VNG: Vẫn đứng đầu thị trường game online nhưng lợi nhuận giảm tới 75%
Mảng game cài đặt (client game) vốn là con gà đẻ trứng vàng của VNG chịu sức ép lớn từ công ty Garena với game Liên minh Huyền thoại.
- 16-04-2013Nếu lên sàn, CEO Lê Hồng Minh của VNG sẽ giàu ngang ông Đặng Thành Tâm?
- 07-03-2013VNG phát hành riêng lẻ cho CEO Lê Hồng Minh với giá hơn 150.000 đồng/cp
- 15-08-2012VNG là công ty Việt Nam?
- 18-09-2012Dấu hỏi từ việc "mua cao, bán thấp" cổ phiếu của Vinagame
- 02-08-2012Tencent có thể thâu tóm được Vinagame?
Bên cạnh FPT, CTCP VNG (Vinagame) được biết là một trong những công ty công nghệ có lợi nhuận vào loại lớn nhất Việt Nam. VNG đã nhiều năm liền đứng đầu thị trường game online với khoảng cách khá xa so với các đối thủ.
Năm 2012, FPT công bố đạt 2.400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong khi VNG công bố mức lợi nhuận kỷ lục 1.032 tỷ đồng. Kết quả của VNG khá ấn tượng khi mà doanh thu của công ty chưa bằng 1/10 so với FPT; quy mô hoạt động cũng nhỏ hơn rất nhiều.
Với kết quả khả quan của năm 2012, VNG đặt mục tiêu cho năm 2013 là tăng trưởng 25% về doanh thu lên 3.000 tỷ đồng và lợi nhuận giảm 10%, xuống 900 tỷ đồng.
Năm 2013 đã trôi qua, mặc dù VNG không công bố nhiều về kết quả kinh doanh của mình nhưng dường như hiệu quả hoạt động đã giảm đáng kể và đạt được rất thấp so với kế hoạch.
Mục tiêu 3.000 tỷ doanh thu (140 triệu USD) đã không đạt được khi mà chia sẻ tại sự kiện Startup Asia Singapore vào tháng 5 vừa qua, CEO Lê Hồng Minh của VNG cho biết công ty đạt 100 triệu USD doanh thu vào năm 2013.
Theo số liệu mà VNG đề cập tại Đại hội cổ đông thường niên thì LNST năm 2013 của riêng công ty mẹ chỉ đạt 186 tỷ đồng, giảm tới 75% so với kết quả 742 tỷ đồng của năm 2012.
Số liệu của công ty mẹ chưa phản ánh đầy đủ tình hình hoạt động của cả tổ hợp VNG. Tuy vậy thì các công ty con không đóng góp nhiều vào kết quả hợp nhất, lợi nhuận chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh game online của công ty mẹ.
Trong số các công ty con của VNG, chỉ có 2 công ty hoạt động có hiệu quả cao là Cty Dịch vụ - Dữ liệu Công nghệ thông tin Vi Na (Vinadata) và Công ty phát triển phần mềm VNG.
Kế hoạch kinh doanh hợp nhất VNG đặt ra cho năm 2014 là 2.365 tỷ đồng doanh thu và 313 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Kế hoạch doanh thu 2014 của VNG chỉ tương đương với kết quả đạt được năm 2011 và 2012. Việc doanh thu đi ngang nhiều năm liền cho thấy công ty đang gặp thách thức trong việc tìm kiếm nguồn thu mới. Trong khi đó, mục tiêu lợi nhuận lợi nhuận của năm 2014 cũng thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn trước.
Năm 2013, nguồn thu chủ đạo của VNG là phát hành game gặp phải áp lực lớn trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, mảng game cài đặt (client game) vốn là con gà đẻ trứng vàng của VNG chịu sức ép lớn từ công ty Garena với game Liên minh Huyền thoại. Với chiến lược chiếm lĩnh phòng máy, công ty này đã thay thế VNG tại các phòng máy và chiếm tới 70% thị phần phòng máy (phòng máy cài sẵn game của nhà phát hành), tạo ra bàn đạp lớn cho game Liên minh Huyền thoại.
Trong mảng web game, VNG phải cạnh tranh với quá nhiều đối thủ cạnh tranh tới từ nước ngoài, game lậu cũng như các nhà phát hành lớn trong nước, trong khi đó họ lại không có một lợi thế cạnh tranh nào đáng kể trên web. Một mảng game đang phát triển rất nhanh là game trên mobile chưa được họ quan tâm mà dành nhiều nguồn lực và tâm trí cho sản phẩm Zalo trong thị trường OTT..
Từ lâu VNG đã trở thành một công ty đại chúng (vốn điều lệ trên 10 tỷ và có trên 100 cổ đông), theo quy định sẽ phải công bố công khai báo cáo tài chính, báo cáo thường niên về hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên hoạt động công bố thông tin của công ty còn khá hạn chế. Chúng tôi sẽ liên hệ với VNG để có thêm thông tin về tình hình kinh doanh của công ty.
Kiến Khang