN VN hiện nay mới chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình.

Theo Bá Tú

thunm

Diễn đàn Doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên