Ưu đãi thuế phải đúng người đúng việc
Được coi là không phức tạp, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều tại các Luật về thuế dự kiến sẽ được thông qua ngay tại một kỳ họp – kỳ họp thứ 8 tới đây của Quốc hội.
Nhưng không phải vì thế mà giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra không có những khác biệt đáng kể về quan điểm. Các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đa phần tán thành quan điểm thẩm tra, nhưng cũng có người ủng hộ cơ quan soạn thảo. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước ngắn gọn: “Tôi thấy có 4 điểm quan trọng Ủy ban Tài chính – Ngân sách không đồng ý với Tờ trình của chính phủ, 2 điểm đồng ý, nhưng đề nghị điều chỉnh một số chi tiết”.
Nghị quyết vừa ra, lại đành sửa?
Ngay từ đầu, bản báo cáo thẩm tra đã cho biết, theo Nghị quyết số 57/2013 của Quốc hội, năm 2014 ban hành các chính sách làm giảm thu, tăng chi, nhưng nếu thực hiện việc sửa đổi các luật thuế như dự thảo Luật thì sẽ giảm thu ngân sách 5.700 tỷ đồng. Bên cạnh đó còn phải hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) 1.300 tỷ, tổng cộng khoảng 7.000 tỷ, đó là chưa kể 4.800 tỷ đồng xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển hết sức trăn trở: “Đây là việc cần hết sức cân nhắc, vì một số điều Chính phủ đề nghị là hợp lý. Tuy nhiên, điều này cho thấy, chúng ta xây dựng luật nhưng đời sống của luật không dài, có nhiều khe hở, hạn chế. Ví dụ để hay không để 15% quảng cáo, chúng ta bàn nhiều, lần này, Quốc hội phải dứt khoát. Ngoài ra, còn vấn đề gì thì Chính phủ nên trình luôn. Bốn năm qua, mỗi năm Chính phủ đưa ra một chút, không có tầm dài hạn, hệ thống pháp luật thiếu ổn định, bao quát, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân và các nhà đầu tư”.
Một nhận định quan trọng khác, theo ông Hiển, những khó khăn của nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng không hẳn là vì thuế. Thuế GTGT của Việt Nam thấp nhất khu vực. Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) lộ trình giảm rất nhanh. Khó khăn của doanh nghiệp còn nằm ở nhiều vấn đề khác.
Có lẽ cũng vì muốn “thượng tôn pháp luật”, nên một trong những nội dung đề xuất của Chính phủ bị cơ quan thẩm tra bác đi mạnh mẽ là việc xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế. “Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách không nhất trí với đề xuất này vì bản chất tiền phạt chậm nộp thuế là khoản tiền phạt do vi phạm hành chính. Do đó, việc xóa nợ sẽ tạo tiền lệ không tốt, không đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và không công bằng với doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các qui định của pháp luật”, người đứng đầu cơ quan thẩm tra bình luận.
Khoanh phạm vi, siết tiêu chí ưu đãi
Tựu trung, các nội dung nhận được nhiều ý kiến đóng góp là quy định khống chế đối với chi phí quảng cáo; bổ sung ưu đãi với thuế TNDN đối với công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; phần thu nhập của doanh nghiệp thu về nước của các dự án do doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài; thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với thu nhập từ trúng thưởng trong casino; bổ sung một số điều của Luật thuế tài nguyên…
Cụ thể, về thuế TNDN, sự khác biệt quan điểm lớn nhất nằm ở nhóm đối tượng “dự án có quy mô vốn lớn, tác động sâu, rộng đến kinh tế – xã hội của địa phương hoặc vùng kinh tế”. Chính phủ trình Quốc hội bổ sung quy định thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất (trừ dự án sản xuất mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, dự án khai thác khoáng sản) có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 12.000 nghìn tỷ đồng, sử dụng công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại và thực hiện giải ngân không quá 5 năm kể từ khi được cấp phép đầu tư được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, “đề xuất của Chính phủ mới chỉ tập trung thu hút dự án đầu tư có vốn lớn mà không ràng buộc về công nghệ, lấy dự án điển hình để xây dựng chính sách chung là không phù hợp”.
Đây cũng là quan điểm của nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội nói: “Phải làm sao để lượng vốn đầu tư lớn đó rót đúng địa chỉ. Mà ưu đãi 30 năm là dài quá”. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đồng ý: “Dự án vào những ngành nghề ta đang thiếu, có khả năng cạnh tranh và sức lan tỏa thì mới khuyến khích. Chứ 12.000 tỷ đồng mà toàn công nghệ rác thì chết”.
Liên quan đến thuế GTGT, Chính phủ đề nghị chuyển mặt hàng phân bón, thức ăn chăn nuôi công nghiệp từ đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5% hiện nay sang đối tượng không chịu thuế GTGT. Hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi và của dự án xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường và tàu đóng mới hoặc nâng cấp dùng để khai thác thủy sản xa bờ được đề nghị khấu trừ hoặc hoàn thuế GTGT đầu vào. Ủy ban Tài chính – Ngân sách chỉ đồng tình một phần đề nghị này, cụ thể là không đồng ý với việc khấu trừ và hoàn thuế cho hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi và của dự án xã hội hóa trong một số lĩnh vực kể trên.
Về thuế môn bài, cơ quan thẩm tra cũng cho rằng về lâu dài nên bãi bỏ, nhưng không đồng ý cách làm. “Nên giữ như hiện nay, để đến năm 2015, khi Quốc hội thông qua Luật phí và lệ phí thì trình bãi bỏ”, ông Hiển khuyến nghị.
Riêng với quy định khống chế đối với chi quảng cáo, ý kiến của cơ quan soạn thảo, thẩm tra và cả các ý kiến phát biểu trực tiếp tại phiên họp đều khá thống nhất với phương án bỏ quy định khống chế khoản chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, hỗ trợ tiếp thị, hỗ trợ chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; nhưng cần ngăn chặn tình trạng lạm dụng, lách luật bằng các xác định phạm vi được quảng cáo…
“Gói ghém” lại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, đánh giá tác động của các thay đổi chính sách thuế còn rất sơ sài. Đồng ý với chủ trương hỗ trợ thuế, song Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ rà lại danh mục, tiêu chí hỗ trợ, tránh hỗ trợ thuế quá rộng, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách.
Có lẽ, khi được trình ra Quốc hội trong những ngày sắp tới, những ưu đãi thuế chắc chắn sẽ hẹp hơn và bức tranh kinh tế – xã hội dưới tác động của những sửa đổi bổ sung này cũng sẽ đậm nét và dễ hình dung hơn.
Theo Bình An