MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TP.HCM: Nhiều doanh nghiệp FDI có biểu hiện gian lận thuế chuyển nhượng vốn

08-12-2013 - 15:28 PM | Doanh nghiệp

UBND TP.HCM vừa có công văn số 6450/UBND-TM ngày 5-12 gửi Bộ Tài Chính về việc kiến nghị cơ chế, chính sách để quản lý thu thuế hoạt động chuyển nhượng vốn, nhượng quyền thương mại.

Theo UBND TP.HCM, trong những năm gần đây, trên địa bàn TP.HCM việc chuyển nhượng vốn góp của các tổ chức và cá nhân trong các DN diễn ra thường xuyên. Tuy nhiên công tác quản lý việc nộp thuế mới chỉ dừng lại ở việc ghi nhận theo kê khai, chủ yếu được thực hiện là do DN tự khai hoặc đối tượng cần cơ quan thuế xác nhận để hoàn thành các thủ tục pháp lý, số thuế thu được từ hoạt động này chủ yếu tập trung ở các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Kết quả kiểm tra tình hình thực tế trên địa bàn TP.HCM cho thấy việc chuyển nhượng vốn được các bên thỏa thuận bằng “Hợp đồng”, sau đó làm các thủ tục liên quan để thay đổi tên các thành viên trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Việc mua bán thể hiện qua nhiều hình thức mà cơ quan thuế chưa thể kiểm tra, kiểm soát một cách chặt chẽ.

Cụ thể như hợp đồng khai với cơ quan thuế thì giá bán bằng giá vốn nên không phát sinh thu nhập nên không phải nộp thuế, như việc chuyển nhượng của Công ty Intel Asia Holdin Limited cho công ty trong cùng tập đoàn với giá bán bằng giá vốn (100 triệu USD) nên không phát sinh thu nhập.

Hợp đồng giá trị cao nhưng thu nhập phát sinh thấp, như Công ty CP hàng tiêu dùng Masan chuyển nhượng vốn cho quỹ đầu tư Vietnam Growth Capital Pte.Ltd (Singapore) với giá chuyển nhượng theo hợp đồng là 1.061.861 triệu đồng, so với giá vốn là 1.061.615 triệu đồng, thu nhập phát sinh chỉ có 246 triệu đồng, thuế thu nhập DN phải nộp là 61 triệu đồng .

Hợp đồng chuyển nhượng vốn có phát sinh chênh lệch lớn giữa giá chuyển nhượng và giá vốn (có phát sinh thu nhập) nhưng lại không kê khai với cơ quan thuế như trường hợp Công ty CP Thương mại Dịch vụ Phở 24. Theo thông tin đăng tải trên một số báo, thương hiệu “Phở 24” đã chuyển nhượng cho Công ty Việt Thái Quốc Tế do ông Davaid Thái làm chủ, giá chuyển nhượng là 20 triệu USD (giá vốn chỉ 1 tỷ đồng).

Sau đó Công ty Việt Thái Quốc Tế đã bán 50% cổ phần từ Phở 24 cho Jollibee - Công ty kinh doanh thức ăn nhanh nổi tiếng của Philippines với giá trị giao dịch là 25 triệu USD. Nhưng cơ quan Thuế kiểm tra thì phát hiện Công ty mới chỉ đăng ký thay đổi tên người đại diện pháp luật cho ông DavaidThái, còn tên các thành viên và tỉ lệ góp vốn không thay đổi, các bên chuyển nhượng không cung cấp Hợp đồng như thông tin các báo nêu, nên cơ quan thuế chưa có cơ sở để xử lý. Hiện Cục Thuế TP.HCM đang yêu cầu Phở 24 giải trình theo thông tin các báo đã nêu.

Với hình thức chuyển nhượng vốn phong phú như đã nêu trên, nhưng chưa có cơ chế phối hợp giữa cơ quan Thuế và cơ quan cấp phép, không có quy định cơ quan cấp phép chỉ làm thủ tục thay đổi thành viên góp vốn khi tổ chức, cá nhân đã hoàn thành nghĩa vụ thuế nên dẫn đến thất thu cho ngân sách Nhà nước.

Trước tình hình này, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Tài chính một số nội dung liên quan đến chính sách thuế. Cụ thể như quy định DN có hoạt động chuyển nhượng vốn cho tổ chức, cá nhân khác thì bắt buộc phải lập hoá đơn giá trị gia tăng để kê khai nộp thuế giá trị gia tăng (thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng) và nộp thuế thu nhập DN theo quy định, DN nhận chuyển nhượng vốn của các DN khác nếu không có hoá đơn hợp pháp thì không được tính vào chi phí (giá vốn nhận chuyển nhượng) được trừ khi tính thuế thu nhập DN.

Quy định DN có hoạt động chuyển nhượng vốn cho tổ chức, cá nhân khác thì phần giá trị vốn chuyển nhượng theo hợp đồng phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Trường hợp việc chuyển nhượng vốn không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì cơ quan Thuế có quyền ấn định giá chuyển nhượng và giá vốn chuyển nhượng (nếu trước đây nhận chuyển nhượng thanh toán không dùng tiền mặt). Việc ấn định giá chuyển nhượng và gia vốn chuyển nhượng được thực hiện theo quy định của pháp luật quản lý thuế.

DN nơi có phần vốn chuyển nhượng chỉ làm thủ tục thay đổi danh sách thành viên góp vốn thì phải có hoá đơn chuyển nhượng vốn đối với DN chuyển nhượng vốn, phải có tờ khai kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân và chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân (nếu có) đối với cá nhân chuyển nhượng vốn.

Trường hợp chuyển nhượng vốn mà không có hóa đơn (đối với tổ chức), chứng từ chứng minh cá nhân chuyển nhượng vốn đã hoàn thành nghĩa vụ thuế (đối với cá nhân) theo quy định nêu trên thì DN nơi cá nhân chuyển nhượng vốn có trách nhiệm khai thuế, nộp thuế thay cho tổ chức, cá nhân chuyển nhượng vốn.

Theo Duy Quang


thunm

Báo Hải quan

Trở lên trên