MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sotrans – từ số dư tiền khổng lồ đến kế hoạch tăng gấp đôi vốn điều lệ

08-12-2015 - 10:12 AM | Doanh nghiệp

Việc đầu tư cổ phiếu Sotrans mặc dù hứa hẹn những khoản lợi nhuận ấn tượng, những triển vọng từ hoạt động kinh doanh mà công ty có thể mang đến, thì nhà đầu tư cũng cần cân nhắc những rủi ro đi kèm do quy mô các dự án quá lớn.

Theo kế hoạch đã được ĐHCĐ bất thường ngày 20/8/2015 thông qua, Sotrans dự kiến sẽ phát hành thêm 13,78 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, đạt 275,6 tỷ đồng. Tỷ lệ phát hành 1:1. Giá phát hành bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, thị giá cổ phiếu STG của công ty hiện đang dao động quanh mức 24.000 đồng/cổ phiếu.

Số tiền huy động được qua đợt phát hành này dự kiến đạt 137,8 tỷ đồng. Theo kế hoạch sẽ được sử dụng vào việc Đầu tư xây dựng kho Phú Mỹ (80 tỷ đồng) và bổ sung vốn lưu động của công ty (57,8 tỷ đồng).

Được biết, dự án Kho Sotrans Phú Mỹ có tổng diện tích 50.000 m2, diện tích kho khai thác 30.000 m2, kho tiêu chuẩn 10.000 m2. Số lượng nhà kho dự kiến 3 nhà kho. Theo tính toán của công ty, việc đầu tư dự án này giúp giá trị tăng thêm của cổ phiếu ở vào khoảng 29,8%.

Đây chỉ là một trong rất nhiều tham vọng của Sotrans trong năm 2015, đặc biệt sau khi SCIC thoái vốn khỏi doanh nghiệp này vào tháng 7 vừa qua. Với việc thoái vốn này, In Do Trần (ITL) – một trong những doanh nghiệp nội địa lớn nhất ngành logistic đã trở thành cổ đông lớn của Sotrans với tỷ lệ sở hữu trên 14%.

ĐHCĐ bất thường ngày 5/11/2015 của Sotrans đã thông qua phương án đầu tư vào công ty con có ngành nghề kinh doanh phù hợp với tổng mức đầu tư tối đa 800 tỷ đồng. Kế hoạch này được đánh giá là tham vọng khi giá trị đầu tư vượt quá tổng tài sản cuối quý 3 của công ty (454 tỷ đồng) – vượt xa vốn chủ sở hữu (160 tỷ đồng)…

Nói là làm, cuối tháng 11, STG chính thức chi 350 tỷ đồng thành lập công ty con (Sotrans sở hữu 100%) thuộc lĩnh vực hạ tầng. Quy mô vốn điều lệ của công ty con còn vượt công ty mẹ tại cùng thời điểm (137 tỷ đồng).

Ngoài ra, Sotrans cũng có ý định thâu tóm 65% cổ phần MHC - một doanh nghiệp nhiều biến động cả về hoạt động kinh doanh, chiến lược lẫn nhân sự trong thời gian gần đây. Tính theo mức giá hiện hành 15.700 đồng/cổ phiếu MHC, để sở hữu 65% cổ phần, Sotrans cần chi hơn 270 tỷ đồng. Tính đến giữa tháng 11/2015, Sotrans đã sở hữu 11,7% cổ phần MHC.

Trong quý 3 vừa qua, Sotrans vay dài hạn 200 tỷ đồng, số dư tiền cuối quý 3 của công ty lên tới 220 tỷ đồng - trong đó phần lớn vẫn là tiền đang được gửi tại ngân hàng.

Số tiền nói trên có vẻ chưa thấm vào đâu so với nhu cầu đầu tư của Sotrans trong thời gian gần đây. Chính vì vậy, công ty có kế hoạch phát hành 400 tỷ đồng trái phiếu thường, 500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi. Chào bán gần 14 triệu cổ phần chỉ là một kế hoạch tương đối khiêm tốn của công ty nhằm huy động vốn.

Điều dễ dàng nhận thấy, Sotrans thể hiện rõ tham vọng mở rộng, thâu tóm các doanh nghiệp liên quan. Tuy nhiên, cũng phải nhận thấy rằng, quy mô các thương vụ của Sotrans đều quá lớn so với quy mô tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của công ty.

Trong 6 tháng gần đây, cổ phiếu STG của Sotrans đã tăng mạnh từ mức giá xung quanh 16.500 lên đến 24.000 đồng hiện tại. Đã có lúc, thậm chí cổ phiếu STG vượt mốc 28.000 đồng. Việc đầu tư cổ phiếu Sotrans mặc dù hứa hẹn những khoản lợi nhuận ấn tượng, những triển vọng từ hoạt động kinh doanh mà công ty có thể mang đến, thì nhà đầu tư cũng cần cân nhắc những rủi ro đi kèm do quy mô các dự án quá lớn như đã nói ở trên.


Biến động giá cổ phiếu STG 6 tháng gần nhất

Biến động giá cổ phiếu STG 6 tháng gần nhất

 

Đan Nguyên

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên