MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trái phiếu Doanh nghiệp: 3 xu hướng sẽ phát triển ở Việt Nam

17-11-2014 - 15:53 PM | Doanh nghiệp

TPDN là một sản phẩm đầu tư đã phát triển rất mạnh tại các thị trường tài chính tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Châu Âu, Singapore, Hồng Kông..., và chất lượng giao dịch cũng như quy mô lớn gấp nhiều lần so với thị trường chứng khoán.

 “Giống như các thị trường lớn trên thế giới, tại Việt Nam, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) sẽ được niêm yết nhiều hơn để tăng thanh khoản. Sẽ có nhiều TPDN được phát hành mà không cần tài sản đảm bảo…” - ông Nguyễn Xuân Minh - Chủ tịch Công ty Chứng khoán Kỹ thương - TCBS, công ty con của ngân hàng Techcombank, nhận định.

- Là một trong những công ty có thế mạnh về tư vấn phát hành và phân phối TPDN, ông có nhận định như thế nào về tiềm năng của thị trường này?

TPDN là một sản phẩm đầu tư đã phát triển rất mạnh tại các thị trường tài chính tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Châu Âu, Singapore, Hồng Kông..., và chất lượng giao dịch cũng như quy mô lớn gấp nhiều lần so với thị trường chứng khoán.

Tại Việt Nam, thị trường TPDN mới bắt đầu phát triển mạnh vài năm trở lại đây. Trước đây thì thị trường này chủ yếu dành cho trái phiếu chính phủ và các doanh nghiệp nhà nước. Nhưng càng ngày càng có nhiều doanh nghiệp tư nhân bắt đầu có nhu cầu sử dụng công cụ huy động vốn này.

Việt Nam là nước đang phát triển, nhu cầu vốn trung và dài hạn để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh và xây dựng cơ sở hạ tầng là rất lớn. Ngoài việc đi vay tín dụng, phát hành trái phiếu sẽ là kênh huy động vốn quan trọng và cần thiết cho doanh nghiệp.

Hiện nay, nếu xét đến tỷ trọng dư nợ TPDN trên GDP tại Việt Nam, thì con số vẫn là rất thấp so với các nước trong khu vực, chỉ ở mức 2.67% và con số đó cũng thấp hơn nhiều so với mục tiêu được chính phủ phê duyệt tại lộ trình phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 ở mức 7% GDP. Vì vậy có thể nói cơ hội để phát triển thị trường vốn này tại Việt Nam  là rất tốt.

- Theo ông, thị trường TPDN ở Việt Nam sẽ có xu hướng phát triển như thế nào?

Trái phiếu là một kênh đầu tư. Vì vậy, để bắt kịp các thị trường đã  phát triển khác trên thế giới, kênh đầu tư này sẽ đi theo ba xu hướng quan trọng: một là nâng cao tính thanh khoản thông qua việc niêm yết hoặc đẩy mạnh một thị trường OTC sôi động, hai là trái phiếu sẽ được phát hành dựa trên việc đánh giá tín nhiệm của một doanh nghiệp nhiều hơn là dựa vào tài sản đảm bảo, ba là TPDN cần được cấu trúc thông qua các sản phẩm cấu trúc hoặc quỹ đầu tư trái phiếu để nhà đầu tư cá nhân có thể tham gia.

Hiện nay thị trường TPDN mới chia giai đoạn phát hành riêng lẻ. Các nhà đầu tư như tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư chủ yếu mua vào và giữ đến ngày đáo hạn. Có ít giao dịch được thực hiện trên thị trường. Khi nhiều TPDN được niêm yết hoặc nếu có một thị trường OTC hoạt động mạnh thì vấn đề rủi ro thanh khoản sẽ được khắc phục và kênh đầu tư này sẽ hấp dẫn hơn nhiều cho các nhà đầu tư.

Xu hướng thứ hai, vì là một khoản đầu tư giống như cổ phiếu công ty trên thị trường, nên nhà đầu tư đại chúng sẽ chấp nhận đầu tư vào TPDN phát hành mà không cần tài sản đảm bảo đồng thời sẽ chủ yếu dựa trên đánh giá sức khỏe tài chính và uy tín của doanh nghiệp để quyết định mua hoặc bán trái phiếu của doanh nghiệp đó.

Thứ ba, hiện nay TPDN chủ yếu dành cho những tổ chức định chế tài chính, ngân hàng, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư vì họ có khả năng mua được trái phiếu với số lượng lớn. Tôi cho rằng, trong tương lai gần, TPDN sẽ được cấu trúc lại hoặc thông qua các quỹ đầu tư trái phiếu để các nhà đầu tư cá nhân cũng có thể tham gia. Như vậy, sẽ tạo thêm được một kênh đầu tư mới cho thị trường và cho các nhà đầu tư cá nhân cũng như một kênh huy động vốn với tiềm năng lớn cho các doanh nghiệp tại Việt Nam.

- Định vị được xu hướng, TCBS có tạo sự cạnh tranh bằng việc đi theo xu hướng này không, thưa ông?

Mỗi khi tư vấn phát hành cho các việc doanh nghiệp tại Việt Nam, chúng tôi đều khuyến nghị thực hiện theo hướng để một phần TPDN này được phát hành mà không có tài sản đảm bảo và niêm yết phần trái phiếu đó trên thị trường chứng khoán.

Ngoài việc tạo thêm thanh khoản và kênh huy động mới cho trái phiếu, việc niêm yết cũng giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng quản trị  và tạo thêm thương hiệu  trên thị trường.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Linh Anh


thunm

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên