MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“SYM sẽ sáp nhập hai nhà máy ở Việt Nam”

12-03-2014 - 08:03 AM | Doanh nghiệp

Thật sự các nhà máy, các doanh nghiệp sản xuất đang đưa ra những sản phẩm xe máy mới, sản phẩm tốt cho người tiêu dùng nhưng hình như chưa thu hút được nhiều khách hàng mua tiếp.

Đó là thông tin được ông Wang Ching Tung, Tổng giám đốc SYM Việt Nam chia sẻ với BizLIVE.

Để hiểu hơn về tình hình thị trường xe máy Việt Nam cũng như cách mà doanh nghiệp sản xuất xe máy ứng phó với khó khăn hiện nay, chúng tôi đã có bài phỏng vấn ngắn với Tổng giám đốc SYM Việt Nam, ông Wang Ching Tung.

Là một trong “ngũ đại gia” sản xuất xe máy thống lĩnh thị trường Việt Nam, xin ông cho biết nhìn nhận của mình về thị trường xe máy Việt Nam hiện nay?

Hiện vẫn còn nhiều khó khăn cho phát triển. Thật sự các nhà máy, các doanh nghiệp sản xuất đang đưa ra những sản phẩm xe máy mới, sản phẩm tốt cho người tiêu dùng nhưng hình như chưa thu hút được nhiều khách hàng mua tiếp.

Có thể những khách hàng nhiều tiền hơn thì đi mua ô tô, một số khách hàng kinh tế khó khăn thì bán lại hoặc trì hoãn kế hoạch mua xe mới.

Năm 2013 là năm thứ hai liên tiếp, tổng sản lượng tiêu thụ xe máy trên thị trường sụt giảm mạnh và có vẻ thị trường xe máy Việt Nam càng ngày càng “chật” so với công suất của các “đại gia” sản xuất xe máy. SYM Việt Nam đã có phương án gì để “vượt khó”?

Tất nhiên, chính sách của SYM Việt Nam cần phải có những thay đổi lớn.

Trước tiên vẫn phải tiếp tục phục vụ người tiêu dùng ở Việt Nam như tăng cường chính sách hậu mãi tốt hơn, đưa ra các sản phẩm mới cạnh tranh với các hãng.

Nhưng ngược lại, so với trước, tăng trưởng của thị trường xe máy Việt Nam đã không còn như hồi xưa đi lên rất nhanh mà đã ổn định nên SYM Việt Nam muốn phát triển thêm sản lượng phải tranh thủ những thị trường ở Đông Nam Á.

Hiện chúng tôi đã khai thác những thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á có hiệu quả, trong đó chủ yếu là xuất khẩu sang Malaýia, Philippines.
Ngoài ra, giờ đang khai thác thêm những thị trường tiềm năng khác trong Đông Nam Á là Thái Lan, Myanmar, Indonesia.

Vậy đâu là thị trường chủ lực mà SYM Việt Nam hướng đến trong thời gian tới?

Đối với SYM Việt Nam, thị trường trong và ngoài nước đều là thị trường chiến lược, đều phải chú trọng cả hai.

Năm 2015, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ trở thành Cộng đồng ASEAN với thị trường 600 triệu dân, thuế suất trong ASEAN sẽ về bằng 0%. Điều này sẽ có tác động tới SYM Việt Nam như thế nào?

Nếu ASEAN thành một thị trường thống nhất thì đối với SYM sẽ rất tốt. Hiện SYM chỉ có nhà máy sản xuất ở Việt Nam, ở các nước Đông Nam Á khác chỉ có nhà máy lắp ráp, phối hợp với địa phương.

Do đó, khi hình thành cộng đồng ASEAN, SYM sẽ sáp nhập hai nhà máy sản xuất ở Việt Nam và SYM ở Việt Nam sẽ phát triển thêm. Nhưng chúng tôi cũng mong muốn chính phủ Việt Nam sẽ có thêm những chính sách hỗ trợ cho các nhà sản xuất xe máy.

Với mục tiêu tăng trường GDP năm 2014 của Việt Nam là 5,8%, cao hơn năm ngoái. Theo ông, liệu tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất xe máy có khả quan hơn?

Mặc dù thị trường xe máy chưa thể phục hồi mạnh trong năm 2014, nhưng với tuyên bố GDP
tăng trưởng 5,8% trong năm 2014, cùng với sự ra đời của Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), chúng tôi sẽ nỗ lực cùng nhau vượt qua khó khăn.

Bởi nếu GDP phát triển bảo thủ thì chắc chắn có ảnh hưởng đến sự phát triển của chúng tôi.
SYM là doanh nghiệp sản xuất xe máy 100% vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sớm nhất.Hiện SYM Việt Nam có hai nhà máy sản xuất ở Đồng Nai và Hà Tây, năng lực sản xuất 540.000 xe một năm.

Mạng lưới phân phối hiện có hơn 300 đại lý chuyên cung cấp dịch vụ sau bán hàng, linh kiện phụ tùng chính phẩm SYM. 45 nhà máy vệ tinh của Việt Nam và 47 nhà máy vệ tinh Đài Loan hợp tác chuyên sản xuất, cung cấp linh kiện cho SYM Việt Nam.

Theo Minh Hằng

thanhhuong

Bizlive/Diễn đàn đầu tư

Trở lên trên