MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường bảo hiểm: Điểm sáng trong "gam trầm"

15-02-2013 - 08:38 AM | Doanh nghiệp

Toàn ngành Bảo hiểm đã đầu tư hơn 91.000 tỷ đồng vào nền kinh tế quốc dân, góp phần phát triển kinh tế đất nước, bảo đảm an sinh xã hội.

Vượt qua nhiều khó khăn thách thức trong năm 2012, ngành Bảo hiểm vẫn nằm trong top các ngành nghề duy trì tốc độ tăng trưởng tốt nhất tại Việt Nam. Năm 2013 được dự báo là năm vẫn chưa hết khó khăn và tiếp tục thử thách “sức bền” của ngành Bảo hiểm.

Những con số đáng mơ ước

Nếu như phác họa bức tranh chung của nền kinh tế đất nước năm 2012 với nhiều “gam trầm” thì ngành Bảo hiểm được coi một trong những điểm sáng hấp dẫn khi doanh thu và lợi nhuận vẫn đạt con số tăng trưởng ấn tượng. Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường năm 2012 ước đạt 40.858 tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2011; trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 22.942 tỷ đồng, tăng 11,5% và doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 17.916 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2011.

Mặc dù mức tăng của khối bảo hiểm phi nhân thọ năm 2012 không như dự kiến, nhưng bối cảnh chung thì kết quả trên là con số mơ ước của khá nhiều ngành nghề. Con số tăng trưởng trên được các DN bảo hiểm phi nhân thọ tạo dựng từ việc đẩy mạnh chuyển hướng sản phẩm sang bảo hiểm tài sản cá nhân, bảo hiểm sức khỏe, y tế, bảo hiểm trách nhiệm, bảo hiểm tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp... 

Lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ cũng đã tạo ra những dấu ấn khá tốt, vẫn thu hút được đông đảo khách hàng tham gia bảo hiểm và duy trì được hợp đồng bảo hiểm cũ, thu hút những hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mới nhiều hơn số hợp đồng đáo hạn.

Các doanh nghiệp (DN) đã nỗ lực khắc phục tình trạng nợ đọng phí, trong khi vẫn phải đối diện với bài toán phát triển đi lên, đầu tư vẫn phải an toàn, hiệu quả. Điều này cũng đặt ra yêu cầu đối với các DN bảo hiểm trong việc cơ cấu chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa danh mục đầu tư, dù đó là hình thức nào thì vẫn phải hoạt động an toàn, để tiếp tục có lãi trong năm tới.

Tính đến ngày 30/10/2012, thí điểm BHNN đã triển khai ở tất cả các tỉnh, thành phố với khoảng 180.000 hộ dân đã tham gia. tổng giá trị bảo hiểm cây trồng, vật nuôi, thủy sản hiện tại là 2.972,245 tỷ đồng.

Trong dấu ấn tăng trưởng năm 2012, ngoài sự nỗ lực của các DN, thị trường bảo hiểm Việt Nam còn ghi nhận một lực đẩy khá tích cực từ cơ chế, chính sách, khuôn khổ pháp lý mà cơ quan quản lý chuyên ngành đã ban hành. 

Điển hình, Thông tư 124/2012/TT-BTC ngày 30/7/2012 của Bộ Tài chính đã tạo động lực cho DN bảo hiểm bứt phá bằng việc bổ sung quy định mới trong triển khai sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ đồng thời tác động không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các DN và nhiều biện pháp tăng cường cạnh tranh lành mạnh cho thị trường bảo hiểm trong thời gian tới...

Chính nhở những nỗ lực trên mà toàn ngành Bảo hiểm đã đầu tư hơn 91.000 tỷ đồng vào nền kinh tế quốc dân, góp phần phát triển kinh tế đất nước, bảo đảm an sinh xã hội. Cùng với đó, các DN bảo hiểm tiến hành tái cơ cấu, đảm bảo biên khả năng thanh toán, danh mục đầu tư an toàn, hiệu quả; xử lý nợ khó đòi và tái cơ cấu vốn chủ sở hữu, giảm dần vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tại các DN bảo hiểm; lựa chọn đối tác chiến lược tham gia góp vốn.

Đánh giá về những kết quả trên, ông Trịnh Thanh Hoan – Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho rằng: Mặc dù, năm 2012 tốc độ tăng trưởng không đạt dự kiến, nhưng toàn Ngành đã nỗ lực rất lớn để tạo lập thị trường tiếp tục phát triển ổn định, lành mạnh và an toàn; đảm bảo khả năng tài chính; chất lượng dịch vụ được cải thiện; sản phẩm bảo hiểm đa dạng, đáp ứng được nhu cầu của người tham gia bảo hiểm. Với kết quả đó, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá cao tiềm năng của thị trường bảo hiểm Việt Nam.

2013 – Chính sách và hành động

Năm 2013, là năm tiếp tục khó khăn đối với các DN trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản... Điều này cũng sẽ tạo ra không ít khó khăn cho DN bảo hiểm trong việc mở rộng khách hàng. Tiếp nối những kết quả đạt được trong năm qua, ngành Bảo hiểm vẫn đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng ở mức hai con số là doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng 10 - 12%, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tăng 12 - 14%; Tổng số tiền các DN bảo hiểm tích lũy đầu tư trở lại nền kinh tế khoảng gần 95.000 tỷ đồng. Các mục tiêu đặt ra này có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi năm 2013 là năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển thị trường bảo hiểm 2011 - 2015 đã được Bộ Tài chính đề ra.

Để hoàn thành mục tiêu này, các DN cần nghiên cứu đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mới nhằm phục vụ nhu cầu bảo hiểm đa dạng của khách hàng như bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm bảo lãnh, bảo hiểm trách nhiệm khám chữa bệnh và các sản phẩm bảo hiểm y tế, hưu trí, bảo hiểm cho người nghèo… Cùng với đó rất cần sự hoàn thiện hành lang pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động.

Tổng số tiền bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế năm 2012 ước đạt 90.591 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2011. trong đó, các DN nhân thọ ước đạt 66.361 tỷ đồng (tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2011), các DN phi nhân thọ ước đạt 24.230 tỷ đồng (tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2011).

Thể hiện sự sát cánh cùng DN và thị trường, mới đây Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 2330/QĐ-BTC về thực hiện các giải pháp phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2011 - 2015. 

Theo đó, năm 2013 là năm đầu tiên triển khai thực hiện 6 nhóm giải pháp chủ đạo là: hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; nâng cao tính an toàn hệ thống, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các DN bảo hiểm; khuyến khích, hỗ trợ các DN phát triển và đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm; đa dạng và chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối bảo hiểm; tăng cường hiệu quả quản lý của nhà nước về kinh doanh bảo hiểm; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hội nhập trong lĩnh vực bảo hiểm.

Bên cạnh đó, năm 2013 ngành Bảo hiểm sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu, đảm bảo khả năng thanh toán, danh mục đầu tư an toàn, hiệu quả; xử lý nợ khó đòi và tái cơ cấu vốn chủ sở hữu, giảm dần vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tại các DN bảo hiểm; lựa chọn đối tác chiến lược tham gia góp vốn.

Tuy nhiên, theo ông Trịnh Thanh Hoan, DN và thị trường vận hành và phát triển bền vững trong năm 2013 cần nghiên cứu xây dựng và ban hành thông tư quy định tiêu chí đánh giá toàn diện rủi ro hoạt động kinh doanh, mức độ an toàn tài chính và công tác quản trị điều hành của DN bảo hiểm. Trên cơ sở các quy định tại Thông tư, tiến hành đánh giá, phân loại DN và áp dụng các biện pháp tái cấu trúc đối với từng nhóm DN.

Tin tưởng rằng với những thành quả đạt được trong năm 2012 và với chiến lược phát triển đúng đắn, ngành Bảo hiểm sẽ tiếp tục tăng trưởng cao, ổn định trong năm 2013 đóng góp ngày càng hiệu quả vào sự phát triển của kinh tế - xã hội, đất nước.

Theo Thanh Nga

Tạp chí tài chính và đầu tư

thunm

Trở lên trên