Từ GEM đến FTSE..., FLC hấp dẫn dòng vốn ngoại?
Theo công bố ngày 5/9/2014, cổ phiếu FLC của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC đã lọt vào danh sách đầu tư của quỹ đầu tư chỉ số (ETF) FTSE Vietnam Index trong lần rà soát này.
Cùng với việc nhiều nhà đầu tư ngoại quan tâm đến FLC, việc lọt vào danh mục đầu tư của quỹ ETF quốc tế đã đánh dấu sự ghi nhận của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài về quy mô hoạt động của Tập đoàn và mức độ quan tâm của công chúng đối với cổ phiếu FLC.
“Chứng nhận” mới về quy mô hoạt động
Trong lần rà soát danh mục định kỳ lần thứ 3 năm 2014 được công bố kết quả vào ngày 5/9/2014 của FTSE, FLC cùng cổ phiếu KDC của Công ty Cổ phần Kinh Đô trở thành 2 mã chứng khoán được bổ sung vào rổ danh mục đầu tư của FTSE. Như vậy, cổ phiếu FLC gia nhập danh mục đầu tư của FTSC cùng với VIC của Vingroup, HPG của Hòa Phát, MSN của Masan, PVD của PV Drilling, HAG cua Hoàng Anh Gia Lai, STB của Sacombank, VCB của Vietcombank, DPM của Đạm Phú Mỹ…
Để được FTSE lựa chọn phải đáp ứng tối thiểu 3 điều kiện về vốn hóa, thanh khoản và tỷ lệ sở hữu còn lại của nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, cổ phiếu muốn được lựa chọn phải nằm trong nhóm chiếm 88% tổng giá trị vốn hóa thị trường, phải có thanh khoản bình quân 3 tháng không thấp hơn 20% giá trị giao dịch bình quân 3 tháng của Quỹ và có tỷ lệ sở hữu còn lại cho nhà đầu tư nước ngoài không thấp hơn 2%. Ngoài ra còn một số số tiêu chí khác. Chính vì thế, việc FLC lọt vào rổ cổ phiếu FTSE đầu tư đã ghi nhận quy mô, tầm vóc của FLC đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư quốc tế.
Việc lọt vào danh mục đầu tư của quỹ ETF, thị trường đang kỳ vọng tạo thêm sự hưng phấn trong giao dịch cổ phiếu FLC. Kỳ vọng này xuất phát từ một thực tế: các ETF thường có đặc trưng giao dịch ồ ạt sau khi rà soát danh mục để đạt trạng thái sở hữu cần có, vì thế, dễ tạo cơ hội kiếm tiền cho nhà đầu tư đại chúng khi các quỹ này bổ sung mã mới cho danh mục đầu tư.
“Ngôi sao đang lên” thu hút nhà đầu tư ngoại
Lọt vào danh mục đầu tư của FTSE cho thấy quy mô phát triển của FLC đã đạt đến mức rất lớn so với mặt bằng chung các doanh nghiệp niêm yết. Thực tế, FLC vừa hoàn tất tăng vốn điều lệ lên gần 3.150 tỷ đồng, một mức vốn không nhiều doanh nghiệp không có vốn Nhà nước đạt được. Không chỉ có sự phát triển về “lượng”, đây là kết quả tất yếu của một quá trình thay đổi mạnh mẽ về “chất” trong hoạt động của FLC.
Thời gian qua, FLC liên tục mở rộng danh mục dự án lớn, được đánh giá khả thi cao, từ các dự án bất động sản đô thị - nhà ở tại Hà Nội như FLC Garden City, FLC Complex 36 Phạm Hùng đến các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, sân golf tại Thanh Hóa, tới đây có thể tại Phú Quốc, Khánh Hòa và một số dự án khu công nghiệp Vĩnh Phúc, Quảng Bình… Những dự án này đòi hỏi FLC phải tăng vốn để đáp ứng nhu cầu chủ động vốn đầu tư.
Việc hoàn tất quá trình tăng vốn lên 3.150 tỷ đồng, FLC đã hoàn tất khâu chuẩn bị, cả về dự án, tài chính để sẵn sàng bứt phá mạnh mẽ trong giai đoạn tới.
Khả năng phát triển vượt trội trong tương lai có lẽ là lý do khiến FLC nhận được sự quan tâm lớn của công chúng đầu tư. Biểu hiện cụ thể nhất là thanh khoản cổ phiếu FLC thường xuyên dẫn đầu thị trường. Với khối lượng giao dịch FLC lên tới hàng chục triệu cổ phiếu/phiên, trong đó có phiên, khối ngoại mua ròng gần 2,5 triệu cổ phiếu cho thấy, sức hấp dẫn không nhỏ của FLC với công chúng đầu tư.
Sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước đến FLC, như lý giải của ông Warren Baker, Giám đốc GEM Global Yield Fund, một quỹ trực thuộc hệ thống quỹ đầu tư của GEM là bởi tiềm năng tăng trưởng của chính FLC. “Chúng tôi lựa chọn FLC để đầu tư vì nhìn thấy tiềm năng của Tập đoàn. Với đội ngũ quản trị chất lượng cao và danh mục dự án mà FLC đã, đang và sẽ triển khai, chúng tôi tin tưởng FLC tiếp tục phát triển nhanh và bền vững. Đây là tiêu chí quan trọng để Quỹ rót vốn”, ông Baker nói và cho biết, thanh khoản cổ phiếu FLC cao là một trong các yếu tố giúp Quỹ tự tin giải ngân vào mã này.