Top 20 doanh nghiệp lãi lớn nhất quý 1 trên 2 sàn niêm yết
Trong đó có tới 18 doanh nghiệp hiện đang niêm yết trên sàn HoSE và ngành ngân hàng có 6 đại diện là BID, CTG, VCB, EIB, ACB, MBB.
Sau mùa công bố báo cáo tài chính quý 1/2015, các “ông lớn” trên sàn chứng khoán đã có kết quả kinh doanh rất khả quan. Tổng cộng 20 công ty niêm yết trên sàn công bố báo cáo đều có lãi hàng trăm tỷ đồng, thậm chí lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Góp mặt đông đảo trong danh sách này là các doanh nghiệp hiện đang niêm yết trên sàn chứng khoán Tp.HCM (18 DN), sàn chứng khoán Hà Nội chỉ có 2 đại diện là PVS và ACB.
Điểm đáng chú ý nữa trong danh sách này là sự góp mặt của các “đại gia” ngành ngân hàng, bao gồm Á Châu (ACB), Công Thương (CTG), Eximbank (EIB), Vietcombank (VCB), Quân đội (MBB), Đầu tư và PT (BID), Sài Gòn Thương tín (STB). Bên cạnh đó là các doanh nghiệp quy mô vốn lớn như Đạm Phú Mỹ (DPM), FPT, Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS), PVD, Vingroup (VIC) và Vinamilk (VNM).
Về doanh thu, 3 tháng đầu năm, Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) thu về 15.875,86 tỷ đồng doanh thu, cao nhất danh sách. Trong đó, doanh thu thuần trong quý 1/2015 của GAS đạt 15.532 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước (doanh thu bán khí hơn 15.205 tỷ, thuê văn phòng 5,5 tỷ và xây lắp hơn 321 tỷ đồng).
Tập đoàn FPT ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng trong Quý 1 với tổng doanh thu hợp nhất đạt 14.840,50 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2014. Kết quả trên chủ yếu nhờ Khối Công nghệ và Khối phân phối – Bán lẻ. Khối Công nghệ ghi nhận doanh thu 1.468 tỷ đồng trong quý 1, tăng 37%, Khối Phân phối và Bán lẻ có doanh thu tăng 35% đạt 6.720 tỷ đồng. Toàn cầu hóa – một trong những định hướng quan trọng để đẩy mạnh tăng trưởng của tập đoàn trong tương lai – tiếp tục thu được kết quả khả quan với doanh thu quý 1 tăng 45% so với cùng kỳ, đạt 954 tỷ đồng (xấp xỉ 45 triệu USD).
Về lợi nhuận sau thuế, mặc dù mức lãi ròng quý 1/2015 giảm 18% cùng kỳ GAS vẫn tiếp tục đứng đầu danh sách với mức cao nhất. Lợi nhuận sau thuế trong quý 1/2015 của GAS đạt 2.660 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 23% kế hoạch năm (11.526 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ cũng giảm 18% xuống 2.583,28 tỷ đồng.
Sữa Việt Nam – Vinamilk (VNM) mặc dù đứng trước sự cạnh tranh rất lớn từ các đối thủ khác và trong kỳ công ty đã phải tăng chi phí cho quảng cáo, marketing để giữ vững thị phần, tuy nhiên VNM vẫn đạt 1.560 tỷ lợi nhuận sau thuế trong quý 1/2014 – tăng 12% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ là 1.557 tỷ đồng. EPS đạt 1.402 đồng. Tại thời điểm cuối quý 1/2015, VNM có tổng tài sản là 27.003 tỷ đồng với số dư tiền và tương đương tiền là 1.227,5 tỷ đồng, khoản tiền gửi có kỳ hạn là 7.936 tỷ.
Trong 6 ngân hàng báo lãi cao quý 1, đáng chú ý là 3 cái tên CTG, BID và VCB, mới đây tạp chí Forbes đã công bố danh sách Global 2000, gồm các công ty đại chúng lớn và quyền lực nhất thế giới trong đó Việt Nam có 3 đại diện bao gồm Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank -CTG), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - BID) và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB).
Theo đó, kết thúc quý 1, tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng rủi ro của VietinBank là 3.074 tỷ đồng, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên dự phòng rủi ro tăng gần gấp rưỡi lên 1.510 tỷ đồng, nên sau thuế VietinBank lãi 1.245,09 tỷ đồng tăng 9,5% so với cùng kỳ
Đối với Vietcombank, trong kinh doanh, các chỉ tiêu đều có sự tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm trước, ngoại trừ mảng chứng khoán đầu tư giảm lãi hơn 75% từ 180 tỷ đồng xuống còn 44 tỷ. Sau khi trích lập dự phòng 1.517 tỷ đồng (tăng 26,6% so với cùng kỳ), Vietcombank còn lợi nhuận trước thuế 1.456 tỷ, giảm gần 3% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.135 tỷ đồng. Đáng chú ý, tổng tài sản của Vietcombank đã “bốc hơi” 37.232 tỷ đồng trong quý đầu năm, tương đương giảm 6,45% xuống dưới 540 nghìn tỷ.
BIDV báo lãi trước thuế 1.875,4 tỉ đồng trong ba tháng đầu năm nay, tăng 22% so với cùng kỳ. Ngân hàng này cũng đã công bố việc thoái vốn khỏi ngân hàng VID Public Bank sẽ hoàn tất trong quí 2 và ghi nhận 1.000 tỉ đồng thặng dư. Theo đó, dự kiến lợi nhuận trước quí 2/2015 của BIDV sẽ tăng gấp đôi, ở mức khoảng 3.800 tỉ đồng.
Có thể thấy top 20 doanh nghiệp lãi cao nhất quý 1 trên hai sàn niêm yết đều có KQKD tăng trưởng so với cùng kỳ. Kết quả này được ghi nhận từ những ảnh hưởng tích cực của kinh tế vĩ mô, và những chuyển động khá tích cực từ phía các doanh nghiệp như triển khai hiệu quả chính sách tiết kiệm chi phí quản lý, tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh chính, không đầu tư dàn trải…
Dù đây mới chỉ là quý kinh doanh đầu tiên của năm 2015 nhưng kết quả trên vẫn được xem như cơ sở để tăng niềm tin từ nhà đầu tư đối với các doanh nghiệp và có thể coi là một khởi đầu thuận lợi để các doanh nghiệp trên hoàn thành mục tiêu lãi hàng nghìn tỷ của mình. Thị trường lại sắp vào mùa báo cáo tài chính quý 2.
HNX&HSX