Văn bản của Bộ tài chính cứu nguy 700 tỷ đồng thuế cho doanh nghiệp ngành sữa
Bộ tài chính đã sửa đổi mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi 5% đối với cả 2 mặt hàng AMF và ABF, áp dụng trong biểu thuế nhập khẩu ưu đãi năm 2016.
- 12-12-2015Ngừng việc truy thu thuế doanh nghiệp sữa
- 07-12-20158 doanh nghiệp sữa dài cổ chờ phản hồi chính thức
- 04-12-2015Muốn truy thu thuế 8 doanh nghiệp sữa, Tổng cục Hải quan PHẢI có 1 trong 12 văn bản sau
- 02-12-2015Doanh nghiệp sữa kêu cứu bị truy thu thuế: Tổng cục Hải quan nói gì?
- 01-12-2015Bị Hải quan bất ngờ truy thu thuế, 8 doanh nghiệp sữa ký văn bản kiến nghị khẩn cấp gửi Thủ tướng và Bộ Tài chính
Sau hơn 1 tháng kể từ đơn kiến nghị của 8 doanh nghiệp ngành sữa về việc bị truy thu thuế “vô lý”, Bộ tài chính đã chính thức có văn bản về việc xử lý các kiến nghị này.
Khó giám định là chất béo khan của bơ hay chất béo khan của sữa?
Theo kiến nghị của các doanh nghiệp, Chất béo khan của bơ (ABF) và mặt hàng chất béo khan của sữa (AMF) thực chất là một và được sử dụng cùng mức thuế nhập khẩu 5%.
Tuy doanh nghiệp đã đưa nhiều dẫn chứng nhưng ngành hải quan gần đây khẳng định đây là hai dòng hàng khác nhau với mức thuế nhập khẩu mỗi dòng riêng biệt (thuế nhập khẩu với ABF là 5% và AMF là 15%) và dự tính truy thu khoảng 700 tỷ đồng với các doanh nghiệp sữa.
Theo công văn lần này của Bộ tài chính, việc xác định bản chất hàng hóa, thành phần cấu tạo, quy trình sản xuất của hai mặt hàng ABF và AMF thông qua công tác giám định là khó khăn vì đây là 2 mặt hàng dễ lẫn do thành phần cơ bản tương tự nhau, cùng là nguyên liệu sản xuất các sản phẩm sữa chua, sữa hoàn nguyên các loại, chỉ khác nhau ở chỉ số peroxide, nguyên liệu đầu vào và sử dụng phụ gia trong quá trình sản xuất.
Cũng theo Bộ tài chính, các nước trên thế giới cũng có sự khác nhau trong phân định hai mặt hàng này.
Công dụng của AMF và ABF không khác nhau mấy, áp thuế 15% là quá cao
Công văn của Bộ tài chính cũng nêu rõ, trước phản ứng của Đại sứ quán New Zealand và các doanh nghiệp về bản chất cũng như công dụng của 2 mặt hàng AMF và ABF, xét thấy mặt hàng AMF là nguyên liệu cho sản xuất sữa chua, sữa hoàn nguyên các loại mà trong nước chưa sản xuất được thì việc áp mức thuế nhập khẩu 15% là cao nếu so sánh với mặt hàng ABF và các sản phẩm khác cùng là nguyên liệu đầu vào của sản xuất, trong nước chưa sản xuất được.
Cũng theo Bộ tài chính, mặt hàng AMF (mã số 0405.90.90) thuộc nhóm có thuế suất cao nhất, lên đến 15% trong khi các mặt hàng cùng là nguyên liệu đầu vào của sản xuất các sản phẩm sữa chua, sữa hoàn nguyên các loại…trong nước chưa sản xuất được lại có thuế suất thấp hơn nhiều, ví dụ: ABF thuế suất 5%, dầu bơ (butter oil 5%), whey (0%)…
Bộ tài chính kiến nghị giữ mức thuế 5%
Theo Bộ tài chính, vướng mắc liên quan đến truy thu thuế lần này xuất phát từ chính sách, quy định về mức thuế nhập khẩu đối với mặt hàng AMF chưa hợp lý, thiếu tính minh bạch. Các sản phẩm có cùng thành phần cấu tạo, cùng công dụng, được sử dụng thay thế cho nhau lại có mức thuế nhập khẩu khác nhau.
Mức thuế 15% cho mặt hàng nguyên liệu sản xuất là cao và bất hợp lý so với sản phẩm sữa nhập khẩu (thuế chỉ từ 5-7%), sữa chua nhập khẩu (thuế 10%).
Chính bởi thế, Bộ tài chính đề nghị chấp nhận mã số và mức thuế suất theo khai báo của doanh nghiệp, đã được hải quan chấp nhận để thông quan.
Cùng với kiến nghị đó, Bộ tài chính đã sửa đổi mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi 5% đối với cả 2 mặt hàng AMF và ABF, áp dụng trong biểu thuế nhập khẩu ưu đãi năm 2016.
Bộ tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và quyết định.
Trí Thức Trẻ