MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vietsovpetro cắt giảm 400 người, mất cân đối 230 triệu USD vì giá dầu giảm

11-01-2016 - 15:06 PM | Doanh nghiệp

Giá dầu thế giới liên tục lao dốc khiến doanh nghiệp dầu khí trong nước gặp khó khăn phải giảm chi phí, cắt bớt nhân sự, dừng khai thác một số giàn có chi phí cao.

Tại hội nghị tổng kết của ngành Công Thương năm 2015 ông Nguyễn Quốc Khánh, Tổng Giám đốc Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) đã tính toán nếu giá dầu giảm 1 USD/thùng, doanh thu Tập đoàn giảm 5,4 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước giảm 1,5 nghìn tỷ đồng.

Để ứng phó với các phương án giảm giá dầu, Tổng Giám đốc Tập đoàn dầu khí Việt Nam cho biết, Tập đoàn kiểm soát giá thành từng mỏ, dự kiến giá thành khai thác dầu trung bình tại các mỏ trong nước năm 2016 là 27,4 USD/thùng, trong đó, mỏ có giá cao nhất là mỏ Sông Đốc với giá 58 USD/thùng, mỏ có giá thấp nhất là mỏ Cửu Long, đạt 12,7 USD/thùng.

Bức tranh ngày dầu khí trong năm 2016 dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn nếu diễn biến thị trường giá dầu thế giới liên tục giảm mà chưa có dấu hiệu phục hồi. Ông Nguyễn Hùng Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn PVN dự báo lĩnh vực dịch vụ dầu khí sẽ giảm 40%-50% lợi nhuận do các công ty dầu khí gặp nhiều khó khăn, không có vốn đầu tư, tìm kiếm, thăm dò phát triển mỏ. Ông cũng cho biết PVN sẽ xem lại khả năng triển khai các dự án khai thác trong năm nay nếu diễn bị giá dầu vẫn như hiện tại.

Ngành dầu khí đang phải thắt lưng buộc bụng để vượt qua giai đoạn khó khăn. Nhiều doanh nghiệp của ngành đã phải cắt giảm nhân sự, giảm chi phí, giảm lương để cân bằng tài chính.

Liên doanh dầu khí Việt- Nga (Vietsovpetro) đã cắt giảm 400 biên chế trong năm 2015. Ông Từ Thành Nghĩa, Tổng Giám đốc của đơn vị này cho biết năm 2015 là năm khó khăn của ngành kể từ 30 năm qua do giá dầu giảm quá sâu.

Vị lãnh đạo này cho biết, cuối năm 2014, nghị quyết hội đồng liên doanh lần thứ 44 cho phép Vietsovpetro được để lại 35% lợi nhuận để đầu tư tìm kiếm, thăm dò. Nhưng do giá dầu hạ, Vietsovpetro đã không đủ trang trải chi phí hoạt động, dẫn đến mất cân đối tài chính khoảng 230 triệu USD. Trong đó, 170 triệu USD là thiếu hụt chi phí sản xuất và 60 triệu USD đầu tư các công trình dang dở như đóng mới giàn khoan Tam Đảo 05 và 2 tàu dịch vụ dầu khí.

Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, lãnh đạo Vietsovpetro quyết liệt trong việc tự thực hiện các dịch vụ, giảm chi phí thuê ngoài, giảm đơn giá các hợp đồng mua sắm vật tư, thiết bị, dãn tiến độ các dự án không hiệu quả, dừng khai thác các giếng khoan có chi phí sản xuất cao...

Nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động, trong năm 2015, Vietsovpetro hoàn tất việc giải thể 2 đơn vị trực thuộc, sáp nhập các phòng, ban, bộ phận sản xuất, tinh giản biên chế. Đến hết tháng 12.2015, Vietsovpetro cắt giảm 400 biên chế gồm 46 người Nga và 354 người Việt.

Theo ông Nghĩa, hiện chi phí sản xuất 1 thùng dầu của Vietsopetro là 23,7 USD/thùng, nếu giá dầu tiếp tục giảm, khả năng Vietsovpetro phải đưa chi phí xuống dưới 20USD/thùng mới có hiệu quả.

Năm 2016, Tổng Công ty Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí cho biết sẽ tiếp tục cắt giảm chi phí, đàm phán giảm lương chuyên gia nước ngoài, chuyển giao kỹ thuật từ người nước ngoài sang người Việt Nam để giảm sức ép về tiền lương.

Các lĩnh vực khác của ngành như cơ khí dầu khí, đóng mới, sửa chữa giàn khoan, vận tải dầu khí đều có doanh thu, lợi nhuận thấp hơn nhiều so với trước và sẽ phải lên kế hoạch thắt lưng buộc bụng trong năm 2016.

Theo Hải Minh

Người đồng hành

Trở lên trên