Vinatex và bức tranh 2015
Sau CPH, từ chỗ là công ty mẹ với mô hình holdings, Vinatex chuyển sang kết hợp với việc quản trị sản xuất, quản trị kinh doanh tại các công ty thành viên – trong đó có một số công ty đầu tư vốn 100% từ Tập đoàn.
- 19-01-2015Hàng dệt may: “Điểm sáng” về xuất khẩu của Việt Nam năm 2014
- 16-01-2015Ngành Dệt may: Cả thế giới chọn Việt Nam là đối tượng cạnh tranh
- 08-01-2015Vinatex: Cho phép tăng vốn Nhà nước từ nguồn chuyển mục đích sử dụng đất
Những ngày cuối năm 2014, ngành Dệt may đón nhiều tin vui. Ước tính trong năm 2014, ngành dệt may cả nước xuất khẩu khoảng 24,4 tỷ USD, tăng 14,7% so với năm 2013. Con số có thể tăng lên 28,35 tỷ USD vào năm 2015, tăng 15,9%. Đây là con số đáng để biểu dương, đặc biệt trong tình hình kinh tế không lấy gì làm sáng sủa năm 2014.
FTAs không phải cây đũa thần
Đánh giá những kết quả đạt được năm vừa qua, ông Lê Tiến Trường, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinatex thẳng thắn cho biết lợi thế phần lớn dựa vào hiệu ứng sức hút từ những hiệp định thương mại tự do (FTAs) đang sửa soạn được ký kết, trong đó có hiệp định được mong chờ nhiều nhất là TPP. Nếu không có hiệu ứng sức hút, tỷ lệ tăng trưởng của ngành Dệt may không phải là 19%, mà chỉ ở mức tối đa khoảng 12 - 13%. Nếu TPP được thông qua trong năm nay, cũng phải mất một thời gian để Quốc hội các quốc gia trong TPP phê chuẩn, hiệp định mới chính thức có hiệu lực. Đó là một khoảng thời gian không hề ngắn, đại diện Vinatex bày tỏ.
Ngay cả hiệp định thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan, ông Trường cũng cho rằng chưa nên kỳ vọng sự đột biến trong năm 2015 tới đây, đó là cả một lộ trình dài. Ông chia sẻ, riêng thị trường Nga là một thị trường cực kỳ đặc thù, với 2 phân khúc rõ rệt là hàng cao cấp nhập khẩu từ các nước được coi là kinh đô thời trang như Pháp, Ý - và phân khúc hàng bình dân với sản phẩm nhập từ Trung Quốc. Việt Nam nhìn chung khó có thể "chen chân" vào các phân khúc này.
Cũng lưu ý thêm, sau một thời gian miệt mài tăng trưởng và chiếm thị phần của các quốc gia khác, đây cũng là lúc Vinatex nói riêng, ngành dệt may nói chung, đánh giá phản ứng tự vệ của các quốc gia khác. Họ chắc chắn không thể thua mãi được, và sẽ có phản ứng. Không phải tình cờ khi đại diện Vinatex nói cả thế giới đang coi Việt Nam là đối thủ cạnh tranh trực tiếp trong lĩnh vực dệt may. Cũng vì lý do này, tốc độ tăng trưởng của ngành chắc chắn sẽ giảm dần khi quy mô ngành dệt may lớn dần. Ngành dệt may ngày xưa tăng trưởng khoảng 30% không quá khó. Tốc độ tăng hiện nay không thể đạt mức thời hoàng kim đã qua.
Tranh cãi về năng suất lao động
Năng suất lao động của người Việt vẫn luôn là vấn đề gây tranh cãi trong thời gian gần đây. Đặc biệt trước thông tin năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/10 các nước trong khu vực như Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản...
Ông Lê Tiến Trường cho rằng, nhận định như thế chưa thực sự công bằng, khi lấy tổng GDP chia cho dân số trong độ tuổi lao động. Các quốc gia phát triển tập trung nhiều lao động tài chính, tiền tệ, các dịch vụ giá trị gia tăng cao..., giá trị sản phẩm tất nhiên sẽ cao. Đó là năng suất lao động quốc gia. Con số đó không thể hiện năng suất lao động của các ngành.
Năng suất sản xuất lại là một câu chuyện khác. Một công nhân Việt Nam may được 20 cái áo/ngày, không có nghĩa là lao động Trung Quốc may được 200 cái áo/ngày. Trung Quốc vượt xa Việt Nam về năng lực sản xuất dệt may nhờ quy mô khổng lồ của quốc gia này. Tuy nhiên, về năng suất sản xuất, ông Trường tự tin Việt Nam đạt tương đương 90% so với Trung Quốc.
Trung Quốc mạnh hơn Việt Nam ở các sản phẩm phổ thông, sản xuất loạt lớn, không thay đổi. Nhưng sản xuất hàng khó, hàng thời trang, Việt Nam và Trung Quốc tương đương nhau, Việt Nam không hề thua kém.
Nâng năng suất lao động trong ngành dệt may bây giờ không phải là tăng việc làm, mà cần tăng hiệu quả quản lý sản xuất, đặc biệt giảm tồn trên dây chuyền. Ngoài ra, cần chuẩn hóa các thao tác của người lao động và chuyên môn hóa việc lo đơn hàng ổn định...
Vai trò của Vinatex
Vinatex sau cổ phần hóa bắt đầu thay đổi cơ cấu hoạt động. Mô hình trước chủ yếu là quản trị cổ phần Nhà nước tại các công ty thành viên. Tuy nhiên, sau CPH, từ chỗ là công ty mẹ với mô hình holdings, Vinatex chuyển sang kết hợp với việc quản trị sản xuất, quản trị kinh doanh tại các công ty này – trong đó có một số công ty đầu tư vốn 100% từ Tập đoàn.
Đây là một chuyển biến rất lớn của Vinatex.
Ông Trường ví dụ, một công ty dệt may thông thường quy mô vốn rất nhỏ. Ngay như công ty lớn nhất là Công ty May Phong Phú cũng chỉ có 700 tỷ vốn. Với quy mô này, nếu đầu tư chuỗi cung ứng hoàn chỉnh đáp ứng các hiệp định thương mại là không đủ. Vinatex phải đóng vai trò là cầu nối, thậm chí tổ chức sản xuất kinh doanh đối với một chuỗi các công ty thành viên.
Với vai trò mới mẻ này, công việc của Vinatex trong năm 2015 và các năm về sau, quả không hề dễ dàng. Nhất là khi công ty không còn nhận được những sự hỗ trợ từ Nhà nước như trước.
Hoàng Lan