MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tập đoàn Besra nợ tiền thuế khai thác mỏ vàng Bồng miêu, Phước Sơn: Việc xử lý số nợ gần 300 tỉ đồng như thế nào?

17-08-2014 - 15:49 PM | Doanh nghiệp

Việc ủng hộ, tạo điều kiện cho Tập đoàn Besra Việt Nam hoạt động là đúng đắn. Nhưng, Tập đoàn Besra Việt Nam phải tuân thủ luật pháp Việt Nam và không thể để những chủ nợ của mình lâm vào thế phá sản.

Nếu Tập đoàn Besra Việt Nam không chịu nộp tiền nợ thuế thì ngành chức năng cần phải thực hiện chức trách để đảm bảo kỷ cương pháp luật, không thể để xảy ra một “tiền lệ xấu”...

Năm 1997, Tập đoàn Besra Việt Nam được quyền khai thác mỏ vàng Bồng Miêu (thuộc xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) và đến năm 1999, tiếp tục được khai thác vàng ở Phước Sơn (huyện Phước Sơn, Quảng Nam). Sau khi được cấp giấy phép, tập đoàn này đã đầu tư máy móc hiện đại để khai thác. Mỏ vàng Bồng Miêu là mỏ vàng có trữ lượng rất lớn.

Từ năm 2005, kết quả thăm dò đã cho thấy trữ lượng vàng ở mỏ vàng này khoảng 12.388kg. Còn tại huyện Phước Sơn, mỏ vàng Phước Thành, thuộc địa phận xã Phước Kim, trữ lượng cũng đạt đến 11.602kg và mỏ Đăk Sa, xã Phước Đức có trữ lượng 7.210 kg. Thế nhưng, mới đây bất ngờ Tập đoàn Besra Việt Nam lại tuyên bố đóng cửa hai mỏ vàng, khiến hơn 1.000 lao động mất việc làm và nợ tiền thuế gần 300 tỉ đồng…

Cục Thuế tỉnh Quảng Nam cho biết, Công ty Vàng Bồng Miêu và Công ty Vàng Phước Sơn (đều thuộc Tập đoàn Besra Việt Nam). Tính đến tháng 6/2014, tổng số nợ thuế (bao gồm cả khoản phạt nộp chậm thuế) của Công ty Vàng Phước Sơn khoảng 230 tỷ đồng, còn Công ty vàng Bồng Miêu gần 55 tỷ đồng. Trong khi, hai nhà máy của các công ty này đào được khoảng 6,9 tấn vàng ròng 99,99% và đã xuất bán ra nước ngoài.

Công ty Vàng Bồng Miêu đã ngừng hoạt động.

Đến nay, việc Tập đoàn Besra Việt Nam chây ì tiền thuế, vẫn là chuyện thời sự “rất nóng” ở tỉnh Quảng Nam. Dư luận đặt câu hỏi, vì sao Tập đoàn Besra Việt Nam không trả nợ thuế số tiền gần 300 tỉ đồng theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Trong khi, doanh nghiệp trong nước nợ thuế là bị “trảm” ngay theo luật định (?!).

Một công đoạn khai thác vàng khi Công ty Vàng Bồng Miêu còn hoạt động.

Theo tính toán của giới kinh doanh vàng, nếu tính giá vàng thời điểm rẻ nhất, giá 30 triệu đồng/lượng, thì với gần 7 tấn vàng ròng đào được đã có giá trị lên đến 5.040 tỷ đồng, tương đương với khoảng 250 triệu USD. Thu khoản tiền “khủng” như vậy, nhưng Tập đoàn Besra Việt Nam lại không chịu nộp thuế và trả nợ cho nhiều chủ nợ khác…

Trước tình hình này, ông Đinh Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, quan điểm của lãnh đạo tỉnh là hết sức chia sẻ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp tục làm ăn. Tỉnh thống nhất kéo dài thời gian trả nợ thuế cho doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp phải cam kết trả nợ theo kế hoạch và nếu khai thác, có sản phẩm xuất khẩu thì phải nộp thuế.

Mới đây, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Minh Quang - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường, cho rằng, Tập đoàn Besra Việt Nam đã góp phần trực tiếp giải quyết công ăn việc làm cho hơn 1.000 lao động tại địa phương, tiên phong về sử dụng công nghệ hiện đại trong khai khoáng.

Trước những khó khăn hiện tại của doanh nghiệp, chính quyền địa phương sẽ xem xét và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp tục được cấp giấy phép thăm dò và khai thác tại 2 mỏ vàng Phước Sơn và Bồng Miêu theo hướng phát triển lâu dài, bền vững và thân thiện với môi trường…

Rõ ràng, việc ủng hộ, tạo điều kiện tối đa cho Tập đoàn Besra Việt Nam hoạt động là đúng đắn. Nhưng, Tập đoàn Besra Việt Nam phải tuân thủ luật pháp Việt Nam và không thể để những chủ nợ của mình lâm vào thế phá sản. Nếu Tập đoàn Besra Việt Nam không chịu nộp tiền nợ thuế thì ngành chức năng cần phải thực hiện chức trách để đảm bảo kỷ cương pháp luật, không thể để xảy ra một “tiền lệ xấu” trong môi trường đầu tư, cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp với nhau…

Vụ Công ty vàng thiếu nợ khắp nơi: Liệu có mất trắng?

Theo Thành Nhân

thanhhuong

Công an nhân dân

Trở lên trên