MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam không bán phá giá tôm vào thị trường Mỹ

20-11-2013 - 07:45 AM | Doanh nghiệp

Để tránh bị kiện phá giá, Doanh nghiệp cần minh bạch từ khâu thu mua nguyên liệu đến sản xuất và XK.

Việc hội nhập ngày càng sâu, rộng với thế giới khiến Việt Nam có nguy cơ phải đối mặt nhiều hơn với các vụ kiện về phòng vệ thương mại (PVTM) của các nước. Nhằm giúp doanh nghiệp (DN) nắm được quy định của pháp luật, bảo vệ lợi ích hợp pháp của ngành sản xuất, Sở Công thương Hà Nội đã tổ chức 3 chương trình tập huấn, hội thảo với các DN về các nội dung trên. Báo Hànộimới xin đưa ra 3 vụ kiện về chống bán phá giá, chống trợ cấp để các DN tham khảo.

Bài 1: Việt Nam không bán phá giá tôm vào thị trường Mỹ

Sau nhiều năm áp thuế chống bán phá giá bất hợp lý với tôm Việt Nam, ngày 10-9-2013, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công nhận toàn bộ 33 DNXK tôm Việt Nam tham gia xem xét hành chính lần thứ 7 đều không bán phá giá.

Trong khi tôm Việt Nam vẫn đang bị áp thuế chống bán phá giá với mức thuế 4,57% tại đợt xem xét hành chính lần thứ nhất (16-7-2004 - 31-1-2006), ngày 18-1-2013, DOC lại thông báo khởi xướng điều tra vụ kiện chống trợ cấp với tôm nhập khẩu từ Việt Nam. Vụ kiện chống trợ cấp do Liên minh các nhà chế biến tôm của Mỹ khởi xướng ngày 28-12-2012 với mặt hàng "tôm nước ấm đông lạnh" nhập khẩu từ 7 quốc gia: Trung Quốc, Ecuador, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam, do nghi ngờ ngành tôm những nước này nhận được các khoản trợ cấp không chính đáng từ chính phủ. 

Trong vụ việc này, DOC điều tra 27 chương trình, chính sách của Chính phủ Việt Nam bị cáo buộc là có trợ cấp cho các DN sản xuất, XK tôm "nước ấm đông lạnh" liên quan đến cho vay ưu đãi; chính phủ cung cấp hàng hóa, dịch vụ thấp hơn giá thông thường (miễn/giảm tiền thuê đất, nước), các chương trình thuế… Ngoài ra, nguyên đơn còn đưa ra thêm 4 cáo buộc mới, gồm trợ cấp theo đề án nuôi trồng thủy sản; chế biến thủy sản; các khoản cho vay trợ cấp cho việc nâng cấp nuôi trồng thủy sản; trợ cấp bằng việc giảm thuế thu nhập đối với ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động. 

Qua điều tra, nếu xác định có trợ cấp, DOC sẽ áp đặt một khoản thuế chống trợ giá bổ sung trên hàng nhập khẩu vào Mỹ như đang áp dụng đối với thuế chống bán phá giá. Như vậy, tôm Việt Nam sẽ bị áp cả hai loại thuế là thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tại Mỹ.

Các doanh nghiệp cần minh bạch từ khâu thu mua nguyên liệu đến sản xuất và xuất khẩu.	Ảnh: Trọng Hải
Các doanh nghiệp cần minh bạch từ khâu thu mua nguyên liệu đến sản xuất và xuất khẩu. Ảnh: Trọng Hải

Trước tình hình đó, Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) đã ra thông cáo phản đối việc DOC điều tra vụ kiện với những cáo buộc thiếu cơ sở gây ảnh hưởng đến các nhà sản xuất và XK tôm Việt Nam, các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng Mỹ, tác động tiêu cực đến quan hệ song phương Việt - Mỹ. Ngày 29-5-2013, DOC đã ra quyết định sơ bộ về mức thuế chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu từ 7 nước. Trong đó, Malaysia bị áp mức thuế cao nhất là 62,74%; Việt Nam: 6,07%; Ấn Độ; 5,91%; Trung Quốc: 5,76%; Thái Lan: 2,09%; Indonesia và Ecuador được cho là không có trợ cấp của chính phủ cho ngành tôm của họ. 

Ngày 12-8-2013, DOC ra quyết định cuối cùng, cáo buộc tôm XK của Việt Nam được hưởng trợ giá làm tổn hại tới các nhà đánh bắt và chế biến tôm của Mỹ. Theo đó, mức thuế chống trợ cấp mà Mỹ áp dụng với các DNXK tôm của Việt Nam từ 1,15 đến 7,88%; mức thuế chung đối với các DN tôm khác của Việt Nam XK vào Mỹ là 4,52%. Đại diện cho các DN chế biến, XK tôm Việt Nam, VASEP đã kịch liệt phản đối quyết định vô lý của DOC và thông tin về vụ kiện cho các DN ngành tôm, đề nghị các DN tập hợp giấy tờ, số liệu cần thiết để chứng minh cho Chính phủ Mỹ thấy rằng, họ không được hưởng các khoản trợ cấp từ phía Chính phủ Việt Nam.

Đầu tháng 9-2013, Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) đã họp, bỏ phiếu phủ quyết quyết định vô lý này của DOC do ngành công nghiệp tôm của Mỹ không bị ảnh hưởng gì về vật chất và cũng không bị đe dọa ảnh hưởng về vật chất từ việc nhập khẩu tôm đông lạnh từ Việt Nam cũng như những quốc gia nói trên. Như vậy, theo kết quả bỏ phiếu của ITC, quyết định cuối cùng về vụ kiện chống trợ cấp tôm nước ấm của DOC (ngày 12-8-2013) đối với Việt Nam và 4 nước khác không còn giá trị pháp lý để thực thi. Sau gần chục năm bị áp thuế chống phá giá bất hợp lý, ngày 10-9-2013, DOC đã công nhận toàn bộ 33 DNXK tôm của Việt Nam sau đợt xem xét hành chính lần thứ 7 đều không bán phá giá và được hưởng mức thuế 0%.

Kết quả trên một lần nữa cho thấy, các DNXK tôm Việt Nam đã, đang và sẽ hoạt động theo đúng quy luật của kinh tế thị trường. Đây được xem là một trong những vụ kiện chống bán phá giá lớn nhất, có tác động lớn đến đông đảo nông dân Việt Nam. 

Một trong những nguyên nhân giúp cho vụ kiện chống bán phá giá tôm của Việt Nam thắng lợi là trong quá trình xử lý vụ kiện, Chính phủ Việt Nam đã tích cực triển khai nhiều hoạt động, trong đó có việc tiếp xúc với một số quan chức cao cấp của Chính phủ Mỹ để đưa ra các bằng chứng cho thấy, DN Việt Nam không bán phá giá và Chính phủ Việt Nam không trợ cấp cho các DN sản xuất, XK tôm như cáo buộc. Chủ động làm việc với Đại sứ Mỹ tại Hà Nội, đưa thông tin trên các tờ báo lớn của Mỹ như Washington Post, New York Times, Wallstreet Journal… để khẳng định các DN tôm Việt Nam không bán phá giá. Ngoài ra, trước và trong quá trình xử lý vụ kiện, VASEP cùng các ngành liên quan đã tập trung hỗ trợ các DN chuẩn bị hồ sơ chứng minh, trả lời số lượng lớn các câu hỏi của ITC và DOC trong thời gian ngắn...

Vì vậy, để tránh bị kiện phá giá, DN cần minh bạch từ khâu thu mua nguyên liệu đến sản xuất và XK. Khi có khiếu kiện xảy ra, DN cần tham gia tích cực vào quá trình điều tra với thái độ hợp tác để mang lại lợi ích cho chính DN.

Theo Thanh Hiền

thunm

Hà Nội mới

Trở lên trên