MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng giám đốc VNPT: "Khát vọng của tôi là VNPT trở lại ngôi vị số 1"

19-02-2015 - 10:53 AM | Doanh nghiệp

Mục tiêu của Tập đoàn VNPT năm 2015 là lợi nhuận sẽ tăng trưởng trên 15% so với năm 2014, về mục tiêu lâu dài thì đương nhiên là trở lại vị trí số 1, không chỉ về thị phần mà còn ở hình ảnh, thương hiệu.

Tổng giám đốc VNPT Trần Mạnh Hùng nói rằng, điểm nhấn của VNPT trong năm 2014 chính là việc thay đổi tư tưởng của người lao động và VNPT vẫn đang nuôi khát vọng trở lại ngôi vị số 1.

Năm 2014, VNPT đã tạo ra rất nhiều thay đổi và có nhiều điểm nhấn trong các hoạt động sản xuất kinh doanh. Vậy đâu là kết quả khiến ông hài lòng nhất?

Thực ra điều mà tôi hài lòng nhất không phải là doanh thu của VNPT trong năm 2014 vì đấy chỉ là hệ quả của sự thay đổi tư tưởng ở 63 tỉnh, thành phố và cả ở khối các công ty trực thuộc. Sự thay đổi tư tưởng ở 63 tỉnh, thành phố thời gian qua đã tác động rất lớn đến 3,6 vạn người lao động ở các địa phương.

Khi 3,6 vạn người mà thay đổi tư tưởng thì cả hệ thống sẽ chuyển mình theo và quan trọng nhất là mọi người đều thống nhất quan điểm đã thay đổi là phải thay đổi toàn diện và triệt để. Cho đến thời điểm này, vẫn còn có những ý kiến lo lắng nhưng chủ yếu là mong muốn tiếp tục hoàn thiện cơ chế, thể chế để phát triển.

Nhiều người lao động được khích lệ khi thấy có thay đổi tích cực và nó cũng tạo ra sự tự tin cho lãnh đạo. Tất nhiên, sự tự tin ấy phải được hỗ trợ bởi các công cụ, cơ chế, thể chế rõ ràng, minh bạch. Các đơn vị cũng cảm thấy những thay đổi đã đi vào cuộc sống và bám sát với thị trường và thu nhập của họ, đấy là thay đổi lớn nhất trong tư tưởng người lao động. Tựu trung lại, sự thay đổi về tư tưởng của toàn bộ cán bộ nhân viên VNPT là điều tôi thấy ấn tượng nhất trong năm 2014.

Năm 2014, ông có đề cập đến vấn đề VNPT sẽ đưa ra những tiêu chí đánh giá công việc của lãnh đạo và người lao động để làm động lực cho sự phát triển và sẽ không còn chuyện “làm giám đốc đến khi nghỉ hưu”. Vậy VNPT đã thực hiện điều này như thế nào, thưa ông?

Việc đưa ra các tiêu chí để đánh giá người lao động và lãnh đạo đang được VNPT từng bước thực hiện. Người lao động đã biết được chỉ tiêu của chính mình để hưởng lương và có động lực để làm việc. Các chỉ tiêu đánh giá này được ban hành cho cả các trưởng nhóm, phòng, ban, kể cả các giám đốc. Hiện nay, VNPT đang thực hiện cơ chế khen thưởng, phân phối thu nhập theo chỉ tiêu đánh giá này. Điều đó sẽ tạo ra động lực luôn phải hoàn thành nhiệm vụ cho người lao động và cả lãnh đạo. Tuy nhiên, đây mới chỉ là vấn đề phân phối thu nhập công bằng và tạo sự tự chủ cho đơn vị, loại bỏ cơ chế xin - cho. Sắp tới, VNPT sẽ ban hành Bộ tiêu chí không hoàn thành nhiệm vụ tuân thủ các nghị định của Chính phủ về quản lý cán bộ. Trong quý I/2015, Tập đoàn sẽ thông báo cho các đơn vị biết Bộ tiêu chí không hoàn thành nhiệm vụ, dựa vào đó để bổ nhiệm lại, luân chuyển, miễn nhiệm theo đúng nghị định của Chính phủ.

Như vậy, người lãnh đạo phải chịu áp lực luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, làm hết sức mình, điều này sẽ giúp cho người lao động cấp dưới cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đương nhiên, việc không hoàn thành nhiệm vụ sẽ được xem xét trên nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nếu lãnh đạo không hoàn thành nhiệm vụ vì nguyên nhân chủ quan trong 2 năm liền thì không thể ở vị trí đó.

VNPT có đưa ra khẩu hiệu để phát triển là “Chuyên biệt - Khác biệt - Hiệu quả”. Ông có thể cho biết điều đó đã được thực hiện thế nào?

Sau khi Thủ tướng phê duyệt Đề án Tái cơ cấu từ tháng 6 thì đến tháng 8/2014, VNPT đã chuyển 1,7 vạn lao động ở các viễn thông tỉnh sang chuyên kinh doanh trên tổng số 3,6 vạn lao động. Đến 1/11/2014, đơn vị cuối cùng hoàn thành việc chuyển đổi này là VNPT Hà Nội. Bên cạnh đó, tất cả các công ty cháu đều được loại bỏ để tinh giảm đầu mối, bỏ lớp trung gian theo đúng tinh thần Quyết định 888 của Thủ tướng Chính phủ. Chính điều này đã cải thiện tốc độ làm việc và lãnh đạo đơn vị luôn đặt câu hỏi giải pháp của mình có gì sáng tạo và khác biệt với đối thủ cạnh tranh; đồng thời họ sẽ tiến hành những giải pháp để tạo sự khác biệt đó nhằm mang lại doanh thu, lợi nhuận cho Tập đoàn. Kết quả năm 2014, lợi nhuận của Tập đoàn đã tăng 14% so với năm 2013.

Mới đây, Thủ tướng đã đồng ý cho VNPT thành lập 3 Tổng công ty, vậy khi nào VNPT sẽ hoàn thiện khâu chuyển đổi này và hoàn tất việc tái cơ cấu?

Theo sự chỉ đạo của Bộ TT&TT, chúng tôi sẽ xây dựng phương án mô hình tổ chức chi tiết để Bộ TT&TT thông qua, từ đó có phương án cán bộ cho từng mô hình tổ chức, từng vị trí của 3 Tổng công ty. Sau đó, sẽ ban hành điều lệ cho 3 Tổng công ty.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng rút kinh nghiệm cho việc chuyển đổi này sau quá trình sắp xếp lao động ở 63 tỉnh, thành phố để làm sao vừa thay đổi nhưng không gây ảnh hưởng tới khách hàng. VNPT tách phần kinh doanh tại các công ty dọc ra trước để tất cả khách hàng không bị ảnh hưởng gì trong quá trình tái cơ cấu.

Sau khi bộ phận kinh doanh đã hoạt động ổn định, VNPT sẽ có quyết định thành lập các Tổng công ty, như vậy không làm xáo trộn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Chúng tôi dự kiến hoàn thành xong hết việc nâng cấp lên Tổng công ty vào quý II/2015.

Trong Đề án Tái cơ cấu, VNPT phải thoái vốn sang cho một số công ty cổ phần, đến nay VNPT đã thực hiện như thế nào?

Hiện nay, chúng tôi cũng đang tích cực thoái vốn, thường những đơn vị thoái vốn dễ nhất là những đơn vị đã có trên thị trường chứng khoán vì nó có giá. Ví dụ như Sacom, chúng tôi thoái vốn 400 tỷ đồng, Công ty PTIC đã thoái vốn 30 tỷ đồng...

Tổng số tiền VNPT phải thoái vốn khoảng 2.000 tỷ đồng và hiện đã thoái vốn được 500 tỷ đồng. Đối với Ngân hàng Hàng Hải, chúng tôi đang trình Chính phủ cho thoái vốn khoảng 700 tỷ đồng. Như vậy, trong số lượng thoái vốn tổng cộng khoảng 2.000 tỷ đồng thì chúng tôi sẽ thoái vốn khoảng 1.200 tỷ đồng ở khối cổ phần trong quý I/2015. Việc thoái vốn khó nhất là những công ty chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Vì vậy, chúng tôi sẽ nhanh chóng định giá sớm để tạo điều kiện tìm nhà đầu tư thoái vốn cho các công ty này. Đây chủ yếu là các công ty xây lắp, thiết kế VNPT sẽ thoái vốn 100% và cố gắng hoàn thành trong năm 2015 dù có một số khó khăn về thủ tục, định giá và tìm người mua.

Trong năm 2014, VNPT đã ký rất nhiều hợp tác chiến lược với các tỉnh để cung cấp những giải pháp viễn thông - CNTT. Đây có phải là chiến lược mới của VNPT không?

Thực ra, chiến lược đi ký kết với các UBND tỉnh cũng xuất phát từ nhu cầu của cả 2 bên. Nhiều UBND tỉnh muốn triển khai ứng dụng CNTT nhưng cán bộ CNTT lại rất mỏng.

Trong khi đó, ngành Bưu điện nổi tiếng ở các tỉnh là tiên phong trong lĩnh vực viễn thông và CNTT lại có nguồn nhân lực dồi dào. Theo Nghị quyết 36 cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương phải đẩy mạnh ứng dụng CNTT và Chính phủ điện tử.

Vì vậy, việc ký kết hợp tác này cũng là thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thủ tướng. Từ trước đến nay VNPT đã quan hệ chặt chẽ với các địa phương. Việc ký kết hợp tác này để chuyên cung cấp hạ tầng CNTT cho các tỉnh. Đây cũng là chiến lược mà Tập đoàn nhắm đến, đó là chuyển hướng từ viễn thông sang CNTT, phù hợp với sự phát triển của xã hội.

So với các năm trước, rõ ràng là VNPT đang có những khí thế mới. Vậy VNPT đặt mục tiêu như thế nào trong năm 2015 và những năm tiếp theo?

Mục tiêu của Tập đoàn năm 2015 là lợi nhuận sẽ tăng trưởng trên 15% so với năm 2014, về mục tiêu lâu dài thì đương nhiên là trở lại vị trí số 1, không chỉ về thị phần mà còn ở hình ảnh, thương hiệu.

Ngoài ra, việc chuyển hướng không chỉ tập trung trong lĩnh vực dịch vụ viễn thông mà chuyển sang cả lĩnh vực CNTT, trở thành đơn vị chủ lực ở các địa bàn, cái đó mới là cái khó, là một cuộc cách mạng nữa đối với cả Tập đoàn. VNPT muốn trở thành một đơn vị mạnh trong các lĩnh vực Media, IT nhưng việc đó cần nhiều thời gian với mục tiêu để làm sao Việt Nam trở thành nước mạnh CNTT vào năm 2020.

Hàng năm chúng tôi phải đầu tư từ 500 – 1.000 tỷ đồng để đào tạo nguồn nhân lực, chuẩn bị con người, đương nhiên không thể nhanh như đầu tư mạng viễn thông, mua tổng đài hay trạm BTS được mà phải có thời gian để đào tạo. Đó là định hướng tiếp theo sau khi công cuộc tái cơ cấu năm 2015 hoàn thành. Tôi nghĩ, dịch vụ CNTT còn có thị trường để VNPT phát triển lâu dài, kể cả Việt Nam và trên thế giới.

Sau một thời gian củng cố, sắp xếp lại, giờ đây khát vọng của ông với vai trò “Thuyền trưởng” VNPT là gì?

Khát vọng của tôi rất đơn giản, đó là VNPT trở lại ngôi vị số 1 của Việt Nam, mặc dù là cần có thời gian. Ngôi vị số 1 ở đây được hiểu gồm nhiều lĩnh vực như viễn thông và CNTT chứ không đơn thuần là thuê bao di động. Vì vậy, chúng tôi sẽ phải có các giải pháp chính xác kịp thời, bởi khoa học công nghệ thay đổi rất nhanh, nếu không theo kịp thì sẽ bị tụt hậu.

Chúng tôi phải trở thành một tổ chức thường xuyên học hỏi từ người lao động đến vị trí lãnh đạo. Chúng tôi muốn phát huy hết tiềm năng nhân lực và tạo ra đội ngũ nhân tài của con người VNPT tại mọi cấp lãnh đạo từ cấp cơ sở đến cấp lãnh đạo Tập đoàn, có như vậy VNPT mới có thể hoàn thành sứ mệnh này.

Xin cảm ơn ông!

Theo Thái Khang

PV

ICTNews

Trở lên trên