MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tp.HCM: Nhiều công ty vi phạm pháp luật, ép công nhân nghỉ việc

12-10-2014 - 10:28 AM | Doanh nghiệp

Cồng ty TNHH SJ Globol mới hoạt động từ đầu tháng 8.2014, sử dụng 103 lao động nhưng không ký hợp đồng lao động, không tham gia các loại bảo hiểm bắt buộc cho CN

Ép người quá đáng!

Mới đây, muốn cho công nhân (CN) nghỉ việc nhưng chưa tìm được lý do, Cty TNHH Altamode Việt Nam (quận 9, TPHCM) đã tìm đủ mọi cách chèn ép để 50 CN chán nản, tự động xin nghỉ việc.

Lấy lý do làm ăn thua lỗ, dư lao động ở bộ phận kiểm hàng nên Ban giám đốc Cty đã điều chuyển các nhân viên ở bộ phận này sang bộ phận may. Điều đáng nói hơn, không chỉ những nhân viên bộ phận kiểm hàng mà một số nhân viên tạp vụ lớn tuổi, mắt mũi kèm nhèm, người khuyết tật chân cũng bị Cty điều chuyển sang bộ phận may.

Các CN trình bày, trong lúc ở khâu may không hề thiếu người, thậm chí một số CN còn phải nghỉ tạm thời do ít việc thì việc điều chuyển 50 CN của Cty là không hợp lý. Do không đồng ý với quyết định áp đặt của Cty, 6 CN phản đối thì bị Cty yêu cầu ra ngồi tại phòng bảo vệ. Mọi hành động, cử chỉ của các CN này đều bị bảo vệ giám sát chặt chẽ, đến việc đi vệ sinh cũng có bảo vệ đi kèm.

CN tên Thương cho biết, nhiều CN sau khi chấp nhận điều chuyển nhưng không theo được công việc đã tự động xin nghỉ việc. “Các chị tạp vụ đã 40-50 tuổi, mắt mũi kèm nhèm không thấy đường xỏ kim cũng bị chuyển sang làm thợ may. CN bị teo cơ chân vốn không thể vận hành máy may cũng bị ép đi may. Tất cả các chị em đó đồng ý điều chuyển nhưng không trụ nổi, đành phải xin nghỉ việc”, Thương nói.

Với những CN không đồng ý điều chuyển, Cty “khuyên” làm đơn xin thôi việc để được bồi thường 1 tháng lương. Không chịu nổi sức ép của Cty, hầu hết số CN bị điều chuyển, bao gồm cả lao động nữ có thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, đều buộc phải nộp đơn xin thôi việc. Riêng 6 CN bị cho ra “trực cùng bảo vệ”, Cty đã đề nghị bồi thường 2 tháng tiền lương, các CN này cũng đã đồng ý nghỉ việc.

Quản lý công nhân bằng “tay, chân”

Cuối tháng 9 vừa qua, 14 CN Cty TNHH SJ Globol (quận 12, TPHCM) đã tự động xin nghỉ việc vì không thể chịu đựng hành vi ngang ngược, coi thường CN Việt Nam của ông Kim Young Wan - quản lý người Hàn Quốc.

Ngay khi nghe tin này, ông Kim đã lớn tiếng chửi bới, xua đuổi, tuyên bố đến cuối tháng 12.2014 mới trả hồ sơ và lương tháng 9 cho CN. Cho rằng cách giải quyết của ông Kim là không hợp lý, các CN đã phản đối. Thay vì giải thích rõ với CN, ông Kim tức giận lao vào đòi đánh họ. Nhờ lực lượng bảo vệ can ngăn kịp thời nên xô xát không xảy ra.

Các CN trình bày, đây không phải lần đầu ông Kim có hành vi bạo lực với CN. Chính cách hành xử “hở chút là đánh, chửi” này của ông Kim đã khiến CN bất mãn, không muốn gắn bó lâu dài với Cty. Các CN kể, vài ngày trước, chỉ vì đeo tai nghe khi làm việc, một nam CN may bị ông này túm cổ áo lôi khỏi xưởng, đánh và đuổi việc. Tiếp đó, sáng 30.9, ông Kim lại lao vào đòi đánh 2 CN nam nhưng được bảo vệ ngăn cản kịp thời.

Không chỉ nam CN bị đối xử thô bạo, với CN nữ, ông quản lý này cũng không nương tay. Trưa 30.9, ông Kim vừa la lối vừa túm cổ áo chị Huệ kéo ra khỏi xưởng và tuyên bố đuổi việc vì cho rằng nữ CN này đi vệ sinh quá giờ quy định. Chị Huệ ấm ức kể: “Cty cho phép đi vệ sinh 4 lần/ ngày, mỗi lần không quá 10 phút. Do nhà vệ sinh ở xa, tôi lại bị tật ở chân nên đi lâu hơn người khác. Tôi chỉ đi lâu hơn người khác chứ không phải đi quá 10 phút thế nhưng ông Kim vẫn đối xử thô bạo, túm cổ áo, đòi đuổi việc tôi”.

Khi sự việc xảy ra, tại buổi làm việc với cơ quan chức năng quận 12, bà Lê Thị Hiền - Giám đốc Cty TNHH SJ Globol - đã cam kết sẽ khắc phục sai phạm và nhắc nhở ông Kim Young Wan cẩn trọng hơn trong lời nói, hành động. Bà Hiền cũng hứa, tiền lương tháng 9 của CN, Cty sẽ thanh toán.

Cty TNHH SJ Globol mới hoạt động từ đầu tháng 8.2014, sử dụng 103 lao động nhưng không ký hợp đồng lao động, không tham gia các loại bảo hiểm bắt buộc cho CN; nước uống không đủ, chất lượng bữa ăn quá kém. Bên cạnh đó, Cty quy định thời gian làm việc buổi sáng bắt đầu từ 7h30, chiều từ 12h30 nhưng CN phải có mặt trước 7h20 và 12h20 phút. Ai đi trễ dù chỉ vài phút cũng bị đuổi việc hoặc bị trừ tiền vô tội vạ.


Theo Lam Sơn

thunm

Báo Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên