Vinacomin rời sân chơi bảo hiểm
Sau khi Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) rút hết vốn khỏi Công ty Bảo hiểm SHB-Vinacomin (SVIC), dấu ấn lớn nhất tại công ty này có lẽ là Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB).
- 03-12-2012Bảo hiểm SHB – Vinacomin: Lộ diện cổ đông lớn Artexport sau vụ thoái vốn của TKV
- 02-12-2012Bảo hiểm SHB – Vinacomin: Miễn nhiệm quyền TGĐ và chủ tịch HĐQT
Cuối tháng 11 vừa qua, ông Lê Minh Chuẩn, Tổng giám đốc Vinacomin đã ký văn bản số 6089/VINACOMIN-TC về việc Vinacomin đã thoái toàn bộ 5,94 triệu cổ phiếu do Vinacomin nắm giữ tại SVIC và không còn nắm giữ cổ phiếu nào tại công ty bảo hiểm này.
Theo thông tin phóng viên Báo Đầu tư có được, giao dịch bán cổ phần của Vinacomin được thực hiện theo hình thức thỏa thuận, dưới sự môi giới của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS). Một trong những đối tác mua lại số cổ phần này là Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủ công Mỹ nghệ (Artexport). Công ty Artexport đã mua là 2.970.000 cổ phiếu, chiếm 9,9% vốn điều lệ của SVIC. Danh tính các cổ đông còn lại vẫn chưa được tiết lộ.
Giao dịch thỏa thuận này được thực hiện sau khi Vinacomin đưa số cổ phiều này ra đấu giá, nhưng thất bại. Người tạm thời giữ chức Chủ tịch HĐQT SVIC là ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB.
Đến nay, việc SVIC sẽ hoạt động như thế nào sau khi không còn “dòng máu” của Vinacomin trong người vẫn chưa chính thức được công bố. Thông tin cụ thể, đặc biệt là vai trò của Artexport như thế nào có thể sẽ chỉ được làm rõ khi SVIC tổ chức Đại hội đồng cổ đông vào giữa tháng 12 này.
Tuy nhiên, trong một cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư trước đây, ông Hiển từng khẳng định, việc thành lập và phát triển SVIC nằm trong các hoạt động nhằm phát triển SHB trở thành một trong những ngân hàng thương mại hàng đầu trong thời gian tới. Do đó, ngoài việc thành lập SVIC, SHB cũng đã phát triển đồng loạt nhiều định chế tài chính khác, như Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), Công ty cổ phần Quản lý Quỹ Đầu tư Sài Gòn - Hà Nội (SHF)…
Về phía Vinacomin, ngoài kế hoạch thoái vốn tại các doanh nghiệp ngoài ngành, trong đó có việc hoàn tất thoái vốn tại SVIC, Tập đoàn này đang tập trung đẩy mạnh giải phóng hàng tồn kho. Riêng trong tháng 11 vừa qua, sản lượng tiêu thụ than tăng hơn so với các tháng trước cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Kết thúc 11 tháng, doanh thu toàn Tập đoàn đạt 75.500 tỷ đồng, bằng 85,6% kế hoạch điều chỉnh và bằng 79,2% so với cùng kỳ năm 2011…
Hiện nay, ngoài Vinacomin đã rút vốn và cổ đông hiện hữu là SHB, SVIC còn có các cổ đông khác là Công ty cổ phần Tập đoàn T&T, Công ty cổ phần Đầu tư Công nghiệp An Sinh, Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính ITASCO, Công ty cổ phần Hoa Sơn.
Trong số các cổ đông khác của SVIC, một cổ đông khác luôn mang dấu ấn bên cạnh các hoạt động đầu tư của SHB là Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T. Tập đoàn này vừa trực tiếp là cổ đông của SHB, vừa tham gia vào rất nhiều tổ chức tài chính mà SHB góp vốn, bao gồm cả SHS, SHF lẫn SVIC.
Trước khi thực hiện giao dịch thoái vốn thành công, Vinacomin đã từng đăng ký đấu giá số cổ phần này tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), nhưng sau đó, đợt đấu giá đã không thể diễn ra theo kế hoạch. Cụ thể, đến hết thời hạn nộp phiếu tham dự đấu giá, chỉ có 1 nhà đầu tư bỏ phiếu tham gia. Trong khi đó, một nhà đầu tư khác (trong số 2 nhà đầu tư đăng ký đấu giá) đã bỏ cuộc, chấp nhận mất tiền đặt cọc tương ứng với số lượng cổ phần đã đăng ký mua và không thực hiện bỏ phiếu đấu giá theo quy định.
Theo HNX, đơn vị tổ chức phiên đấu giá, cuộc đấu giá không đủ điều kiện để tổ chức theo quy định tại Điều 13, Quy chế Đấu giá bán cổ phần của Viancomin tại Công ty cổ phần Bảo hiểm SHB - Vinacomin ban hành kèm theo Quyết định số 340/QĐ-SGDHN ngày 5/9/2012 của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Theo Chí Tín
Báo đầu tư