MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tám kiến nghị của doanh nghiệp

16-07-2013 - 16:04 PM | Doanh nghiệp

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2013, các đại biểu đã chia sẻ, đề xuất những phương thức để các DN nhỏ và vừa tồn tại trong thời kỳ kinh tế gặp khó khăn.

Những vấn đề về chính sách, vốn, lãi suất, thuế, phí, hàng gian, hàng giả, môi trường, giờ xe lưu thông… nhằm giúp doanh nghiệp (DN) tháo gỡ khó khăn trong giai đoạn hiện nay đã được Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) nêu rõ tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2013 do HUBA tổ chức ngày 15/7 tại TP.HCM.

Những kết quả khả quan

Nhìn lại hoạt động 6 tháng đầu năm 2013 đã thấy rõ HUBA đang dần đạt được những kết quả khả quan ở nhiều vai trò khác nhau. Cụ thể, theo báo báo hoạt động 6 tháng đầu năm và phương hướng hoạt động 6 tháng cuối năm, HUBA đã tập trung thực hiện tối đa vai trò tham vấn chính sách thông qua những hoạt động tích cực như duy trì việc đi thăm cơ sở hội viên trung bình 3 - 4 DN/mỗi tuần để nắm bắt tình hình thực tế của DN nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các đối tượng này.

Bên cạnh đó, đơn vị liên tiếp phối hợp với các cơ quan, ban ngành tổ chức nhiều chương trình đối thoại, hội nghị như: góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tổng hợp ý kiến đề nghị nên đưa vai trò của đội ngũ doanh nhân vào Hiến pháp; tọa đàm “Nghị quyết 02/2013/NQ-CP và kỳ vọng của các DN”; gặp gỡ Chủ tịch nước và Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, lãnh đạo thành phố… kịp thời phản ánh những khó khăn liên quan đến tình hình sản xuất, kinh doanh của DN cũng như góp ý các chủ trương, chính sách của Nhà nước.

Không những thế, với vai trò là cầu nối giữa DN với các sở ngành, HUBA vẫn thường xuyên tiếp nhận, tổng hợp, phản ánh tình hình của các DN cho các cơ quan chức năng kịp thời tháo gỡ khó khăn các đối tượng này, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho DN hoạt động. Nhiều kiến nghị của Hiệp hội đã được UBND TP.HCM ghi nhận và trình lên Trung ương.

Nổi bật hơn hết vẫn là công tác chăm sóc và phát triển hội viên, tính đến nay, các các tổ chức hội DN quận, huyện trên địa bàn TP.HCM là hội viên của HUBA đã được phủ kín ở các địa phương, nâng tổng số tổ chức hội, CLB thành viên của HUBA lên 53 đơn vị.

Ngoài ra, HUBA còn vận động phát triển thêm các tổ chức CLB chuyên ngành và địa phương khác tại thành phố. Cụ thể, có 3 CLB gồm: CLB Các nhà kinh tế Sài Gòn, CLB Doanh nhân Phú Yên tại TP.HCM và CLB Khởi nghiệp đã được thành lập. Hiện, đơn vị đang tiến hành xem xét thủ tục thành lập hai CLB chuyên ngành; hỗ trợ tư vấn thành lập CLB Chợ đầu mối nông sản Hóc Môn và Bình Điền.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ, đề xuất những phương thức để các DN nhỏ và vừa tồn tại trong thời kỳ kinh tế gặp khó khăn.

Ông Nguyễn Quốc Anh - Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa, Giám đốc Công ty Đức Minh cho biết, các DN lớn như Casumina, Naco xuất khẩu tốt, tình hình sản xuất tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa có phần thuận lợi do giá nguyên vật liệu (cao su, nhựa) ổn định, tuy nhiên do sức mua kém nên doanh thu chỉ đạt hơn 80% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường trầm lắng nên các DN dừng các dự án đầu tư mở rộng, co cụm sản xuất, không dám để hàng tồn kho. Ngoài ra, còn một số khó khăn khác như: chi phí lao động tăng (do tăng lương tối thiểu vùng), một số chi phí khác tăng và vướng hàng rào kỹ thuật theo quy chuẩn quốc tế.

Từ nhiều năm trước, Hội Cao su – Nhựa TP.HCM đã đi tiên phong trong việc thuê đất tại Đức Hòa - Long An để làm cụm công nghiệp cho các doanh nghiệp thành viên thuê. Đến nay hầu hết các DN này đều có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và có thể dùng giấy này để thế chấp vay tiền ngân hàng, mở rộng quy mô sản xuất.

Theo bà Lã Thị Lan - Phó chủ tịch HUBA, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM, ngành cơ khí được lãnh đạo xác định là ngành mũi nhọn thành phố, do vậy Hội đề nghị thành phố dành đất để bố trí cho ngành cơ khí. Ngoài ra, hiện có một số doanh nghiệp nhỏ sản xuất các loại thực phẩm như cà phê, nước chấm… muốn đưa vào các siêu thị như Co-op Mart, Satra, nên cũng cần có tiêu chuẩn để hàng hóa của các doanh nghiệp này tiếp cận người tiêu dùng thông qua các siêu thị.

Ông Hàng Vay Chi - Phó chủ tịch HUBA, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Q.11 cho rằng, vấn đề đầu ra cho DN là hết sức quan trọng, nhất là trong ngành dệt may, ngành sử dụng nhiều lao động. Hiện nay, chính sách chung của nhà nước là khuyến khích các DN sản xuất hàng nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Tuy nhiên cũng phải lưu ý là ngành sản xuất nào cũng gây ô nhiễm, nếu không được xử lý rốt ráo. Do đó cũng cần có cơ chế thích hợp để giải quyết.

Lãnh đạo Hiệp hội đã chia sẻ với những khó khăn mà DN đang đối mặt. Với vai trò cầu nối, Hiệp hội tiếp tục tập hợp các vướng mắc, bất cập báo cáo thành phố có hướng kịp thời hỗ trợ thị trường, doanh nghiệp.

Với những kết quả trên cho thấy vai trò và vị thế của các tổ chức hội, trong đó có HUBA, đang ngày càng được khẳng định đối với chính quyền, tạo được niềm tin trong cộng đồng DN.

Theo đó, nhiều hoạt động của HUBA đã tập trung đi sâu vào thực tế, sát thực với tình hình hoạt động của DN. Tuy nhiên, trước những kết quả không mấy khả quan được HUBA tập hợp từ thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan chức năng, cho thấy, năm 2012 số DN Việt Nam ngừng hoạt động, phá sản, giải thể là 53.972 DN (giảm 226 DN so với năm 2011); 5 tháng đầu năm 2013 có 23.226 DN, nhưng riêng quý I/2013 đã có tới 15.200 DN giải thể, ngừng hoạt động (tăng 2.200 DN so với cùng kỳ), điều này minh chứng tình hình “sức khỏe” của DN trong quý I/2013 xấu hơn năm 2012 thậm chí xấu nhất so các năm qua.

Trước tình hình sản xuất của DN luôn gặp nhiều khó khăn, các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ còn mang tính tạm thời, ngắn hạn. Thủ tục hành chính còn ràng buộc quá mức đến chưa thể giải quyết các vấn đề còn tồn đọng và hỗ trợ DN rất ít; các DN đang suy giảm niềm tin vào chính sách của Nhà nước, sức mua của thị trường giảm mạnh, lượng hàng tồn kho ngày càng nhiều, DN mất lòng tin vào sự khởi sắc của thị trường...

Trước thực tế đó, HUBA đã đề ra 8 kiến nghị cần xem xét hỗ trợ DN, gồm:

Thứ nhất, về chủ trương chính sách, Nhà nước cần xây dựng chiến lược ổn định, lâu dài, rõ ràng, minh bạch, tạo hành lang thông thoáng cho DN hoạt động, khi Đảng và Nhà nước ban hành Nghị quyết, Nghị định... thì các bộ ngành phải nhanh chóng hướng dẫn, triển khai bằng các thông tư, đồng thời sau khi có hiệu lực thì phải quy định rõ thời gian thực hiện, quá thời hạn theo quy định thì kiến nghị giao lãnh đạo các tỉnh, thành có nhiệm vụ hướng dẫn thực hiện để các chủ trương, chính sách sớm đi vào cuộc sống. Những chủ trương, chính sách không còn phù hợp, không đi vào cuộc sống được như Nghị định 69/2009/NĐ-CP, Nghị định 71/2010/NĐ-CP... đề nghị cần nhanh chóng và kiên quyết điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.

Thứ hai, về vốn và lãi suất, cho phép các DN được đảo nợ thay cho mua bán nợ. Có chính sách giúp DN tiếp cận được nguồn vốn, phải khống chế trần lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại kể cả nợ cũ và nợ mới đều áp dụng lãi suất như nhau, đồng thời giảm bớt thủ tục và điều kiện bảo đảm để giúp DN tiếp cận được các nguồn vốn vay. Gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản nên phân bổ về các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện, điều này sẽ giúp ít sai sót nhưng lại nhanh chóng, hiệu quả.

Thứ ba, việc phát hành trái phiếu của Chính phủ, nên ưu tiên bán cho người dân trước nhằm huy động nguồn lực (tiền, vàng) trong dân còn rất lớn để đưa vào hoạt động phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Thư tư, về chính sách thuế, phí, Chính phủ xem xét khi ban hành chính sách các loại thì phải ổn định, lâu dài. Cụ thể, nên miễn thuế GTGT cho một số ngành hàng trong nước giúp DN giảm giá bán, giải quyết hàng tồn kho, thu hồi vốn để tái sản xuất; tạm ngưng ban hành thêm các loại thuế, phí phải thu của DN, người dân để tăng cầu hàng hóa và hỗ trợ cho DN; thoái trả tiền thuế bảo vệ môi trường đối với các DN sản xuất túi ni lông đạt các tiêu chí bảo vệ môi trường và được cấp giấy chứng nhận trong khi các DN đó đã đóng thuế bảo vệ môi trường rất cao từ ngày 1/1 - 31/12/2012.

Thứ năm, vấn đề hàng gian, hàng giả, Nhà nước nên tăng cường công tác kiểm tra thị trường và có biện pháp chống tình trạng nhập lậu hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng ảnh hưởng đến DN sản xuất trong nước và người tiêu dùng. Nhà nước hiện nay chống hàng lậu tương đối tốt nhưng việc chống hàng gian, hàng giả vẫn còn buông lỏng.

Thứ sáu, về môi trường, Nhà nước xem xét chỉ đạo các bộ, ngành cần thống nhất, có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng cho DN trong việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường, không làm khó dễ DN; đề xuất Nhà nước đầu tư xây dựng, xử lý môi trường tập trung tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, qua đó, các DN khi sử dụng dịch vụ này phải đóng phí tương ứng, không giao cho DN tự lên phương án thực hiện vấn đề xử lý môi trường như hiện nay.

Thứ bảy, về việc quy định xe quá tải nhằm bảo vệ cơ sở hạ tầng, an toàn giao thông DN hoàn toàn ủng hộ. Tuy nhiên, việc không cho xe trên 20 tấn chạy trên địa bàn thành phố là quá khắt khe, trong khi bình thường hàng hóa đóng cho container 40 feet có trọng lượng từ 20 - 25 tấn, với trọng lượng hàng và trọng lượng xe sẽ vượt quá quy định cho phép, DN phải hạ tải gây nên khó khăn như: thời gian xuống hàng, cân hàng để bảo đảm trọng tải kéo dài, tốn kém; hàng không đầy container khó bảo quản trong khi vận chuyển; chi phí vận chuyển tăng lên nhiều. Trong khi đó, khả năng đường bộ thành phố có sức chịu trên 30 tấn. DN đề nghị cho xe dưới 25 tấn lưu thông.

Thứ tám, về việc quy định giờ xe lưu thông, việc quy định xe tải không được lưu thông trên một số tuyến đường trong giờ cao điểm nhằm giảm bớt tình trạng kẹt xe là hoàn toàn hợp lý.

Tuy nhiên, HUBA kiến nghị các cơ quan ban ngành xem xét hỗ trợ cho một số DN có sản phẩm đặc trưng như các thực phẩm tươi, sống cần giao cho các cửa hàng phân phối, nhà hàng, khách sạn ... được phép đăng ký một số xe nhất định để lưu thông nhằm giải quyết nhu cầu hàng hóa cần thiết.

Theo BÍCH LOAN - XUÂN LỘC

thanhhuong

Doanh nhân Sài Gòn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên