Sửa đổi mạnh một số cơ chế thuế
Các nhà làm luật cơ bản tán thành sửa đổi một số cơ chế thuế có tác động đến cả đời sống kinh doanh cũng như thị trường tiêu dùng, đó là thuế đối với mặt hàng rượu, bia, trò chơi có thưởng.
Có 3 thay đổi lớn được các đại biểu cơ bản tán thành, liên quan đến quy định vềđối tượng chịu thuế; giá tính thuế TTĐB và thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá, rượu, bia, trò chơi có thưởng, xăng sinh học đã trở nên không phù hợp với thực tế sau gần 5 năm thực hiện,
Theo đó, bỏ quy định thu thuế TTĐB đối với nap-ta (naphtha), bao gồm cả con-đen-sát (condensate), chế phẩm tái hợp và các chế phẩm khác để pha chế xăng, làm rõ đối tượng không chịu thuế TTĐB đối với tàu bay sử dụng cho mục đích an ninh, quốc phòng.
Các đại biểu cũng bổ sung quy định giá tính thuế đối với hàng hoá vừa chịu thuế bảo vệ môi trường, vừa chịu thuế TTĐB là giá chưa có thuế bảo vệ môi trường và thuế GTGT để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật thuế.
Với quan điểm hạn chế mạnh mẽ hơn nữa việc tiêu dùng thuốc lá, đa số các ý kiến tán thành phương án lộ trình tăng thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá từ ngày 01/01/2016 tăng từ 65% lên 70%; từ ngày 01/01/2019 tăng từ 70% lên 75%. Tương tự, việc lạm dụng rượu, bia đã gây tác hại đến sức khỏe người dân, xem xét tăng thuế suất thuế TTĐB đối với các mặt hàng này từ 5-15% tùy nồng độ.
Theo đánh giá chung, do những nội dung sửa đổi, bổ sung thuế suất thấp và có lộ trình nên doanh nghiệp sẽ không chịu tác động “sốc” và vẫn có lãi, không kéo theo ảnh hưởng tới việc làm và thu nhập của người lao động trong các ngành sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế TTĐB cũng như trong ngành, lĩnh vực liên quan (như người dân trồng cây thuốc lá).
Cũng nhận được sự tán thành cao tương tự là nội dung sửa đổi một số điều tại các Luật về thuế hiện hành. Đó là việc bổ sung quy định ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; bổ sung quy định ưu đãi thuế TNDN đối với công nghiệp hỗ trợ (CNHT); bổ sung quy định ưu đãi thuế đối với dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 12.000 tỷ đồng và phạm vi tác động sâu, rộng tới kinh tế-xã hội; sửa đổi quy định khống chế đối với chi quảng cáo, khuyến mại; bổ sung quy định đối với phần thu nhập từ các dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài chuyển về Việt Nam; bổ sung quy định nguyên tắc áp dụng ưu đãi thuế TNDN.
Về thuế thu nhập cá nhân (TNCN), bổ sung quy định miễn thuế TNCN đối với cá nhân Việt Nam là thuyền viên làm thuê cho các hãng tàu nước ngoài và tàu Việt Nam vận tải quốc tế; sửa đổi quy định thuế TNCN đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản và chuyển nhượng chứng khoán theo hướng minh bạch về chính sách, tránh vướng mắc trong thực hiện và cải cách về thủ tục hành chính; sửa đổi quy định về thuế khoán đối với hộ, cá nhân kinh doanh theo hướng đơn giản để cá nhân có thể tự khai, tự nộp và giám sát được việc thu thuế của cơ quan thuế bằng nội dung Luật quy định.
Đại biểu Quốc hội cũng xem xét chuyển mặt hàng phân bón, thức ăn chăn nuôi công nghiệp từ đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5% hiện nay sang đối tượng không chịu thuế GTGT, sửa đổi, bổ sung quy định từ miễn thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên dùng cho nông, lâm, ngư, diêm nghiệp.
Theo ước tính, khi thực hiện dự án Luật nêu trên, ước tính tổng số thuế hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp năm 2015 khoảng 3.900-4.000 tỷ đồng và mỗi năm tăng chi khoảng 1.300 tỷ đồng từ Quỹ hoàn thuế để thực hiện hoàn thuế GTGT.
Để đảm bảo cân đối NSNN, số thu ngân sách sẽ được bù đắp bằng việc điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB đối với các mặt hàng thuốc lá, rượu, bia, kinh doanh casino tại dự thảo Luật thuế TTĐB trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.
Cụ thể, theo ước tính, năm 2015 tăng 571 tỷ đồng, năm 2016 tăng 2.773 tỷ đồng, năm 2017 tăng 4.395 tỷ đồng, năm 2018 tăng 6.436 tỷ đồng, năm 2019 tăng 9.312 tỷ đồng; đồng thời khi sản xuất kinh doanh phát triển sẽ tăng thu trong trung và dài hạn.
Dự kiến cả 2 đạo luật sẽđược thông qua trong kỳ họp này và hiệu lực thi hành từ ngày 1/1 và 1/7/2015.
Theo Nguyên Linh