MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thua trên sân nhà vì chính “lệ làng”

07-04-2015 - 14:54 PM | Doanh nghiệp

Cho dù theo luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn đều có nhắc đến việc phải sử dụng hàng trong nước nếu đảm bảo chất lượng và giá thành thấp hơn hàng nhập khẩu.

Tuy nhiên, đang có một thực tế là tình trạng cơ quan quản lý nhũng nhiễu và đặt ra những điều kiện không theo quy định của Luật khiến doanh nghiệp vô cùng khó khăn trong sản xuất kinh doanh.

Phản ánh với chúng tôi về vấn đề này, ông Trần Thành Trọng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sáng Ban Mai (SBMPOWER) ở tỉnh Bình Dương đưa hẳn những hợp đồng lớn làm bằng chứng chứng tỏ nhiều năm nay, máy phát điện công nghiệp do SBMPOWER sản xuất đạt các tiêu chuẩn của các nước G7, cạnh tranh tốt và xuất khẩu sang nhiều nước.

Từ năm 2010, sản phẩm máy phát điện của SBMPOWER được Bộ Công thương đưa vào Danh mục máy móc, thiết bị… trong nước sản xuất được. Những sản phẩm trong danh mục này sẽ thay thế hàng nhập khẩu trong đấu thầu những dự án có vốn từ ngân sách.

Thế nhưng, sản phẩm “không hề kém cạnh” lại thua ngay tại sân nhà vì những chiêu trò trái luật của chủ đầu tư khi tổ chức dự án đấu thầu. Ông Trọng cho biết tại nhiều dự án đấu thầu, nhất là của cơ quan nhà nước, lại yêu cầu ngay từ đầu phải là sản phẩm nhập ngoại, hoặc chấm điểm rất cao cho sản phẩm ngoại.

Để làm bằng chứng, ông Trọng trưng ra 9 bộ hồ sơ, tài liệu của công ty bị loại khỏi vòng đấu vì “có xuất xứ Việt Nam”. Con số 9, theo ông Trọng mới chỉ là một phần nhỏ từ năm 2013 đến nay. Hầu hết, các chủ đầu tư, bên tư vấn đấu thầu đều chỉ rõ “vi phạm” của SBMPOWER: thiết bị (máy phát điện) phải có nguồn gốc, xuất xứ từ các nước G7, Nhật Bản, Singapore… và thiết bị phải nhập khẩu đồng bộ (cùng một nhà sản xuất).

Chỉ một tiêu chí này thôi, SMBPOWER bị loại từ vòng đầu, cho dù giá luôn rẻ hơn sản phẩm cùng chất lượng (nhưng nhập khẩu) từ 15% - 30%.

Dù làm ra sản tốt nhưng các doanh nghiệp nội vẫn bị loại ra khỏi các cuộc đấu thầu ở trong nước. Trong ảnh: Ông Trần Thành Trọng bên sản phẩm của SBMPOWER

“Chúng tôi làm tốt nhưng lại không có cơ hội thắng trên sân nhà chỉ vì do tâm lý tự ti hàng Việt, sính hàng ngoại nhập của các chủ doanh nghiệp và sự lạm quyền, nhũng nhiễu của đơn vị tư vấn đầu tư, chúng tôi rất bức xúc. Chúng tôi không cần ưu đãi, chỉ cần chúng tôi được đối xử bình đẳng đã tốt lắm rồi”, ông Trọng bức xúc.

Bức xúc này của ông Trọng cũng là bức xúc mà nhiều doanh nghiệp đang gặp phải và cũng đã có nhiều lần kiến nghị với các cơ quan chức năng. “Chúng tôi thua ngay chính tại nơi mà lẽ ra Luật Đấu thầu và Nghị định 63 sớm phát huy tác dụng để tạo ra nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp Việt. Vậy mà các lý do rất vô lý từ đơn vị tư vấn và chủ đầu tư đã khiến cho Luật và Nghị định này bị dẹp qua một bên, không một chút tác dụng”, một chủ doanh nghiệp chuyên sản xuất vật liệu xây dựng, trang trí nội thất tại TP.Hồ Chí Minh cho biết.

Chính phủ đang quyết tâm đưa Việt Nam trở thành 1 trong 4 nước dẫn đầu Asean về môi trường đầu tư kinh doanh. Do đó tình trạng thiếu minh bạch và tham nhũng là những vấn nạn mà cần phải khắc phục. Luật Đấu thầu 2013 cũng đã có quy định khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ về lựa chọn nhà thầu cũng đã có những quy định cụ thể và cả những chế tài.

Tuy nhiên, việc xử lý tới đâu còn phải chờ, nhất là khi nạn “phép vua thua lệ làng” vẫn đầy rẫy trong môi trường đầu tư kinh doanh ở trong nước.

 

Theo Gia Miêu

Hồng Cúc

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên