TGĐ Rừng Toàn Cầu nói gì về số tiền 39 tỷ USD?
Trả lời chất vấn, Tổng giám đốc Cty CP Phát triển Rừng Toàn Cầu, ông Hoàng Quốc Bình thừa nhận, số tiền tài trợ khổng lồ 39 tỷ USD... "hiện chưa có".
- 27-02-2014Xác minh nguồn tiền 'khổng lồ' của Rừng Toàn Cầu
- 27-02-2014Dấu hiệu lừa đảo của Rừng Toàn Cầu: Kẽ hở của Luật Doanh nghiệp
- 26-02-2014Rừng Toàn Cầu giăng bẫy khắp nơi
- 26-02-2014Chân dung những ông chủ tập đoàn Rừng Toàn Cầu
Sau loạt bài điều tra của Tiền Phong phanh phui các hoạt động bất bình thường của Cty Cổ phần Phát triển Rừng Toàn Cầu (Cty Rừng Toàn Cầu) ở nhiều địa phương trên cả nước, nhằm thông tin đa chiều, PV Tiền Phong chất vấn trực tiếp Tổng giám đốc Hoàng Quốc Bình tại trụ sở Cty (số 139/1A Đinh Bộ Lĩnh, phường 26 Bình Thạnh, TPHCM). Ông Bình thừa nhận:
Số tiền tài trợ 39 tỷ USD hiện chưa có nhưng chúng tôi hy vọng sẽ có trong nay mai. Theo kế hoạch, đầu tháng 3 này mở tài khoản chung để đón nhận, cuối tháng 3, tiền bắt đầu từ nước ngoài sẽ về Việt Nam. Nguồn tiền từ tổ chức phi chính phủ, không trả lãi nhưng phải hoàn vốn sau vòng đời của dự án (từ 8 đến hàng chục năm). Chi tiết cụ thể, xin phép chưa công bố.
Ông có thể cho biết, từ khi thành lập đến nay, Cty Rừng Toàn Cầu đã làm những gì?
Năm 2010, chúng tôi xây dựng luận chứng kinh tế kỹ thuật dự án đầu tư phát triển rừng. Năm 2011, tổ chức tập huấn cho nhân viên ở 63 tỉnh, thành. Cuối năm 2013 và đầu năm 2014, tổ chức hội nghị ở ba miền Bắc, Trung, Nam để đánh giá tổng kết quá trình thực hiện dự án. Kế hoạch năm 2014, Cty sẽ xuất uỷ nhiệm chi để cấp vốn triển khai thực hiện dự án.
Chi mạnh tay,vì chỉ là tiền... trên giấy
Dự án còn nằm trên giấy, nhưng Cty Rừng Toàn Cầu đã có nhiều hoạt động từ thiện và hỗ trợ, số tiền lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Những hoạt động từ thiện rầm rộ này nhằm mục đích gì?
Lúc đầu chúng tôi chỉ tập trung vào các dự án hợp tác và phát triển rừng, tổng vốn 31,2 tỷ USD; các dự án xây dựng vườn ươm cây con giống nông lâm nghiệp, tổng vốn 5,5 tỷ USD. Về sau, nhiều địa phương nhờ chúng tôi hỗ trợ vốn làm công tác từ thiện, nên mới có thêm lĩnh vực này, với tổng vốn 2,3 tỷ USD.
Cũng như các dự án, tiền từ thiện, hỗ trợ cũng chỉ là trên giấy thôi, đúng không thưa ông?
Đến nay chúng tôi đã ký 205 hợp đồng với các doanh nghiệp; lập hồ sơ hỗ trợ tài trợ, an sinh xã hội cho 22.084 đơn vị; lập hồ sơ hỗ trợ vườn ươm cây giống, con giống nông lâm nghiệp 1.037 dự án. Với các hộ nghèo, chúng tôi cấp giấy chứng nhận sở hữu cổ phần. Sau này, khi các dự án được triển khai thì hộ nghèo sẽ trở thành cổ đông, để thoát nghèo bền vững.
Ông và các Phó TGĐ cũng có giấy chứng nhận cổ phiếu?
Tôi và mỗi Phó TGĐ được cấp giấy chứng nhận cổ phiếu 2,2 tỷ đồng, mỗi Giám đốc Chi nhánh 1,1 tỷ đồng, đều do Cty Hiển Vinh (thành viên Cty Rừng Toàn Cầu, có chức năng phát hành cổ phiếu) phát ra. Hiện nay tôi làm việc không có lương. Bản thân tôi là sỹ quan công an nghỉ hưu, con của một cựu thứ trưởng, vợ còn làm ở một bệnh viện, hàng ngày chạy xe đi làm phải xuất tiền nhà đổ xăng.
Một số doanh nghiệp ký hợp đồng từ giữa năm trước, đến nay, qua thời hạn cam kết trả tiền đã lâu nhưng chưa nhận được tiền, họ cho rằng Cty Rừng Toàn Cầu “có hành vi lừa đảo”; xin cho biết ý kiến của ông?
Cam kết hợp đồng có hai điều khoản chính. Một là, trong vòng 30 ngày, chủ đầu tư của dự án phải đổi giấy phép để Cty Hiển Vinh được tham gia làm chủ dự án, đến nay, khoảng 1/3 trong 205 hợp đồng ký với doanh nghiệp đã chuyển đổi. Điều kiện thứ hai, trong vòng 120 ngày, Cty Rừng Toàn Cầu phải trả tiền, nếu không thì hợp đồng hết hiệu lực. Hiện chưa có tiền, nếu doanh nghiệp nào cần kéo dài hiệu lực thì thương thảo, còn không thì coi như không còn hiệu lực.
Thu vào, là “tiền tươi, thóc thật”!
Tiền nước ngoài chưa thấy đâu, lâu nay, Cty Rừng Toàn Cầu lấy tiền đâu để hoạt động?
Mỗi thành viên khi tham gia các chương trình của Cty Rừng Toàn Cầu đều tự nguyện mua cổ phiếu 27.250.000 đồng. Đến nay, đã có gần 1.300 thành viên tự nguyện mua cổ phiếu, trong đó có 1.037 vườn ươm giống, và 205 doanh nghiệp ký hợp đồng vừa kể.
Ký kết hàng loạt dự án rất lớn, nếu tới đây, vẫn không có tiền, điều gì sẽ xảy ra?
Tập thể HĐQT Cty Rừng Toàn Cầu phải gánh chịu hậu quả. Lúc đó, chắc hàng nghìn doanh nghiệp đã ký hợp đồng với chúng tôi, sẽ “làm thịt” chúng tôi. Có thể chúng tôi còn bị quy vào hành vi lừa đảo. Gia đình của Chủ tịch HĐQT, cả vợ chồng con cái đang gánh vác trọng trách của Cty Rừng Toàn Cầu sẽ phải chịu trách nhiệm trước tiên. Tôi xin nói thật, trong nội bộ chúng tôi cũng có người nghi ngờ về nguồn vốn từ nước ngoài. Nên hiện giờ, chúng tôi như đang ngồi trên lửa.
Xin hỏi câu cuối, ông có tin nguồn vốn từ nước ngoài sẽ chuyển về không?
Tôi rất hy vọng. Vì tập thể đang quyết tâm. Đặc biệt, trong Cty Rừng Toàn Cầu có nhiều cán bộ cao cấp, trung cấp đã nghỉ hưu, đang cùng tham gia làm việc.
Các hợp đồng hợp tác đầu tư là vô hiệu? Theo hợp đồng hợp tác đầu tư (HĐHTĐT) xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su tại xã Hà Mòn (Đắk Hà, Kon Tum) giữa Cty Hiển Vinh (bên B) với Cty TNHH Đ. (bên A), tổng mức đầu tư dự án là 1.000 tỷ đồng; Cty Hiển Vinh xác nhận Cty Đ. đã đầu tư vào dự án 100 tỷ đồng, Cty Hiển Vinh sẽ cấp 900 tỷ đồng cho dự án, bằng sở hữu cổ phần của Cty Hiển Vinh. Tỷ lệ góp vốn của hai bên là 10% và 90%, nhưng bên B chỉ nhận phần vốn của mình là 70%, phần vốn của bên A là 30%. Các HĐHTĐT của Cty Hiển Vinh hầu hết theo mẫu trên đây. Chúng có đúng pháp luật không? Luật sư Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa cho rằng, việc ông Cao Văn Xứng, Chủ tịch HĐQT Cty Hiển Vinh ký giấy chứng nhận cho cổ phần của Cty là không đúng quy định của Luật Doanh nghiệp; các giấy chứng nhận sở hữu cổ phần được Cty Hiển Vinh cấp không có giá trị. “Có thể xác định, các HĐHTĐT Cty Hiển Vinh ký với đối tác và được công chứng là trái pháp luật, có nguy cơ bị Tòa án tuyên vô hiệu khi phát sinh tranh chấp”, Luật sư Hà nhận định. Bà Th., Giám đốc Cty Đ. cho biết, chưa chuyển đổi chứng nhận đăng ký kinh doanh để Cty Hiển Vinh có tên trong đó. “Cty tôi làm ăn đã 16 năm nay, tự nhiên họ đòi vô chiếm 70 phần trăm. Tôi buộc họ phải thực hiện một số cam kết, nhưng cả năm nay họ không thực hiện. Lỡ để họ vào chiếm 70% rồi không thực hiện hợp đồng, lúc đó đuổi họ ra bằng cách nào? Rất nguy hiểm”- Bà Th. nói. Nguyễn Đình Quân |
Theo Sáu Nghệ - Tiến Hưng