MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tái cơ cấu ngành Dầu khí: PVN sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại PV GAS xuống dưới 75%

12-08-2015 - 09:13 AM | Doanh nghiệp

Theo Đề án tái cơ cấu ngành Dầu khí, sau năm 2015, Nhà nước sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại hàng loạt công ty thuộc ngành dầu khí như PVGas (xuống dưới 75%), Lọc hóa dầu Bình Sơn (từ 100% xuống 51%), PVCombank (xuống dưới 20%)...

Đề án tái cơ cấu ngành Dầu khí phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đưa ra định hướng giữ vốn và rút vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp trong ngành.

Đề án tái cơ cấu ngành dầu khí được Tổng Cục Năng lượng đưa ra để các bên thảo luận, thống nhất. Sau đó, Bộ Công Thương thông qua, sau đó sẽ được trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cụ thể, với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), tỷ lệ vốn của Nhà nước sau năm 2015 và tầm nhìn 2030 vẫn là 100%; phạm vi phát triển sau năm 2015 là quản lý các hợp đồng dầu khí, thực hiện công tác điều tra cơ bản, đầu tư dẫn dắt và hợp tác đầu tư trong ngoài nước.

Tại Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP), tỷ lệ vốn của Nhà nước hiện tại đang là 100% nhưng vẫn có thể sẽ giảm xuống tùy tình hình phát triển. Mục tiêu phát triển sẽ tập trung tự đầu tư, hợp tác đầu tư trong và ngoài nước.

Đáng chú ý tại Tổng công ty khí Việt Nam (PVGas), trong định hướng của ngành dầu khí, vốn sở hữu của Nhà nước tại tổng công ty này dự kiến giảm xuống dưới 75%, từ mức 96,7% như hiện nay.

Đối với lĩnh vực chế biến dầu khí, dự kiến vốn Nhà nước tại Công ty TNHH lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR - đơn vị quản lý Nhà máy lọc dầu Dung Quất) sẽ giảm từ 100% xuống còn 51%. Định hướng phát triển của BSR sẽ tập trung phạm vi mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) sẽ được giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước từ 57% hiện tại xuống dưới 51% và phát triển trong phạm vi Nhà máy xơ sợi Đình Vũ. Trong khi, Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP) được điều chỉnh vốn Nhà nước từ 29% xuống 18%, thực hiện theo hợp đồng liên doanh.

Đối với lĩnh vực dịch vụ dầu khí, cổ phần Nhà nước tại Tổng công ty Dầu Việt Nam - PVOil sẽ giảm từ 100% xuống 51% và dưới mức 51%. Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC, mã chứng khoán PVX) sẽ giảm từ 55% xuống dưới 50% và sau đó sẽ điều chỉnh dưới 36%.

Trong khi tại Tổng Công ty Dung dịch khoan và hoá phẩm Dầu khí (DMC , mã chứng khoán PVC) sẽ được đưa xuống mức dưới 36%; Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Dầu khí (mã chứng khoán PVE) xuống dưới 29%, Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (Petrosetco - mã chứng khoán PET) xuống dưới 25% (mức hiện tại là 35%).

Vốn Nhà nước tại Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (mã chứng khoán PVI) dự kiến được điều chỉnh xuống dưới mức 35%, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Chúng Việt Nam - PVcomBank điều chỉnh từ mức 51% xuống dưới 20%.

 
 

Những doanh nghiệp dầu khí khác không được điểm tên trong danh mục trên về cơ bản chưa có dự định thay đổi lượng vốn Nhà nước tại những doanh nghiệp này.

Theo Huyền Thương

Vinanet

Trở lên trên