Tổ công tác liên ngành sẽ thanh tra việc thu phí các đại lý hãng tàu nước ngoài
Nếu các loại phí này cấu thành trong cước vận tải thì quan hệ giữa chủ hàng và các hãng tàu có thể hiệp thương.
Hầu hết các Hiệp hội ngành hàng và DN tại cuộc họp về việc kiểm soát việc thu phí, phụ phí bất hợp lý đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam của các hãng tàu nước ngoài đều đồng ý với ý kiến của VASEP là cần phải có biện pháp để các hãng tàu biển ngừng ngay 4 loại phí bất hợp lý: Phí THC, phí cân bằng container, phí vệ sinh và phí sửa chữa, đồng thời phải có cơ chế giám sát và quản lý việc thu, nộp, tăng phụ phí vận tải bất hợp lý của các hãng tàu biển nước ngoài đối với DN XNK Việt Nam.
Sáng ngày 22/10/2014, Bộ GTVT đã tổ chức cuộc họp bàn về việc kiểm soát việc thu phí, phụ phí bất hợp lý đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam của các hãng tàu nước ngoài dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Văn Công.
Cùng dự họp có đại diện lãnh đạo các cơ quan chức năng thuộc Bộ, ngành, Hiệp hội và doanh nghiệp có liên quan.
Theo ông Bùi Thiên Thu -Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, hiện nay có khoảng 40 hãng tàu biển nước ngoài đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam vận chuyển khoảng 88% khối lượng hàng hóa XNK, trong đó đảm nhận gần 100% hàng hóa xuất khẩu đóng trong container xuất, nhập từ các thị trường như Châu Âu, Châu Mỹ, Bắc Mỹ.
Trong khi đó, đội tàu biển Việt Nam lại chưa đủ năng lực vận chuyển hàng hóa XNK nên các chủ hàng thường phải sử dụng hình thức mua CIF, bán FOB nên quyền thuê phương tiện chủ yếu phụ thuộc vào đội tàu nước ngoài và đối tác nước ngoài. Với sự phụ thuộc quá lớn kèm với việc không có văn bản của Việt Nam quy định về việc thu, nộp, tăng các loại phụ phí nên hiện nay đã có từ 12-15 loại phụ phí mà các DN XNK Việt Nam buộc phải trả.
Nếu các loại phí này cấu thành trong cước vận tải thì quan hệ giữa chủ hàng và các hãng tàu có thể hiệp thương. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn chưa có quy định cụ thể nào nói rõ những khoản phí, phụ phí tạm gọi mà các hãng tàu biển nước ngoài đang thu một cách vô tội vạ là phí hay là giá. Hơn thế, khi giá cước vận tải không tăng, thậm chí còn giảm thì các loại phí “mẹ” lại “đẻ” ra 3-4 loại phí “con”. Đây quả thực là một sự biến tướng bất hợp lý cần phải có cơ chế quản lý.
Hiện nay, tại Singapore và Nhật Bản, Chính phủ đã quy định rất rõ về việc các phí, phụ phí nằm trong giá cước vận tải. Còn tại Bangladesk và Sri Lanka, Tổng thống đã ra tuyên bố từ tháng 4/2014, phụ phí xếp dỡ và các loại phụ phí khác là vi phạm pháp luật.
Tại cuộc họp, đại diện của Bộ, ngành liên quan, các Hiệp hội, doanh nghiệp đã phân tích, đánh giá và không khỏi bức xúc chỉ ra nhiều loại phí mà các hãng tàu nước ngoài đang thu không đúng quy định, không phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế. Theo cập nhật của một số DN của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngoài 12-15 loại phí mà Bộ GTVT đã tổng hợp hiện nay, các DN XNK Dệt may còn phải trả thêm các khoản phí mới như: phí quản lý chứng từ, phí khai báo hải quan đầu nhập... với số tiền không nhỏ từ 800.000-900.000 đồng/bộ hồ sơ đây là các loại phí vô lý mà đáng lẽ chủ tàu phải chịu.
Theo các DN XNK Dệt may Việt Nam hoàn toàn nhất trí chia sẻ khó khăn với các hãng tàu và sẽ đóng các khoản phí hợp lý. Tuy nhiên việc thu, tăng các loại phí, phụ phí phải có cơ sở, hợp lý và có thông báo lộ trình.
Đại diện VASEP nêu ý kiến tại hội nghị
Tại cuộc họp, ý kiến củaông Nguyễn Hoài Nam - Phó TTK VASEP đã nhận được sự đồng tình của hầu hết các đại biểu. Theo ông Nam, cần phải có định nghĩa rõ ràng về các loại phí, phụ phí theo thông lệ quốc tế và luật pháp Việt Nam và có biện pháp để các hãng tàu ngừng thu ngay 4 loại phí bất hợp lý: Phí THC, phí cân bằng container, phí vệ sinh và sửa chữa container bởi những chi phí này đã cấu thành trong trong chi phí nhằm duy trì điều kiện kinh doanh của các hãng tàu.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công đề nghị các Bộ, ngành, Hiệp hội phải thống nhất quan điểm và làm việc với các doanh nghiệp vận tải nước ngoài để giảm thiểu được chi phí bất hợp lý; đồng thời thống nhất nội dung, nhiệm vụ mà Tổ công tác đề ra trong thời gian tới, theo quan điểm tìm hiểu tất cả các khía cạnh liên quan đến các chủ hàng, chủ tàu, đại lý để làm rõ những loại phí không phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế và yêu cầu hãng tàu phải chấm dứt ngay việc thu những loại phí này.
Ngoài ra, Thứ trưởng đề nghị Tổ công tác tìm hiểu trong trường hợp này cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trách nhiệm thanh tra, kiểm tra các đại lý thu phí; khẩn trương làm việc với các hãng tàu, chủ hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam làm minh bạch việc thu, nộp phí, phụ phí vận tải đảm bảo sự hài hòa lợi ích giữa chủ tàu và chủ hàng, đảm bảo phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Ngày 6/10/2014, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định 3776/QĐ-BGTVT thành lập Tổ công tác liên ngành về việc các hãng tàu biển nước ngoài thu phí, phụ phí bất hợp lý đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam. Theo Quyết định, Tổ công tác gồm 20 thành viên do ông Bùi Thiên Thu, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam làm Tổ trưởng. Tổ công tác có nhiệm vụ trực tiếp làm việc với hãng tàu biển nước ngoài, chủ hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam làm minh bạch việc thu phí, phụ phí đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam; so sánh với pháp luật của Việt Nam và thông lệ quốc tế; đề nghị hãng tàu ngừng thu ngay một số loại phí không hợp lý; đồng thời, kiểm tra, giám sát đối với việc thu, nộp phí, phụ phí vận tải đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, Tổ công tác có trách nhiệm tham mưu cho Bộ GTVT và các bộ, ngành nghiên cứu xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế quản lý, giám sát áp dụng giá cước vận tải, phụ phí theo giá cước, phụ phí nội địa đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. |