MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trái chủ của Transimex Sài Gòn "kiếm" chục triệu USD chỉ trong 1 năm?

28-12-2015 - 07:11 AM | Doanh nghiệp

“Đêm dài lắm mộng” – bỏ qua phần trái phiếu 50 tỷ đồng chưa chuyển đổi, với 50 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi, trái chủ của TMS đã lãi hơn 200 tỷ đồng chỉ sau 1 năm.

Năm 2014, ĐHCĐ thường niên của CTCP Transimex Sài Gòn (TMS) đã thông qua nghị quyết về việc phát hành 100 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông hiện hữu. Đến cuối tháng 11 đầu tháng 12, trái phiếu chính thức được phát hành.

Trái phiếu có kỳ hạn 2 năm, lãi suất 7%/năm. Theo nghị quyết HĐQT ngày 3/11/2014, giá chuyển đổi ban đầu được tính toán là 17.500 đồng/cổ phiếu – căn cứ vào mức giá tham chiếu 90 phiên gần nhất tính đến 8/8/2014.

Trên thực tế, trái phiếu của Transimex Sài Gòn không quá hấp dẫn thời điểm phát hành. Với 100 tỷ đồng trái phiếu phát hành, cổ đông hiện hữu – đối tượng phát hành chỉ đăng ký mua 66,12 tỷ đồng trái phiếu. 33,88 tỷ đồng trái phiếu còn lại, công ty tiếp tục phân phối cho các cá nhân, tổ chức khác nhau. Cuối cùng, đợt phát hành của TMS cũng đã hoàn tất.

Ít ai ngờ rằng, sau 1 năm, trái chủ của TMS có thể “vớ bẫm” đến như vậy.

Cổ phiếu TMS liên tục leo dốc trong hơn 1 năm vừa qua. Tính đến thời điểm đóng cửa phiên giao dịch 25/12/2015, TMS đạt mức giá 95.500 đồng/cổ phiếu. So sánh với mức giá đóng cửa phiên giao dịch 8/8/2014, TMS đã tăng 166% - một mức tăng ít nhà đầu tư nào có thể dự đoán.

Biến động giá cổ phiếu TMS 1 năm gần nhất

Biến động giá cổ phiếu TMS 1 năm gần nhất

Kết quả kinh doanh của TMS năm vừa qua tương đối lạc quan. 9 tháng đầu năm 2015, TMS lãi ròng 125 tỷ đồng, tăng gần 36% so với cùng kỳ 2014, xấp xỉ kết quả đạt được cả năm 2014. Kết quả này phần nào lý giải cho mức tăng trưởng vũ bão của cổ phiếu TMS từ tháng 10 năm nay.

Với lãi suất 7%/năm, sau 1 năm, trái chủ của TMS đương nhiên được hưởng khoản lãi suất 7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, món lợi lớn nhất của các trái chủ đến từ quyền chuyển đổi sang cổ phiếu với giá.

Sau 1 năm, tức đến cuối năm 2015, trái chủ được quyền chuyển đổi 50% giá trị trái phiếu sang cổ phiếu. Giá chuyển đổi theo tính toán sau điều chỉnh là 17.332 đồng/cổ phiếu. Có nghĩa là TMS sẽ phát hành tối đa 2,88 triệu cổ phiếu để chuyển đổi 50 tỷ đồng trái phiếu. Các tính toán dưới đây của chúng tôi dựa trên giả định các trái chủ của TMS sẽ chuyển đổi tối đa giá trị trái phiếu được quyền chuyển đổi.

Căn cứ mức giá đóng cửa 95.500 đồng phiên giao dịch 25/12/2015, sau khi điều chỉnh do pha loãng bởi 2,88 triệu cổ phiếu mới phát hành, giá tạm tính cho mỗi cổ phiếu TMS là 85.165 đồng. Như vậy, giá trị 2,88 triệu cổ phiếu mới ở vào khoảng 246 tỷ đồng.

Cộng với 7 tỷ đồng lãi suất như đã nói ở trên, với 100 tỷ đồng đầu tư ban đầu, sau 1 năm, trái chủ của TMS thu về 253 tỷ đồng, và vẫn giữ nguyên 50 tỷ đồng trái phiếu chờ chuyển đổi (và tiếp tục thu về lãi suất) vào cuối năm sau.

“Đêm dài lắm mộng” – bỏ qua phần trái phiếu 50 tỷ đồng chưa chuyển đổi, với 50 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi, trái chủ của TMS đã "lãi" hơn 200 tỷ đồng chỉ sau 1 năm. Thực tế thì đây là tài sản của nhà đầu tư tăng thêm 200 tỷ, còn liệu trái chủ có chuyển đổi hay không, nếu chuyển đổi thì có ý định chốt lãi hay không và nếu muốn chốt lãi thì có chốt được không trong bối cảnh thanh khoản cổ phiếu TMS rất thấp hiện tại là một câu chuyện khác.

Đây là một khoản đầu tư có lợi tức đáng kể. Có thể nói nôm na, không phải làm bất kỳ việc gì, với 50 tỷ đồng, sau 1 năm, trái chủ của TMS thu được hàng chục triệu USD. 

So với khoản thu hàng chục triệu USD của đế chế tài chính Goldman Sachs trong đợt phát hành 40 triệu USD trái phiếu chuyển đổi với CII năm 2011, khoản lợi tức của trái chủ TMS tuy thấp hơn về giá trị (200 tỷ đồng so với 300 tỷ đồng), nhưng so với giá trị đầu tư ban đầu cũng như thời gian hiện thực hóa lợi nhuận, các trái chủ nhỏ lẻ của TMS rõ ràng đã chiến thắng Goldman Sachs về hiệu quả đầu tư.

Đan Nguyên

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên