Tập đoàn cao su “gánh” lỗ nghìn tỷ cho công ty tài chính
Công ty Tài chính Cao su bị buộc phải sáp nhập và xóa tên khỏi thị trường sau khi hoạt động thua lỗ, xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng. Toàn bộ công nợ, số lỗ của công ty sẽ chuyển giao Tập đoàn cao su Việt Nam xử lý.
- 14-04-2015Tập đoàn cao su đầu tư dự án bất động sản hơn 342ha
- 01-01-2015Tập đoàn Cao su Việt Nam hoàn thành nhà máy chế biến mủ cao su tại Campuchia
Tính đến cuối năm 2014, Công ty tài chính Cao su đã bị thua lỗ tới 1.775 tỷ đồng, vượt quá tổng tài sản và vốn điều lệ (1.088 tỷ đồng), tức âm cả vốn chủ sở hữu. Khi đó, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã chỉ ra nhiều yếu kém, sai phạm tại công ty tài chính này. Tập đoàn cao su Việt Nam đã có văn bản đề nghị Chính phủ cho phép sáp nhập công ty tài chính này vào tập đoàn và dùng vốn của tập đoàn để xử lý thua lỗ.
Bắt buộc sáp nhập
Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định chấm dứt hoạt động đối với Công ty Tài chính TNHH MTV Cao su Việt Nam là công ty con, do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam sở hữu 100% vốn điều lệ.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Công ty Tài chính Cao su Việt Nam tiến hành việc sáp nhập về một mối. Việc sáp nhập phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật, lập hợp đồng sáp nhập, tiếp nhận - chuyển giao các tài sản, lao động hiện có tại Công ty tài chính Cao su Việt Nam.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam được kế thừa các nghĩa vụ, quyền và lợi ích từ công ty tài chính, song phải tiếp tục xử lý thu hồi nợ và trả nợ, không thực hiện huy động vốn, cho vay, nhận tiền gửi, thanh toán…
Quyền thu hồi nợ và nghĩa vụ trả nợ của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam sẽ chấm dứt khi tập đoàn đã hoàn tất việc xử lý, thu hồi nợ và trả nợ theo phương án sáp nhập đã được phê duyệt.
Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu NHNN thu hồi giấy phép hoạt động của công ty tài chính này ngay sau khi hoàn thành sáp nhập. Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam có trách nhiệm thực hiện điều chỉnh, bổ sung điều lệ tổ chức và hoạt động của tập đoàn theo các nội dung nêu trên.
Như vậy, Công ty tài chính Cao su Việt Nam sẽ là tổ chức tín dụng tiếp theo bị buộc phải sáp nhập và biến mất khỏi thị trường. Đây được cho là biện pháp mạnh tay nhằm xử lý, thu gọn các công ty tài chính hoạt động yếu kém, nợ xấu lớn, rủi ro mất vốn nhà nước…
Được biết, công ty này có hoạt động chính như: huy động vốn, cho vay cá nhân, tổ chức, cầm cố, mua bán các giấy tờ có giá, các dịch vụ khác có liên quan đến tài chính, ngân hàng, bảo hiểm… Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của công ty lại liên tục bết bát với số lỗ lũy kế đến cuối năm 2014 lên tới 1.775 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu.
Theo TTCP, Công ty Tài chính Cao su đã có những sai phạm trong hoạt động, đơn cử: cho vay hơn 1.900 tỷ đồng, gây ra nợ xấu tới 1.625 tỷ đồng. Tức tỷ lệ nợ xấu cao kỷ lục tới… 83% dư nợ và có khả năng mất vốn.
Ngoài cho các công ty thành viên của Tập đoàn Cao su Việt Nam vay vốn, Công ty Tài chính Cao su đã “đổ” tiền vào những lĩnh vực nhạy cảm như: bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm… Nhất là, công ty đem tiền gửi vào Công ty tài chính của Ngân hàng Agribank (ALC2), khó thu hồi nợ.
Sai phạm có “hệ thống”
Hoạt động quản lý yếu kém của Công ty tài chính Cao su còn được phản ánh qua một số vụ án lớn, có hậu quả nghiêm trọng xảy ra thời gian qua. Đáng chú ý là vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại vốn nhà nước 45 tỷ đồng. Trong vụ án này, bị cáo Phan Minh Anh Ngọc, nguyên Tổng giám đốc Công ty tài chính Cao su, đã có nhiều sai phạm trong quản lý, điều hành công ty, để cho cấp dưới dễ dàng “qua mặt” làm sai.
Đơn cử, bị cáo Trần Quốc Hoàng – chỉ là nhân viên tài chính của công ty nhưng đã thực hiện trót lọt tới 21 hợp đồng tín dụng, để nguyên Tổng giám đốc Ngọc ký, duyệt giải ngân. Kết quả là công ty đã bị chiếm đoạt gần 45 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Ngọc còn bị điều tra về hành vì huy động vốn, sau đó đem 600 tỷ đồng gửi vào Công ty cho thuê tài chính ALC2, chỉ thu hồi được 51 tỷ đồng gốc và lãi. Công ty ALC2 đã bị mất khả năng thanh toán.
Mặc dù hoạt động của Công ty Tài chính Cao su bộc lộ nhiều yếu kém, thua lỗ mất vốn, nhưng trách nhiệm của công ty mẹ- Tập đoàn Cao su Việt Nam - lại khá mờ nhạt. Thậm chí, tập đoàn “đổ” lỗi thua lỗ là do công ty con còn “non trẻ”…
Trong phương án xử lý, Tập đoàn Cao su đề nghị Thủ tướng cho giải thể công ty tài chính, sáp nhập nguyên trạng vào công ty mẹ, xin được trích lập dự phòng và nhận lỗ 686 tỷ đồng. Sau đó, sẽ dùng lợi nhuận để bù đắp số lỗ này. Nói cách khác là khi sáp nhập, tập đoàn sẽ sử dụng vốn nhà nước để xử lý thua lỗ, nợ nần cho công ty tài chính này.
Vậy trong tổng số lỗ 1.775 tỷ đồng của Công ty tài chính Cao su, số lỗ hơn 1.100 tỷ đồng còn lại sẽ xử lý như thế nào?
Quyết định của Thủ tướng đã chỉ rõ, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam phải tiếp tục nghĩa vụ xử lý thu hồi nợ và trả nợ. Nhưng với những khoản nợ tại tổ chức đã mất khả năng thanh toán như ALC2, hay tiền cho vay bị chiếm đoạt, thì tập đoàn có xử lý thu hồi được đầy đủ hay không? Liệu rằng Tập đoàn Cao su Việt Nam có tiếp tục xin cơ chế ưu đãi xử lý nợ xấu, như cách mà Vinashin, Vinalines từng xin xóa nợ, giảm nợ…
Thời báo kinh doanh