Tây Ninh: Bị công ty mía đường ép giá, người trồng mía khốn đốn
"Mía càng cháy càng có lợi cho nhà máy cả về trữ lượng, lẫn giá thu mua, còn người nông dân càng khốn đốn."
Đến huyện Tân Biên (Tây Ninh) vào thời điểm này, chúng tôi tiếp tục cảm nhận nỗi lo trên khuôn mặt khắc khổ của những người nông dân trồng mía, cùng những than phiền về việc thu mua chậm trễ của nhà máy, trừ vô cớ 200 ngàn/tấn của Cty CP Bourbon Tây Ninh (nay là Cty CP Mía đường Thành Thành Công) - Mã chứng khoán SBT.
Tự động đưa ra giá thu mua
Theo một số chuyên gia mía đường, nếu thu hoạch mía trong 11 tháng tuổi, mía cho trữ đường rất cao. Ngược lại, nếu thu hoạch trễ, để mía trên 11 tháng tuổi sẽ dẫn đến sản lượng và trữ đường giảm nhiều, thiệt hại cho người trồng từ 15 - 20 tấn/ha. Ngoài ra, mía bị khô héo dễ dẫn đến hỏa hoạn, rồi việc xoay vòng đất cho vụ sau của nông dân gặp khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt, ngụ tại Khu phố 3, thị trấn Tân Biên là người đại diện cho hơn 150 hộ trồng mía và người có diện tích trồng, thiệt hại về mía nhiều nhất, than thở: "Tôi có hợp đồng DT 0583 trồng gần 60 ha mía cho nhà máy, trong đó có khoảng 20 ha là đất thuê, đến 10/2013 hết hạn thuê, nhưng nhà máy kéo thời gian đến tận cuối tháng 11/2013 mới chuẩn bị chạy. Tôi đã nhiều lần làm đơn xin nhà máy cho thu hoạch sớm để trả đất và cho kịp vụ sau, nhưng Cty Bourbon không hồi âm, để cho mía cháy, rồi trừ 200 ngàn/tấn mà trong hợp đồng tôi ký không có điều này”.
Cũng theo phản ánh, số tiền bị trừ trên, người trồng mía chỉ biết sau khi nhận "Bảng kê chi tiết mùa vụ 2013 – 2014” của Cty .
Ông Nguyễn Văn Tiền, ấp Tân Hóa, Tân Lập cũng cho biết: "Mía càng cháy càng có lợi cho nhà máy cả về trữ lượng, lẫn giá thu mua, còn người nông dân càng khốn đốn. Nếu mía không cháy thì nhà máy chậm trễ, có khi kéo đến tháng 3 năm sau mới cho đốn chặt. Chúng tôi đã nhiều lần gọi điện cho ông Đinh Văn Hiệp, là Phó TGĐ Nông nghiệp của Cty nhưng ông Hiệp đã không cho đốn chặt”. Vẫn theo ông Tiền: Sau khi mía cháy, không hiểu sao mà Cty trừ đi 200 ngàn/tấn. Lẽ ra phải thông báo chính sách rõ ràng, trước mùa vụ để nông dân có hướng trồng cây gì cho hiệu quả.
Qua tìm hiểu, nếu mía cháy, sau khi trừ chi phí vận chuyển, nhân công đốn chặt thì giá chỉ còn dưới 360 ngàn/tấn. Trung bình 1 ha mía đạt được khoảng 65 - 70 tấn thì người trồng mía thu được từ 18 - 22 triệu đồng. Trong khi đầu tư cho 1 ha mía từ 55 - 60 triệu đồng. Mặc dù lỗ, thất bát mùa vụ nhưng hầu hết bà con không phá bỏ vì sợ sự ràng buộc của hợp đồng với Cty về thế chấp tài sản bằng chính diện tích đất trồng mía để nhận đầu vốn nhỏ giọt của Cty. Nhiều người lâm vào cảnh thất bát. Như anh Nguyễn Văn Tuấn, ấp Tân Thanh, Tân Bình mới thuê được gần 4 ha đất của người thân thì ngay vụ đầu đã bị "bà hỏa” viếng thăm. Anh tâm sự: "Tôi bây giờ không còn nổi một ngàn đồng để mua xôi cho con ăn. Biết chạy vạy đâu để bù cho nhà máy đây?!”.
Xe mía tươi thành xe mía… cháy!
Mía cháy sẽ đẩy người trồng chịu mọi thiệt thòi, có thể thua lỗ, trắng tay. Do sức ép, nhiều hộ dân tự động đốn chặt khi chưa có lệnh, nhưng, khi chở mía về nhà máy lại không chấp nhận.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt bức xúc: "Do thiếu sót, vào ngày 25-11-2013, tôi đã cho nhân công đốn nhầm 1 xe mía, chở trên xe tải biển số 70C- 033.86 của chủ xe Ngô Văn Nhẫn. Sau khi xin nhiều cán bộ từ địa bàn đến Cty nhưng không nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ phía nhà máy. Ngược lại, sau 5 ngày xe mía phải đậu lại, Kiểm sát viên nhà máy có nói với tôi, xe mía tươi này muốn vào nhà máy thì phải thành một xe mía cháy.
Không còn cách nào khác, tôi phải cho xe mía cạp lề, lấy xuống khoảng 2 tấn để đốt phủ lên bề mặt xe mía tươi rồi chờ đến tối 30-11-2013 mới được đi vào nhà máy”. Bà Nguyệt, nói trong đau xót: "Xe mía tươi trọng lượng 20 tấn phải đốt 2 tấn để tạo bề mặt nghiễm nhiên trở thành xe mía cháy, kéo theo giá trị giảm so với mía tươi. Phải chăng nhà máy muốn mua mía cháy?!”. Với cách hành xử này, đây có phải thêm một trong những nguyên nhân khiến mía cháy hay tạo động cơ cho người dân chủ động đốt mía?.
Không còn cách nào khác, tôi phải cho xe mía cạp lề, lấy xuống khoảng 2 tấn để đốt phủ lên bề mặt xe mía tươi rồi chờ đến tối 30-11-2013 mới được đi vào nhà máy”. Bà Nguyệt, nói trong đau xót: "Xe mía tươi trọng lượng 20 tấn phải đốt 2 tấn để tạo bề mặt nghiễm nhiên trở thành xe mía cháy, kéo theo giá trị giảm so với mía tươi. Phải chăng nhà máy muốn mua mía cháy?!”. Với cách hành xử này, đây có phải thêm một trong những nguyên nhân khiến mía cháy hay tạo động cơ cho người dân chủ động đốt mía?.
Xung quanh việc này, ông Nguyễn Bá Chủ, TGĐ - Cty CP Bourbon, cho rằng: "Xe mía của bà Nguyệt chở đến ngày 28/11/2013 đến tối ngày 30/11/2013 mới cho vào nhà máy vì mía kém chất lương”. Chỉ khi bà Nguyệt được mời đến văn phòng Cty họp giải quyết sự việc mía cháy, ký tái hợp đồng trồng mới, xử lý nợ… có trình tờ đơn về việc đốt mía thì ông Chủ phải thốt lên: "Giờ tôi mới biết sự việc này?!”
Được biết, UBND tỉnh đã mời Cty Bourbon lên giải trình về sư việc nhiều hộ dân ở huyện Tân Biên bức xúc về chính sách thu mua, trừ vô cớ 200 ngàn/tấn mía cháy. Tuy nhiên, sự việc chưa được giải quyết và người trồng mía vẫn tha thiết mong các cơ quan chức năng vào cuộc để hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi cho họ.
>> Khổ vì trồng mía ngắn ngày tràn lan
>> Khổ vì trồng mía ngắn ngày tràn lan
Theo Hồng Quân
Đại đoàn kết
Theo Đại đoàn kết
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!
Từ Khóa: