MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tồn kho vẫn là mối lo

03-02-2015 - 10:27 AM | Doanh nghiệp

Hàng bán ra trong nước chậm, việc XK gặp khó khăn là những nguyên nhân chính khiến lượng hàng hóa của DN tồn kho khá lớn gây thêm gánh nặng cho DN.

Tín hiệu chưa đủ lạc quan

Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 1-2015 từ Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 1-1-2015, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,6% so với cùng thời điểm năm 2014, tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân 12 tháng năm 2014 là 73,8%. Tuy rằng chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính chung trong năm 2014 tăng 7,6% so với năm 2013 (5,9%), ngành chế biến, chế tạo tăng 8,7% (cao hơn mức tăng 7,3% của năm 2013)… nhưng đây vẫn là những con số đáng báo động, bắt buộc các DN phải có những hướng đi đúng để giải quyết thực trạng này.

Điển hình cho tình trạng tồn kho chính là các DN trong ngành mía đường. Theo thống kê mới nhất của Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT), đến giữa tháng 1-2015, lượng đường tồn tại các nhà máy là 338.530 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 12.470 tấn. Còn theo ước tính từ Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), tính đến cuối tháng 12-2014, lượng clinker tồn kho vào khoảng 2,1 triệu tấn, nhưng lượng xi măng tồn kho vào khoảng 600.000 tấn.

Cũng tình trạng tồn kho nhiều, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết thêm, DN ngành sắp thép rất e ngại tồn kho số lượng lớn bởi sắt thép nguyên liệu có giá trị rất lớn, chiếm 70-90% giá trị thành phẩm nên DN phải luôn cố gắng giải quyết triệt để, nếu không, DN chỉ cần để tồn kho trong khoảng 2 tháng là có thể dẫn đến phá sản.

Dưới một góc nhìn lạc quan hơn, ở một số ngành, lượng hàng tồn kho tuy vẫn còn số lượng nhiều nhưng nếu DN có biện pháp giải quyết thì vấn đề này sẽ không còn lớn nữa. Ông Nguyễn Hoàn Cầu, Tổng thư ký VNCA cho rằng, lượng tồn kho của ngành xi măng kể trên không gây ra nhiều trở ngại đối với các DN xi măng. Nguyên nhân là phần lớn lượng hàng tồn kho dưới dạng clinker (nguyên liệu để sản xuất, nghiền thành xi măng) nên có thể lưu kho lâu hơn, để đến giữa năm 2015 vẫn tiêu thụ được, không như dạng xi măng, DN tồn kho loại này cần phải bán ngay trong vòng 2-3 tháng.

Cần giải quyết hợp lý

Để giải quyết vấn đề lượng đường tồn nhiều, theo ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa), công ty đang phải cố gắng thúc đẩy giao thương, tăng lượng đường bán lẻ nội địa để tranh thủ dịp tết Nguyên đán sắp tới. Bên cạnh đó, công ty cũng có kế hoạch mở rộng sản xuất sang các sản phẩm khác có sử dụng nguyên liệu từ đường để giải quyết lượng hàng tồn.

Thực tế cho thấy, hàng tồn kho dù ít hay nhiều nhưng nếu DN không tìm được hướng giải quyết đều có thể gây ra những thiệt hại đến doanh thu, thậm chí có thể khiến DN lụi bại. Do đó, với tùy từng loại mặt hàng đặc thù mà DN có những cách lưu trữ, phương án dự phòng khác nhau.

Với tỷ lệ tồn kho bình quân 12 tháng năm 2014 của ngành sản xuất chế biến thực phẩm lên đến 93,2% (theo Tổng cục Thống kê) nên các DN ngành này có thể thực hiện theo các phương án như xây dựng kho hàng đông lạnh hoặc chế biến thành dạng thực phẩm đóng hộp, sấy khô thì không những tăng được thời gian bảo quản mà còn giúp nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. TS. Trần Hữu Chinh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hải Việt (Havico) cho hay, công ty đã chuyển đổi sang chế biến thủy hải sản thành sản phẩm ăn liền cao cấp như sushi, chả giò… theo tiêu chuẩn quốc tế nên rất được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng.

Đại diện một DN chuyên XNK các mặt hàng nông sản cho biết thêm, chỉ khi nào đã thỏa thuận xong hợp đồng thì DN này mới đi đến các cơ sở sản xuất, nuôi trồng, chế biến để nhập hàng về, chấp nhận giá cả cao thấp theo mùa vụ để tránh chi phí lưu kho hoặc thiệt hại vì tồn kho. Bên cạnh đó, nhiều DN logistics cho biết họ đã và đang đầu tư xây dựng hệ thống kho bãi chất lượng, trang thiết bị hiện đại, có phần mềm quản lý thông minh nên DN sản xuất, XK hoàn toàn có thể thuê lại các DN này để quản lý lượng hàng hóa trong kho một cách tốt nhất.

Chia sẻ về vấn đề này, theo ông Nguyễn Hoàn Cầu, hàng tồn kho mới đang chỉ làm DN tiêu thụ hàng hóa chậm đi. Nên muốn giảm hàng tồn kho thì DN phải thúc đẩy tiêu thụ, tìm đầu ra cho sản phẩm. Nếu không, nhà máy buộc phải sản xuất với số lượng ít đi để tiết kiệm tối đa chi phí. Tuy nhiên, ông Phạm Văn Hà, Tổng thư ký Hiệp hội sắn cho rằng, DN còn nhiều khó khăn để giải quyết vấn đề hàng tồn kho nên cần có sự phối hợp giải quyết từ Nhà nước và các cơ quan chức năng liên quan trong việc khơi thông dòng chảy thị trường, tăng thị hiếu người tiêu dùng.

Theo Hương Dịu

PV

Báo Hải quan

Trở lên trên