MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tôi không hề đăng ký dịch vụ này

01-07-2015 - 17:23 PM | Doanh nghiệp

Đó là câu kêu trời của nhiều bạn đọc với Tuổi Trẻ khi điện thoại bỗng dưng có tin nhắn “bạn đã đăng ký thành công gói dịch vụ…” và tiền điện thoại bị trừ ầm ầm.

Anh M. ở Đà Nẵng cho biết mình không đăng ký sử dụng nhưng nhà mạng tự động gửi tin nhắn chúc mừng đã đăng ký thành công

Anh M. ở Đà Nẵng cho biết mình không đăng ký sử dụng nhưng nhà mạng tự động gửi tin nhắn chúc mừng đã đăng ký thành công

Anh M. cho TTO xem tin nhắn “Bạn đã đăng ký thành công gói phong tục hay và lạ bốn phương dịch vụ mPlus của Mobiphone. Cước thuê bao 3000 đồng/ngày”.

“Tôi không hề đăng ký gói này”, chủ thuê bao đã 15 năm là khách hàng của Mobifone này cho biết. Khi anh M. hỏi nhà mạng thì tổng đài viên nói dịch vụ được đăng ký dưới hai hình thức, một là nhắn tin đến tổng đài, hai là nhấp vào một biểu tượng, đường link trên web. Tuy nhiên, anh khẳng định  cả hai hình thức này anh đều không dùng đến.

Khách hàng này cho biết thêm khi nhận được tin nhắn mời sử dụng dịch vụ, anh nhắn tin hủy dịch vụ theo hướng dẫn nhưng cũng không hủy được.

“Nếu cơ chế đăng ký sử dụng dịch vụ của MobiFone là như vậy thì khác gì đang bẫy khách hàng?”, anh M. bày tỏ.

Âm thầm đăng ký giùm khách hàng

Chuyên gia công nghệ thông tin Phạm Hồng Phước cho biết ngay cả bản thân mình cũng gặp phải tình trạng âm thầm đăng ký giùm khách hàng.

“Ngày trước, mỗi lần đi nước ngoài, tôi sẽ yêu cầu nhà mạng cung cấp dịch vụ chuyển vùng quốc tế với thời hạn dùng một tháng. Mấy tháng gần đây, không hiểu vì sao nhà mạng tự động đăng ký cho tôi”.

Ông Phước bức xúc: “Nếu như không phát hiện, khi ra nước ngoài cứ sử dụng bình thường thì tiền cước sẽ rất cao. Đây là cách làm đặt người tiêu dùng vào chuyện đã rồi”.

Khách hàng không đăng ký và mong muốn hủy dịch vụ nhưng cũng không hủy được

Khách hàng không đăng ký và mong muốn hủy dịch vụ nhưng cũng không hủy được

Theo ông Phạm Hồng Phước, hiện các nhà mạng đang lạm dụng việc tự động đăng ký các dịch vụ cho khách hàng.

“Nếu đó là dịch vụ miễn phí thì không sao nhưng là dịch vụ có thu tiền thì nhất thiết phải để người tiêu dùng chủ động lựa chọn và quyết định. Nhà mạng chỉ cần tạo điều kiện tối đa để người dùng đăng ký là đủ rồi”, ông Phước nêu ý kiến.

Anh Xuân Tùng (Vũng Tàu), một người dùng mạng Viettel cho biết mình cũng rơi vào tình trạng tương tự. “Khi tin nhắn từ tinngan.vn gửi tới, tôi chỉ mở ra đọc như tin nhắn bình thường, ai ngờ hệ thống tự động đăng ký rồi mỗi tháng trừ tiền”, anh Tùng kể.

Một khách hàng đang là thuê bao của mạng VinaPhone cũng cho biết mình không hề đăng ký dịch vụ gì nhưng vẫn bị trừ tiền hàng tháng. Đến khi phát hiện ra, gọi đến tổng đài thì được hướng dẫn cách hủy nhưng nhắn hủy hoài chẳng được. Anh Nam cho rằng nhà mạng không thể tự động kết nối các dịch vụ nếu người dùng không yêu cầu.

Nhà mạng có nhiều “chiêu”

Hiện nay, nhà mạng MobiFone đang triển khai chương trình trắc nghiệm trúng thưởng qua tin nhắn miễn phí. Tuy nhiên, sau đó khách hàng sẽ bị trừ tiền cho dịch vụ thông tin tổng hợp 5000 đồng/ngày.

Trong khi đó, nhà mạng Vinaphone đang hợp tác cùng Công ty cổ phần đầu tư ACOM trong một dịch vụ tải game hành động với cách thức đăng ký, tải game mà người dùng đôi khi khó kiểm soát. Nhiều người thắc mắc nếu nhà mạng và đơn vị cung cấp dịch vụ tự động thực hiện tất cả các thao tác đăng ký trên web, nhận mã xác nhận, nhập mã xác nhận lên web thì người dùng có thể chỉ nhận được tin nhắn và bị trừ tiền mà không biết tại sao.

Hay như trường hợp khách hàng dùng mạng Viettel đăng ký tham gia chương trình khuyến mãi gọi nội mạng 60 phút/ngày với cước phí chỉ 5000 đồng/ngày. Tuy nhiên, sau đó khách hàng này nhắn tin cú pháp hủy nhưng không được và nhà mạng vẫn tiếp tục trừ tiền. Viettel cho biết “hệ thống cũng không có dữ liệu về việc khách hàng soạn tin hủy do đó đã gia hạn” và trừ tiền.

Làm sao kiểm soát cước của mình?

Anh Lê Duy, quản trị diễn đàn Mobileworld chia sẻ cách kiểm cách tra sử dụng các dịch vụ giá trị gia tăng như sau:

- Hủy đăng ký bằng cách tắt/ngừng đăng ký các dịch vụ trong menu của SIM

- Nhìn tin nhắn nhà mạng thông báo làm theo hướng dẫn để hủy đăng ký, hay lên Google tìm cách hủy.

- Hoặc gọi lên tổng đài mạng mình đang sử dụng, thông báo tình hình và yêu cầu cho cú pháp/cách hủy các dịch vụ tốn tiền mà mình muốn.

Theo anh Lê Duy, hiện tại, các nhà mạng thường có tình trạng là chào mời đăng ký dịch vụ A, nhưng khi bạn làm theo hướng dẫn để đăng ký dịch vụ A, tổng đài sẽ nhắn tin báo rằng bạn đăng ký kèm theo các dịch vụ như B C D E…  Các dịch vụ B,C,D,E này được thông báo là miễn phí trong thời gian đầu, nhưng sẽ được tính phí sau đó và giá cước của các dịch vụ đều có ghi trong tin nhắn.

Với các SIM mới, thường được cài sẵn một số dịch vụ gửi tin nhắn để biết thông tin cần biết, như LiveInfo của MobiFone, V-Live của VinaPhone,. Các bạn có thể kích hoạt để cách tắt một số hay tất cả các dịch vụ nhắn tin không cần thiết. Chẳng hạn như Super SIM của MobiFone, trong menu điện thoại có biểu tượng hình cái SIM điện thoại với chữ Super SIM, bạn có thể vào đó và tắt dịch vụ LiveInfo đi.

Các bạn cũng có thể kiểm tra bằng cách nhắn tin để biết dịch vụ GTGT mà mình đang sử dụng.

+ Đối với VinaPhone:

VinaPhone hiện có đến 60-70 dịch vụ GTGT tính phí. Để biết, để kiểm tra các dịch vụ mà mình đang đăng ký, hay vô tình đăng ký, bạn soạn: TK gửi 123. Hiện tại, Vinaphone đang chuẩn hóa việc nhắn tin để hủy đăng ký dịch vụ tính phí. Chẳng hạn như dịch vụ A mới của Vinaphone được gửi từ đầu số. Đang ký dich vụ A miễn phí Huy gửi vào đầu số dich vụ.

+ Đối với Viettel: Soạn tin: TC gửi 1228

Cách hủy thì trong các tin nhắn mà nhà mạng báo tới, có chỉ cách hủy một dịch vụ tin nhắn nào đó. Như với dịch vụ Xemdi mới của Viettel, khi đăng ký hay kiểm tra mình có đăng ký, bạn sẽ được gửi tin nhắn có hướng dẫn hủy bỏ dịch vụ, và bạn chỉ việc theo như hướng dẫn đó để nhắn tin bỏ.

+ Đối với MobiFone: Bạn kiểm tra bằng cách soạn: KT gửi 994

Cần bên thứ ba vào cuộc khi có khiếu nại

Bình luận về vấn đề này, tiến sĩ (TS) kinh tế Ngô Trí Long cho rằng nguyên nhân của việc đôi khi ba nhà mạng ba nhà mạng Viettel, MobiFone và Vinaphone đặt khách hàng vào tình thế đã rồi chính là vì vị thế thống lĩnh thị trường của các “ông lớn” này. Theo ông Long, khi người dùng khiếu nại về cách tính cước, cách cài đặt dịch vụ và thu tiền của nhà mạng thì cần có thanh tra vào cuộc để đảm bảo sự việc được giải quyết thấu đáo, công khai và minh bạch. Còn nếu chỉ giữa nhà mạng với khách hàng thì đôi khi sự việc sẽ không được giải quyết thỏa đáng và rốt ráo.

Mặc dù không đăng ký nhưng khách hàng M. vẫn bị thu tiền sử dụng dịch vụ và hoàn toàn không biết bị thu từ khi nào. Đến khi gọi đến tổng đài 9090 mơi biết mình bị sử dụng dịch vụ này.

Mặc dù không đăng ký nhưng khách hàng M. vẫn bị thu tiền sử dụng dịch vụ và hoàn toàn không biết bị thu từ khi nào. Đến khi gọi đến tổng đài 9090 mơi biết mình bị sử dụng dịch vụ này.

“Đối với các nước có môi trường cạnh tranh thực sự giữa các nhà mạng thì không xảy ra chuyện khách hàng phải “ấm ức” như thế này bởi nếu nhà mạng nào không minh bạch thì khách hàng có quyền lựa chọn một nhà cung cấp dịch vụ khác. Bên cạnh đó, những chế tài về vấn đề thương mại điện tử của các nước cũng nghiêm hơn của ta”, TS Ngô Trí Long nhận định.

 

Luật quy định ra sao?

Câu chuyện người tiêu dùng phản ánh nhà mạng trừ tiền bất hợp lý đã diễn ra khá nhiều lần. Người tiêu dùng có quyền khởi kiện nhà mạng ra tòa án có thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đặc biệt, khi tham gia tố tụng tại tòa, người tiêu dùng chỉ việc cung cấp các chứng cứ chứng minh quyền và lợi ích của mình, không cần phải chứng minh lỗi của nhà mạng.

Theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, về nguyên tắc, các chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử có quyền tự do thỏa thuận không trái với quy định của pháp luật để xác lập quyền và nghĩa vụ của từng bên trong giao dịch.

Thỏa thuận này là căn cứ để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình giao dịch. Như vậy, để sử dụng dịch vụ của nhà mạng, giữa khách hàng và nhà mạng phải thực hiện giao kết hợp đồng (thông thường là bằng cách nhắn tin theo cú pháp của nhà mạng).

Do đó, việc nhà mạng tự ý đăng ký các dịch vụ cho khách hàng đã vi phạm nguyên tắc tự do, tự nguyện, thiện chí, trung thực trong giao kết hợp đồng nên doanh nghiệp có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

Cụ thể,  điểm a khoản 3 Điều 23 Nghị định này có quy định nếu doanh nghiệp có hành vi cung cấp các dịch vụ viễn thông cơ bản hoặc dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng khi chưa được sự đồng ý của thuê bao viễn thông sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Trong trường hợp doanh nghiệp cung cấp thông tin về dịch vụ nội dung qua tin nhắn nhưng không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ thông tin về giá, giá cước, cách thức hủy dịch vụ thì có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng (theo điểm d khoản 2 Điều 61 Nghị định này), đồng thời bị tước quyền sử dụng mã số quản lý, tên định danh từ 01 tháng đến 03 tháng.

Nếu doanh nghiệp không chấm dứt việc gửi thư điện tử, tin nhắn hoặc không chấm dứt cung cấp dịch vụ nội dung qua tin nhắn ngay sau khi nhận được yêu cầu từ chối của người nhận thì sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Như vậy, đối chiếu với các quy định trên, các nhà mạng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính đối với những hành vi vi phạm trong việc tự ý cung cấp dịch vụ của mình.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch Hội luật gia TP.HCM

 

Theo Đ.TƯƠI - Đ.THIỆN - T.MY - T.PHONG

Trở lên trên