MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tận dụng ưu đãi thuế, Volkswagen có thể “vỡ mộng” ở Việt Nam?

18-11-2015 - 09:32 AM | Doanh nghiệp

Trường hợp linh kiện nhập khẩu xe của hãng xe Volkswagen chỉ đáp ứng 1 trong 2 điều kiện hoặc không đáp ứng cả 2 điều kiện sẽ phải áp dụng mã hàng và thuế suất của xe nguyên chiếc, tương đương gần 70%.

Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) đã có công văn trả lời đề xuất của Công ty TNHH Phú Thái Holdings (Tập đoàn Phú Thái) về đề xuất mức thuế nhập khẩu cho việc nhập khẩu, lắp ráp và phân phối xe hơi thương hiệu Volkswagen vào Việt Nam.

Theo đó, đại diện Vụ Chính sách Thuế cho biết, linh kiện dự kiến nhập khẩu của hãng xe Volkswagen là 14 cụm linh kiện sau đó lắp ráp tại Việt Nam. Vì vậy 14 cụm linh kiện tháo rời của Volkswagen không đáp ứng quy định về tỷ lệ rời rạc tối thiểu tại Thông tư 05 Bộ Khoa học công nghệ.

Tuy nhiên, đại diện Vụ Chính sách Thuế cũng lưu ý, theo quy định tại Thông tư vừa nêu "Trường hợp mức độ rời rạc của linh kiện ô tô không đáp ứng quy định tại điểm a khoản này do công nghệ sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô thay đổi hoặc do kết cấu ô tô và phụ tùng có tính mới, mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu phải được sự chấp thuận của Bộ Khoa học và Công nghệ".

Vì vậy, trường hợp 14 cụm linh kiện nhập khẩu của hãng xe Volkswagen mới đáp ứng được một điều kiện và cần phải đáp ứng thêm điều kiện là doanh nghiệp đủ Tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô theo quy định của Bộ Công Thương hoặc có hợp đồng mua bán với doanh nghiệp có đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô để được tính thuế nhập khẩu theo thuế suất của linh kiện.

"Trường hợp linh kiện nhập khẩu xe của hãng xe Volkswagen chỉ đáp ứng 1 trong 2 điều kiện hoặc không đáp ứng cả 2 điều kiện nêu trên thì phải áp dụng mã hàng và thuế suất của xe nguyên chiếc", văn bản nêu rõ.

Trước đó, đại diện Tập đoàn Phú Thái từng cho biết, Volkswagen đã chỉ định Tập đoàn PON của Hà Lan là nhà phân phối lâu đời và lớn nhất của Volkswagen hỗ trợ Phú Thái thực hiện các nghiên cứu thị trường và hoàn tất một bản kế hoạch tổng thể nhằm thâm nhập sản phẩm của Volkswagen vào thị trường Việt Nam, biến nơi đây thành thị trường xe hơi chính của ASEAN.

Trước thông tin này, dư luận đã đặt giả thiết, mục đích chính của Volkswagen là lắp ráp giản đơn tại Việt Nam để hưởng lợi thế về thuế nhập khẩu và hưởng lợi khi thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN giảm về 0% vào năm 2018.

Hiện tại, xe của Volkswagen muốn thâm nhập thị trường Việt Nam chỉ theo con đường nhập khẩu nguyên chiếc và chịu mức thuế suất khá cao, gần 70%.

Trong khi, nếu đầu tư cơ sở láp ráp, thuế suất thuế nhập khẩu bộ linh kiện có thể giảm xuống còn 25%, thấp hơn nhiều so với nhập khẩu nguyên chiếc.

 

Theo TÂM AN​

BizLIVE

Trở lên trên