MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vocarimex chỉ còn chi phối duy nhất Dầu ăn Tường An

12-06-2014 - 09:29 AM | Doanh nghiệp

Cổ phần hóa Vocarimex là cơ hội đầu tư lớn cho những doanh nghiệp muốn thâm nhập vào thị trường dầu ăn hoặc những doanh nghiệp trong ngành muốn củng cố vị thế.

Tháng 3/2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam – Vocarimex. Theo đó, nhà nước chỉ giữ lại 36% vốn của Vocarimex. Phần còn lại bán 32% cho nhà đầu tư chiến lược và bán đấu giá công khai hơn 31%.

Cổ phần hóa Vocarimex là cơ hội đầu tư lớn cho những doanh nghiệp muốn thâm nhập vào thị trường dầu ăn hoặc những doanh nghiệp trong ngành muốn củng cố vị thế.

Vai trò của Vocarimex với thị trường dầu ăn rất quan trọng. Vocarimex là công ty mẹ của Dầu ăn Tường An (thị phần đứng thứ 2) và Tân Bình – Nakydaco; tham gia góp vốn vào 2 liên doanh Cái Lân (số 1 về thị phần) và Golden Hope Nhà Bè.

Dầu ăn là đích nhắm của nhiều doanh nghiệp hàng tiêu dùng lớn. Masan từng có ý định thâu tóm Trường An. Còn mới đây có thông tin về khả năng Kinh Đô sẽ mua lại một doanh nghiệp dầu ăn.


Trong năm 2013, khi Nakydaco tiến hành tăng vốn, Vocarimex đã không mua thêm dẫn đến việc tỷ lệ sở hữu tại công ty này giảm từ 51% xuống còn 27%. Như vậy, hiện Vocarimex chỉ còn chi phối duy nhất Tường An.

Hiện hầu hết nguyên liệu để tinh luyện dầu thực vật đều phải nhập khẩu. Vocarimex đảm nhiệm việc nhập khẩu rồi bán lại cho Tường An và Nakydaco. Trong năm 2013, hai doanh nghiệp này đã mua nguyên liệu từ Vocarimex với số tiền tương ứng là 2.900 tỷ và 600 tỷ đồng.

Việc giảm tỷ lệ sở hữu tại Nakydaco không ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh của Vocarimex. Doanh thu của công ty này hiện đạt hơn 700 tỷ/năm còn lợi nhuận rất khiêm tốn.

Trong khi đó, Tường An hiện đạt doanh thu hơn 4.000 tỷ/năm và lãi sau thuế hơn 60 tỷ/năm.

Doanh nghiệp đứng đầu ngành, Cái Lân (Calofic, sở hữu các thương hiệu Neptune, Simply…) có quy mô vượt trội các doanh nghiệp còn lại. Từ năm 2011, doanh thu của công ty này đã vượt mức 10.000 tỷ và lãi 250 tỷ đồng. Cái Lân là công ty con của Wilmar International, một trong những doanh nghiệp sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới.

Tỷ suất lợi nhuận thấp

Qua những con số trên có thể thấy tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của các doanh nghiệp dầu ăn rất thấp, chỉ từ 2-4%. Nguyên nhân chủ yếu là hầu hết các nguyên liệu đều phải nhập từ nước ngoài, làm gia tăng đáng kể chi phí.

Mặt khác, cạnh tranh gay gắt giữ các doanh nghiệp trong ngành khiến cho giá bán giảm trong khi các chi phí marketing, bán hàng ngày càng đội lên để giữ thị phần.

>> Bán 64% vốn Nhà nước tại Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam

Kiến Khang

duchai

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên