MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vinasun - Mai Linh: Tinh gọn "chiến thắng" cồng kềnh

30-05-2015 - 10:18 AM | Doanh nghiệp

Trong năm 2014, doanh số bình quân hàng ngày của 1 xe taxi Mai Linh 1,34 triệu đồng, trong khi con số này của Vinasun là 2,09 triệu đồng. Đây là nhân tố chính dẫn tới sự cách biệt về lợi nhuận giữa 2 doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực taxi.

Trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi, Mai Linh Group (MLG) và Vinasun (VNS) là những công ty nổi trội nhất và chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam.

Với việc sở hữu hơn 11 nghìn xe, Mai Linh đang hoạt động trên nhiều tỉnh thành trên cả nước. Trong khi đó, Vinasun đang là một thế lực tại phía nam và đang có ý định “tiến quân” ra bắc.

Thế trận có còn “ngang cơ”?

Được thành lập từ năm 1993, Mai Linh Group (MLG) đã mau chóng trở thành doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi. Tuy nhiên trong vài năm trở lại đây, Mai Linh đã bị cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ và đã dần đánh mất ngôi vị “vua” trong ngành.

Tại 2 địa bàn lớn trong nước là Hà Nội, TP.HCM, Mai Linh đã bị các đối thủ như Taxi Group (Hà Nội) và Vinasun (T.P HCM) chiếm lĩnh thị phần và cạnh tranh quyết liệt.

Đội xe của Vinasun chủ yếu là Toyota Innova và Toyota Vios, trong khi đó hệ thống Mai Linh sử dụng nhiều dòng xe khác nhau

Đội xe của Vinasun chủ yếu là Toyota Innova và Toyota Vios, trong khi đó hệ thống Mai Linh sử dụng nhiều dòng xe khác nhau

Những năm qua, cả 2 doanh nghiệp đều tăng cường đáng kể lượng xe để đáp ứng nhu cầu thị trường. Số xe của Mai Linh tại thời điểm cuối năm 2014 đã lên tới hơn 11.000 xe, gấp đôi so với lượng xe mà Vinasun đang sở hữu. Tuy vậy, doanh thu mà Mai Linh tạo ra dường như không hề tương xứng với số xe đang sở hữu.

Trong giai đoạn 2008-2011, Mai Linh luôn giữ được tốc độ tăng trưởng doanh thu ổn định, tuy nhiên kể từ 2012, doanh nghiệp này đã có dấu hiệu sụt giảm doanh thu và chính thức bị Vinasun vượt qua vào năm 2013. Kết thúc năm 2014, doanh thu thuần Mai Linh chỉ đạt 2.741 tỷ đồng, trong khi Vinasun đạt 3.770 tỷ đồng.

Dù doanh thu Vinasun chỉ mới vượt Mai Linh từ năm 2013, tuy nhiên lợi nhuận doanh nghiệp này luôn tỏ ra vượt trội hoàn toàn so với Mai Linh. Kể từ khi niêm yết tới nay, Vinasun vẫn luôn có lãi khá lớn dù gặp phải nhiều khó khăn của nền kinh tế nói chung. Trong khi đó, Mai Linh thường xuyên báo lỗ và chỉ mới có lãi trở lại từ năm 2013 dù mức lãi là khá khiêm tốn.

Doanh thu cao, vì sao lợi nhuận thấp?

Theo số liệu được công bố, doanh thu/ngày/xe của Mai Linh chỉ là 1,34 triệu đồng, trong khi con số này của Vinasun là 2,09 triệu đồng. Điều này đã lý giải vì sao chỉ với số lượng nhân viên ít hơn tới 10 nghìn người, số lượng xe chỉ bằng một nửa nhưng Vinasun đã tạo ra doanh thu vượt lên trên so với Mai Linh.

Mặc dù cùng kinh doanh trong lĩnh vực taxi, tuy nhiên tỷ trọng trong lĩnh vực cốt lõi này của 2 doanh nghiệp lại tương đối khác nhau.

Trong khi Vinasun gần như tập trung toàn bộ vào lĩnh vực cốt lõi của mình thì Mai Linh lại đầu tư dàn trải trên nhiều lĩnh vực khác như nhà hàng khách sạn, bđs… Tỷ trọng doanh thu từ lĩnh vực taxi của Mai Linh năm 2014 chỉ là 75%, trong khi Vinasun là 99%.

Bên cạnh đó, Vinasun chỉ tập trung chủ yếu ở khu vực T.P HCM và một vài tỉnh phía nam như Bình Dương, Đồng Nai… thì Mai Linh lại dàn trải hoạt động kinh doanh trên hầu khắp cả nước. Chính vì vậy, tại các thị trường lớn Mai Linh đã không còn đủ lực và đánh mất thị phần của mình. Hiện khu vực phía Bắc đang mang lại doanh thu lớn nhất cho Mai Linh với 1.085 tỷ đồng, tương ứng 32% tổng doanh thu.

Việc đầu tư dàn trải đã khiến các chi phí quản lý trong kỳ của Mai Linh tăng mạnh lên rất nhiều so với đối thủ. Có thể thấy tỷ trọng chi phí tài chính, quản lý/ doanh thu của Mai Linh luôn ở mức khá cao, từ 20%- 30%. Trong khi Vinasun chỉ ở ngưỡng 5%- 8%.

Kể từ năm 2013, Mai Linh đã thực hiện tái cơ cấu tập đoàn, thoái vốn khỏi các lĩnh vực không liên quan, tập trung với phương án “Một Mai Linh” tức là Một văn phòng – Một bộ máy điều hành quản lý – Một nguồn tài chính chung hợp nhất – Một người quản lý. Điều này đã giúp KQKD của MLG từ 2013 trở đi dần khởi sắc.

Sự cạnh tranh từ các đối thủ ngoại

Trong thời gian gần đây, các hãng kinh doanh dịch vụ taxi đến từ nước ngoài như Uber, Grab đã xâm nhập vào Việt Nam đã gây ra áp lực không nhỏ cho các hãng taxi trong nước, kể cả những ông lớn như Mai Linh hay Vinasun.

Việc gọi taxi theo cách truyền thống trong kỷ nguyên Internet đã bộc lộ nhiều điểm yếu như khó kiểm soát được tài xế, quãng đường, thanh toán… Do đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh, Mai Linh và Vinasun đều đã tung ra ứng dụng đặt taxi của mình trên thiết bị di động với tên gọi “Mai Linh Taxi” và “Vinasun app”.

Tuy nhiên, việc tung ra ứng dụng trên di động chỉ giải quyết được bài toán về cách thức đặt taxi chứ chưa giải quyết bài toán về giá cước như Uber và Grab đang làm. Không phải ngẫu nhiên mà tại ĐHCĐ mới đây của Vinasun, “Uber” là từ khóa được nhắc tới nhiều nhất.

Theo số liệu được công bố, giá cước trung bình của MLG là 13.653đ/km, trong khi Vinasun là 17.277đ/km. Trong khi đó, Uber và Grab đã tung ra các gói cước taxi hết sức cạnh tranh. Cụ thể, Uber có gói cước chỉ 5.000đ/km ở HN và 8.000đ/km ở T.P HCM hay Grab với chỉ 6.000đ/km đang gây ra những áp lực không nhỏ cho các doanh nghiệp như Vinasun hay Mai Linh.

Cơ cấu cổ đông

Hiện tại, cơ cấu cổ đông của Mai Linh chỉ có 2 cổ đông lớn là Cty TNHH MTV Đầu tư Hồ Huy với tỷ lệ sở hữu 41% và VOF investment Ltd 14%. Trong khi đó, cơ cấu cổ đông Vinasun khá cô đặc với tỷ lệ sở hữu của các cổ đông lớn, nội bộ lên tới 74%.

 

Hoàng Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên