MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sửa thuế TNDN: Cân đối giữa lợi ích và chi phí

11-04-2013 - 15:55 PM | Doanh nghiệp

Sáng nay, 11-4, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp tổ chức Hội thảo khoa học góp ý hoàn thiện pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).

Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia về luật và thuế đến từ Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Khoa Luật- Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Tài chính... để cùng thảo luận, đánh giá xung quanh thực trạng và định hướng sửa đổi Luật thuế TNDN.

Nhiều sự đồng thuận

Tổng quan về dự án sửa đổi, bổ sung Luật thuế TNDN, ông Nguyễn Văn Phụng- Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, để đảm bảo mục tiêu, yêu cầu trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020, nội dung định hướng sửa đổi Luật lần này tập trung vào thuế suất và ưu đãi thuế.

Cụ thể, Chính phủ trình giảm mức thuế suất phổ thông từ 25% xuống còn 23% từ năm 2014. Đối với DN có quy mô nhỏ và vừa sử dụng dưới 200 lao động và cố tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng sẽ được áp dụng thuế suất 20%.

Dự thảo Luật cũng bổ sung thêm một số lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn được hưởng mức thuế TNDN ưu đãi. Theo đó, tổ chức tài chính vi mô; thu nhập của DN từ thực hiện các dự án trồng cây dược liệu; hoạt động sản xuất, tinh chế thức ăn gia súc, gia cầm, thuỷ sản… sẽ được áp thuế suất 20%.

Mức thuế 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo sẽ được dành cho các DN lập mới từ dự án đầu tư sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới không sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phát triển công nghệ sinh học, bảo vệ môi trường; DN công nghệ cao, DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Mức thuế 10% được áp dụng cho các khoản thu nhập của DN đến từ việc thực hiện dự án nghiên cứu phát triển, dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án ươm tạo công nghệ cao, ươm tạoDN công nghệ cao; thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư- kinh doanh nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua; thu nhập từ hoạt động báo in (kể cả quảng cáo trên báo) của cơ quan báo chí; thu nhập từ hoạt động xuất bản của cơ quan xuất bản theo quy định của Luật Xuất bản…

Phần lớn các tham luận trình bày tại hội thảo đều bày tỏ sự đồng thuận với những dự kiến sửa đổi của Chính phủ.

Đại diện khoa Thuế và Hải quan- Học viện Tài chính chỉ ra 2 điểm sáng. Đó là, Dự luật đã thể hiện rõ được sự cần thiết của việc sửa đổi Luật thuế TNDN đồng thời khẳng định được những sửa đổi sẽ khắc phục được những hạn chế cơ bản của Luật hiện hành; tăng cường tính minh bạch của chính sách thuế cho các nhà đầu tư nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư trong điều kiện cạnh tranh giữa các nước trong khu vực và trên thế giới ngày càng gay gắt.

TS. Nguyễn Minh Phong- Phó trưởng Ban Tuyên truyền lý luận, Báo Nhân dân đánh giá, nhìn chung, Dự luật đã bám sát mục tiêu tiếp tục tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đảm bảo công bằng, bình đẳng trong cạnh tranh, phù hợp với xu thế cải cách thuế và thông lệ quốc tế.

Đặc biệt, việc giảm mức thuế suất chung và cải cách ưu đãi thuế để tạo sự chuyển biến trong phân bổ nguồn lực, khuyến khích DN tăng tích lũy, tích tụ đổi mới thiết bị, đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh và từng bước tăng trưởng nguồn thu ngân sách Nhà nước trong trung và dài hạn; đảm bảo đơn giản, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và góp phần thúc đẩy cải cách hành chính và hiện đại hóa công tác quản lý thuế.

Sức ép về ngân sách

Bên cạnh sự đồng thuận, các chuyên gia cũng đóng góp nhiều ý kiến với mong muốn hoàn thiện thêm cho dự thảo Luật thuế TNDN sửa đổi lần này.

Chia sẻ quan điểm cá nhân, ông Nguyễn Văn Phụng cho rằng, thuế suất và ưu đãi thuế là những nội dung lớn đang nhận được sự quan tâm theo dõi của cộng đồng DN, của các nhà đầu tư hiện tại cũng như các nhà đầu tư tiềm năng.

Quá trình soạn thảo cũng tiếp nhận không ít ý kiến đồng thuận và không đồng thuận với việc điều chỉnh các quy định về ưu đãi thuế. Trong số những ý kiến không đồng thuận có cả ý kiến của một số chuyên gia tư vấn của Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng thế giới.

Chắc chắn, việc điều chỉnh các quy định này sẽ làm tăng thêm tính phức tạp trong quản lý cũng như độ minh bạch của chính sách.

Tuy nhiên, dù theo hướng nào, bài toán cân đối giữa lợi ích và chi phí, giữa ngắn hạn với trung và dài hạn cần được tính toán kỹ lưỡng để có được phương án tối ưu trình lên Quốc hội xem xét thông qua.

PGS. TS Đinh Dũng Sỹ- Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho rằng, quy định lộ trình giảm thuế suất xuống 20% là hợp lý. Tuy nhiên, nhìn vào bối cảnh kinh tế hiện nay, đặc biệt là bức tranh ngân sách, ông Sỹ nhận thấy, không nên áp dụng lộ trình này quá sớm vì nếu tình hình kinh tế chưa có cải thiện thì sức ép về ngân sách sẽ rất lớn. Theo ông Sỹ, sớm nhất là năm 2018 có thể áp dụng được.

Về nội dung ưu đãi đối với đầu tư mở rộng, ông Sỹ cho biết, Luật thuế TNDN năm 2008 đã có quy định ưu đãi đối với đầu tư mở rộng song thực tế áp dụng ưu đãi này gặp nhiều khó khăn do quan niệm và do sự thiếu thống nhất trong các văn bản hướng dẫn khiến cách hiểu về đầu tư mở rộng chưa được chính xác.

Ông Sỹ nhấn mạnh, việc áp dụng thuế suất ưu đãi đối với đầu tư mở rộng của lần sửa đổi này là cần thiết để khuyến khích đầu tư. Các khó khăn về kỹ thuật khi áp dụng quy định này phải có giải pháp xử lý, không vì thế mà loại bỏ chính sách này.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý cần phải quy định cụ thể về khái niệm đầu tư mở rộng, các tiêu chí về vấn đề này một cách dễ hiểu, dễ áp dụng và áp dụng một cách thống nhất, trính tùy tiện; đồng thời khắc phục những bất cập từ việc thực hiện quy định này trước đây trong kỹ thuật, trong kiểm tra, giám sát khai thuế, thu thuế.

Cũng về chính sách ưu đãi thuế, ông Bành Quốc Tuấn- Khoa Luật, Đại học Kinh tế-Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho hay, thuế TNDN có nhiều quy định khuyến khích, hỗ trợ thông qua chế độ miễn, giảm nhưng đồng thời cũng dùng biện pháp giảm thuế suất để ưu đãi đầu tư.

Điều này dẫn đến tình trạng phức tạp, chồng lấn giữa chế độ miễn, giảm và chế độ ưu đãi bằng thuế suất, vừa gây khó cho việc áp dụng vừa làm giảm hiệu quả thu ngân sách.

Hơn thế nữa, ưu đãi miễn, giảm thuế TNDN được quy định trong nhiều văn bản như Luật Khuyến khích đầu tư trong nước, Luật Đầu tư nước ngoài và các văn bản hướng dẫn nên có sự trùng lặp và không nhất quán.

Vì vậy, ông Tuấn khẳng định, cần có sự thống nhất bằng cách chỉ quy định chế độ miễn, giảm thuế trong Luật thuế TNDN. Ở các luật chuyên ngành khác chỉ nên ghi nguyên tắc ưu đãi hoặc chỉ đơn giản là danh mục các ngành, nghề cần ưu đãi.

Ở một khía cạnh khác, TS. Nguyễn Thị Lan Hương- Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cân nhắc sự kết hợp điều chỉnh lợi ích về thuế TNDN giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Theo bà Hương, việc phân cấp cụ thể lợi ích của ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương khoản thu từ thuế TNDN bằng xác định mức thuế mỗi cấp được hưởng sẽ thúc đẩy chính quyền địa phương có tinh thần trách nhiệm với DN trên địa bàn.

Các ý kiến đóng góp tại hội thảo này được Văn phòng Quốc hội ghi nhận và tổng hợp lại để chuyển lạicác cơ quan có thẩm quyềntham khảo trong quá trình nghiên cứu, xem xét các nội dung sửa đổi của Luật thuế TNDN.

Theo Hồng Vân

thunm

Báo Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên