MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vốn dưới 800 tỷ đồng không được bảo hiểm phát triển thủy sản

24-08-2014 - 10:22 AM | Doanh nghiệp

Doanh nghiệp bảo hiểm phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu 800 tỷ đồng và tổng tài sản tối thiểu 2.000 tỷ đồng tại thời điểm kết thúc năm tài chính gần nhất.

Từ 25/8 sẽ thực hiện chính sách bảo hiểm quy định tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản theo hướng dẫn tại Thông tư số 115/2014/TT-BTC ngày 20/8/2014.

Theo đó, các doanh nghiệp bảo hiểm được phép tham gia chương trình bảo hiểm phát triển thủy sản phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau của Bộ Tài chính.

Doanh nghiệp bảo hiểm phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu 800 tỷ đồng và tổng tài sản tối thiểu 2.000 tỷ đồng tại thời điểm kết thúc năm tài chính gần nhất.

Đảm bảo biên khả năng thanh toán theo quy định pháp luật, có hệ thống quy trình khai thác, giám định, bồi thường bảo hiểm tai nạn thuyền viên; bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị và ngư lưới cụ (gọi tắt là bảo hiểm khai thác hải sản).

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng phải có chương trình tái bảo hiểm để bảo vệ chương trình bảo hiểm khai thác hải sản. Có tối thiểu 10 năm hoạt động kinh doanh bảo hiểm, trong đó tối thiểu 5 năm triển khai bảo hiểm khai thác hải sản.

Tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác hải sản trong 5 năm gần nhất đạt tối thiểu 15 tỷ đồng; được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản về việc triển khai bảo hiểm khai thác hải sản...

Đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp bảo hiểm được chấp thuận triển khai bảo hiểm; tổ chức, cá nhân đủ điều kiện được hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện chính sách bảo hiểm theo quy định tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP (gọi tắt là doanh nghiệp bảo hiểm).

Trong khi đó, đối tượng được hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm là chủ tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên.

Các yêu cầu cụ thể cho nhóm đối tượng sẽ được hỗ trợ kinh phí: Là thành viên của tổ đội, hợp tác xã khai thác hải sản;

Có Giấy chứng nhận đăng ký tàu, Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật; giấy phép khai thác thủy sản đối với tàu khai thác hải sản xa bờ hoặc đăng ký tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ theo quy định của pháp luật;

Đã thực hiện đăng ký thuyền viên và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp sổ danh bạ thuyền viên theo quy định pháp luật; Có xác nhận của UBND cấp xã về đối tượng được hỗ trợ.

Ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho các tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ là thành viên tổ đội, hợp tác xã khai thác hải sản và có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên, cụ thể như sau:Hỗ trợ hàng năm 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho mỗi thuyền viên làm việc trên tàu;

Hỗ trợ hàng năm kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ trên mỗi tàu với mức: 70% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 90CV đến dưới 400 CV; 90% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên.

Kinh phí hỗ trợ được đảm bảo từ nguồn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương và được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước, cụ thể như sau:Ngân sách trung ương hỗ trợ 100% kinh phí đối với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách và tỉnh Quảng Ngãi;

Ngân sách trung ương hỗ trợ 50% kinh phí đối với các địa phương có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương dưới 50%, ngân sách địa phương đảm bảo 50% còn lại;Các địa phương còn lại sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện.

Doanh nghiệp bảo hiểm được ngân sách nhà nước chi trả phí bảo hiểm khai thác hải sản (phần ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định) theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 8 Thông tư này.

Hàng năm, căn cứ dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài chính thực hiện bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương để thực hiện chính sách bảo hiểm khai thác hải sản theo quy định tại Nghị định 67/2014/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này.

Căn cứ dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao và phần ngân sách địa phương tự đảm bảo: Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lập phương án phân bổ dự toán kinh phí, báo cáo UBND cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định phân bổ kinh phí thực hiện chính sách bảo hiểm khai thác hải sản trong dự toán chi đã được duyệt.

UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý và sử dụng, quyết toán kinh phí đảm bảo đúng mục đích, đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Trường hợp kết thúc năm, kinh phí hỗ trợ phí bảo hiểm khai thác hải sản không sử dụng hết (nếu có) được chuyển sang năm sau để tiếp tục hỗ trợ, địa phương không được sử dụng cho mục đích khác.

Trường hợp trong năm thiếu kinh phí, các địa phương chủ động ứng trước kinh phí để chi trả cho doanh nghiệp bảo hiểm; đồng thời gửi văn bản về Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét bổ sung từ ngân sách trung ương (đối với các địa phương được ngân sách trung ương hỗ trợ).

Kết thúc thời gian thực hiện chính sách bảo hiểm khai thác hải sản, số kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ còn dư (nếu có), đề nghị địa phương hoàn trả ngân sách trung ương.

>> Nâng giá trị xuất khẩu cá tra: Không thể sản xuất manh mún

Theo Vũ Minh

thunm

Diễn đàn đầu tư

Trở lên trên