Từ vụ bắt giam Phó TGĐ Cty Cơ khí Quang Trung: Cảnh báo hiện tượng đầu tư “sân sau”
Hành vi phạm tội của ông Xuyên là tiếng chuông cảnh báo hiện tượng một số lãnh đạo DNNN lợi dụng danh nghĩa và các chính sách ưu đãi đối với DNNN để vay vốn ngân hàng.
Phó TGĐ đã chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng như thế nào?
Ngày 5/4/2005, Công ty Cơ khí Quang Trung có quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Duy Xuyên giữ chức vụ Phó TGĐ công ty kiêm Giám đốc Xí nghiệp Dịch vụ kinh doanh XNK tổng hợp, trụ sở giao dịch số 360 đường Giải Phóng, Hà Nội.
Năm 2010 và 2011, lợi dụng việc ông N.T.P., Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cơ khí Quang Trung ký ủy quyền cho ông Nguyễn Duy Xuyên, Phó TGĐ kiêm Giám đốc xí nghiệp để ký hợp đồng vay vốn kinh doanh thép tại Chi nhánh Ngân hàng TMCP công thương Việt Nam (Vietinbank) Đông Hà Nội, điều kiện để cho vay là bằng tín chấp của Công ty Cơ khí Quang Trung và Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Nam Hà Nội, điều kiện cho vay là thế chấp bằng chính hàng hóa đang kinh doanh. Tổng số tiền 2 ngân hàng cho vay khoảng 50 tỉ đồng.
Tuy nhiên, sau khi được giải ngân, ông Xuyên đã không sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, không dùng để phục vụ việc kinh doanh của xí nghiệp mà lấy trên 28 tỉ đồng đầu tư về công ty gia đình là Nhà máy thép Đông Á ở xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng, Bắc Giang do Công ty CP thép Hà Nội (vợ ông Xuyên làm giám đốc); đồng thời để ngoài sổ sách để chiếm đoạt trên 32 tỉ đồng.
Để hợp thức hóa việc vay tiền của 2 ngân hàng nêu trên, ông Xuyên đã chỉ đạo người quen là Nguyễn Văn Vương, ở phố Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên thành lập Công ty TNHH Sản xuất - xuất nhập khẩu thép Đông Á do chính Vương làm giám đốc, lấy tư cách pháp nhân chỉ nhằm mục đích lập chứng từ mua, bán tính doanh số cho Xí nghiệp Dịch vụ kinh doanh XNK tổng hợp. Năm 2010, ông Xuyên chỉ đạo Công ty Đông Á lập chứng từ mua, bán phôi thép với Công ty CP thép Hà Nội để bán lại cho Xí nghiệp Dịch vụ kinh doanh XNK tổng hợp.
Toàn bộ chứng từ mua bán phôi thép của Công ty thép Đông Á là hợp đồng kinh tế, biên bản giao nhận hàng hóa, phiếu nhập kho, hóa đơn GTGT đều do Vương lập và ký tên giả ông Nguyễn Văn Công (em ruột ông Vương) với chức danh Phó giám đốc. Thực tế, ông Công chỉ là... thợ sơn kiêm xe ôm chứ không phải phó giám đốc Công ty thép Đông Á.
Cơ quan CSĐT công bố lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Duy Xuyên. |
Với thủ đoạn mua bán lòng vòng trên, thực tế không có hàng hóa để kinh doanh nhưng ông Xuyên đã sử dụng các hóa đơn chứng từ khống, dùng hồ sơ của 2 công ty gia đình là Công ty CP thép Hà Nội và Công ty Đông Á để vay tiền 2 ngân hàng. Do đó Nguyễn Duy Xuyên đã dễ dàng chiếm đoạt khi ngân hàng giải ngân tiền cho vay về tài khoản 2 công ty, thực chất là tài khoản của vợ ông Xuyên và những tài khoản khác cũng do ông Xuyên đứng phía sau điều hành.
Việc Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội điều tra, khởi tố và bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Duy Xuyên đã nhận được sự hoan nghênh, đồng tình của tập thể CBCNV Công ty Cơ khí Quang Trung. Bởi hành vi lợi dụng danh nghĩa Công ty Cơ khí Quang Trung để vi phạm pháp luật, trục lợi cá nhân của ông Xuyên đã khiến công ty gặp không ít sóng gió lao đao trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó có việc Ngân hàng Vietinbank khởi kiện Công ty Cơ khí Quang Trung trong giải quyết tranh chấp Hợp đồng tín dụng số 160-11/2011/HĐTD ngày 30/6/2011 ký giữa Ngân hàng Vietinbank - chi nhánh Đông Hà Nội và Công ty Cơ khí Quang Trung do ông Nguyễn Duy Xuyên đại diện theo ủy quyền.
Theo hợp đồng tín dụng này, ngân hàng cho vay ngắn hạn với hạn mức cho vay 50 tỉ đồng, thời hạn vay 12 tháng từ 30/6/2011 đến 30/6/2012. Tính đến ngày 12/3/2012, phía ngân hàng đã giải ngân 24,9 tỉ đồng. Tuy nhiên đến hạn do không được thanh toán cả gốc và lãi theo hợp đồng nên phía ngân hàng đã khởi kiện Công ty Cơ khí Quang Trung và đề nghị công ty phải thanh toán trả ngân hàng 32,3 tỉ đồng, trong đó bao gồm nợ gốc 24,2 tỉ đồng và nợ lãi gần 8,1 tỉ đồng tạm tính đến hết ngày 27/5/2013.
Đáng chú ý trong thời gian Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Đông Hà Nội khởi kiện Công ty cơ khí Quang Trung tới Tòa án nhân dân (TAND) quận Thanh Xuân thì Văn phòng Cơ quan CSĐT (PC44) Công an Hà Nội cũng đang tiến hành điều tra những vi phạm của ông Nguyễn Duy Xuyên. Sau khi xác định có dấu hiệu của tội phạm hình sự (ông Nguyễn Duy Xuyên sử dụng tiền vay của ngân hàng để đầu tư mua đất xây dựng nhà xưởng Nhà máy thép Đông Á do Công ty CP thép Hà Nội làm chủ đầu tư, vợ ông Xuyên làm giám đốc), ngày 19/4/2013, Cơ quan CSĐT (PC44) Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự số 142 để điều tra theo pháp luật tố tụng hình sự.
Một vụ án hình sự nhưng lại song trùng 2 cơ quan tư pháp giải quyết là Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội và TAND quận Thanh Xuân. Theo khoản 4 điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi năm 2009) về tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự quy định: "Cần đợi kết quả giải quyết vụ án khác có liên quan hoặc sự việc được pháp luật quy định là phải do cơ quan, tổ chức khác giải quyết trước mới giải quyết được vụ án".
Do đó sau khi khởi tố vụ án hình sự, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã trao đổi với TAND quận Thanh Xuân. Đồng thời ngày 20/5/2013, Công ty Cơ khí Quang Trung cũng có công văn gửi TAND quận Thanh Xuân đề nghị dừng xét xử vụ án để chờ kết luận của Cơ quan CSĐT và bản án của Tòa Hình sự theo điều 189, 190, 210 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Tuy nhiên, ngày 28/5/2013, TAND quận Thanh Xuân vẫn mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án kinh doanh thương mại về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng như đã nêu trên với lý do việc Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại Công ty Cơ khí Quang Trung chưa có cơ sở để xác định liên quan đến nội dung vụ án kinh doanh thương mại mà TTAND quận Thanh Xuân đang giải quyết. Phiên tòa đã đưa ra phán quyết tại Bản án sơ thẩm số 04/2013/KDTM-ST ngày 28/5/2013, buộc Công ty Cơ khí Quang Trung phải trả nợ cho Vietinbank số tiền 32,3 tỉ đồng. Phía Công ty Cơ khí Quang Trung đã kháng cáo nên bản án sơ thẩm trên chưa có hiệu lực pháp luật. Hiện TAND TP Hà Nội đang xem xét hồ sơ sơ thẩm để phán quyết phúc thẩm.
Qua tiếp xúc với CBCNV Công ty Cơ khí Quang Trung, mọi người đều bày tỏ bức xúc với phán quyết sơ thẩm của TAND quận Thanh Xuân. Bởi trong vụ việc này, Công ty cơ khí Quang Trung chỉ là đơn vị chịu trách nhiệm liên đới; còn cá thể hóa hành vi vi phạm pháp luật chiếm đoạt tài sản của ngân hàng là ông Nguyễn Duy Xuyên. Bởi trong Quyết định khởi tố vụ án hình sự ngày 19/4/2013 của Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội đã ghi rõ số tiền 28 tỉ đồng vay ngân hàng đã được ông Xuyên chuyển về đầu tư công ty gia đình do vợ làm giám đốc. Nhiều cán bộ của công ty đã đặt câu hỏi rằng, phán quyết sơ thẩm trên liệu có phải là "vơ đũa cả nắm" khi người phạm tội thì nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, đổ lỗi cho pháp nhân phải chịu trách nhiệm?
Mặt khác, từ phán quyết sơ thẩm trên, lập tức Công ty Cơ khí Quang Trung được đưa vào danh sách "nợ xấu" của hệ thống ngân hàng, khiến cho việc kinh doanh của công ty vấp phải chồng chất khó khăn bởi các ngân hàng và tổ chức tín dụng khác đều lắc đầu từ chối việc cho vay vốn. Quan hệ làm ăn với các đối tác, khách hàng lâu năm cũng bị ảnh hưởng bởi "nợ xấu". Sản xuất kinh doanh đình trệ, đời sống của hơn 200 công nhân sụt giảm và xáo trộn. Tiền khách hàng chuyển vào tài khoản công ty mở tại Ngân hàng Vietinbank bị ngân hàng trừ nợ…
Theo một cán bộ Công ty Cơ khí Quang Trung, phán quyết của Tòa sơ thẩm như vậy liệu có vội vã bởi vấn đề cốt yếu ở đây là hàng chục tỉ đồng vay vốn thực chất là tài sản của Nhà nước đã bị ông Nguyễn Duy Xuyên chiếm dụng. Do đó nhiệm vụ của các cơ quan bảo vệ pháp luật là tích cực thu hồi tài sản bị thất thoát cho Nhà nước.
Cơ quan điều tra khám xét nơi làm việc của ông Nguyễn Duy Xuyên (dấu x). |
Cảnh báo hiện tượng lợi dụng vay vốn đầu tư "sân sau" của lãnh đạo DNNN
Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, điều tra viên cao cấp Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội đánh giá, hành vi phạm tội của ông Nguyễn Duy Xuyên là biểu hiện rõ nét của tội phạm tham nhũng trong các DNNN trong cơ chế hiện nay. Lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, lợi dụng lĩnh vực hoạt động kinh tế và chính sách ưu đãi trong vay vốn ngân hàng của DNNN, ông Xuyên đã đưa nguồn vốn được vay về đầu tư cho doanh nghiệp "sân sau"; đồng thời để tiền ngoài sổ sách kế toán của đơn vị để sử dụng vào những thương vụ có tính chất cá nhân. Không loại trừ việc ông Xuyên đã sử dụng nguồn vốn vay của ngân hàng để đi cho vay lại nhằm hưởng chênh lệch lãi suất nhằm tư lợi cá nhân.
Hành vi vi phạm pháp luật nêu trên gây tác hại rất lớn trong tình hình kinh tế đất nước đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Bởi nguồn vốn cho vay hạn hẹp đang rất cần đầu tư cho nhiều lĩnh vực đã bị một số cá nhân lợi dụng danh nghĩa DNNN chiếm dụng và sử dụng không đúng mục đích dẫn tới thất thoát, đẩy doanh nghiệp vào tình trạng nợ xấu, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của chính doanh nghiệp. Về mặt xã hội, việc lợi dụng danh nghĩa DNNN vay vốn ngân hàng rồi sử dụng không đúng mục đích không chỉ làm mất uy tín của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của CBCNV, khiến họ chán nản, bỏ DNNN, là nguyên nhân của tình trạng "chảy máu" chất xám, "chảy máu" lao động tay nghề bậc cao.
Cũng theo Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, vụ việc là hồi chuông cảnh báo hoạt động cho vay của ngân hàng và các tổ chức tín dụng đối với DNNN. Tư tưởng chủ quan, cho rằng DNNN đã có Nhà nước "chống lưng" dễ dẫn đến các biểu hiện tùy tiện, lỏng lẻo trong thực hiện các quy định cho vay của các tổ chức tín dụng, không thẩm định kỹ các phương án kinh doanh của doanh nghiệp, không sát sao theo dõi việc sử dụng nguồn vốn…
Mặt khác, với những nguồn tiền cho vay lớn thì không loại trừ yếu tố tiêu cực giữa cán bộ tín dụng với cá nhân lợi dụng tư cách pháp nhân của DNNN để trục lợi, dẫn đến thất thoát tài sản của Nhà nước, gia tăng hiện tượng "nợ xấu" trong các ngân hàng.
Theo Hương Vũ