MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vĩnh Hảo năm đầu về với Masan: Lãi hơn 200 tỷ nhờ khoản đầu tư 1 vốn 4 lời

15-04-2014 - 16:26 PM | Doanh nghiệp

Chi ra 45,6 tỷ để mua công ty con, Vĩnh Hảo được hưởng ngay khoản lãi 213 tỷ đồng từ đánh giá lại tài sản của công ty này.

Nước khoáng Vĩnh Hảo là một trong những cái tên đình đám được nhắc đến trong năm qua khi được Masan Consumer mua lại với mức giá 85.000 đồng/cổ phiếu. Mức giá này định giá định giá ở Vĩnh Hảo ở mức gần 700 tỷ đồng, được đánh giá là khá cao so với kết quả kinh doanh còn khiêm tốn của công ty. Masan Consumer hiện sở hữu 63,5% cổ phần của Vĩnh Hảo.

Năm nay, Vĩnh Hảo lại gây một bất ngờ lớn nữa khi công bố mức lãi sau thuế của năm 2013 đạt 223 tỷ đồng, tương đương EPS đạt 27.500 đồng. Các năm trước, mức lãi của công ty chưa đến 1/10 con số này.

Một phép màu đã xảy ra khi Vĩnh Hảo về với Masan? Tất nhiên là không phải. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính của Vĩnh Hảo năm ngoái chỉ đạt 9 tỷ đồng – giảm 33% so với năm 2013 do chi phí bán hàng tăng mạnh.


Khoản lợi nhuận chênh lệch, đạt xấp xỉ 214 tỷ đồng xuất phát từ lợi thế thương mại âm khi Vĩnh Hảo mua lại 99,99% vốn CTCP Thương mại Dịch vụ và Sản xuất Krôngpha vào ngày 30/12/2013.

Tài sản thuần của công ty Krôngpha trên sổ sách chỉ có giá trị 16,34 tỷ, bằng 1/3 giá mua. Tuy vậy, ban lãnh đạo Vĩnh Hảo sau khi mua lại công ty này đã nhận thấy Krôngpha có giá trị hơn thế.

Theo đó, tài sản cố định vô hình được điều chỉnh từ 53,2 triệu lên 295,52 tỷ đồng, gấp 5.500 lần. Tài sản cố định vô hình được điều chỉnh tăng gấp đôi, từ 12 tỷ lên 25 tỷ đồng.

Việc định giá lại tài sản và trừ đi các khoản thuế thu nhập có thể phát sinh khiến cho tài sản thuần của Krôngpha tăng thêm 245,2 tỷ, lên 261,6 tỷ. Bỏ ra 45,6 tỷ để thu về một khối tài sản trị giá 261,6 tỷ khiến cho Vĩnh Hảo phát sinh khoản lợi nhuận khổng lồ trên.

Công ty Krôngpha có trụ sở tại Ninh Thuận, sở hữu mỏ nước khoáng Tân Mỹ Á.

Năm 2014, Vĩnh Hảo đặt mục tiêu tăng gấp đôi doanh thu, từ 453 tỷ lên 924 tỷ đồng. Tuy vậy, kế hoạch lợi nhuận chỉ vỏn vẹn 1 tỷ đồng.

Lợi thế thương mại âm (giá mua thấp hơn tài sản thuần nhận được) sẽ được hạch toán ngay vào doanh thu tài chính. Lợi thế thương mại dương (giá mua cao hơn tài sản thuần nhận được) sẽ ghi vào lợi thế thương mại và phân bổ dần vào chi phí trong 10 năm.

KAL

duchai

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên