MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ Sabeco bị truy thu 408 tỉ đồng thuế TTĐB: Có không việc kiểm toán vi phạm chuẩn mực?

24-07-2015 - 20:46 PM | Doanh nghiệp

Liên quan đến việc Kiểm toán nhà nước vừa kiến nghị Bộ Tài chính truy thu 408 tỉ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với TCty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), mới đây nhiều luật sư được tham vấn cho biết ý kiến là Kiểm toán nhà nước có dấu hiệu vi phạm các chuẩn mực kiểm toán được quy định trong hệ thống chuẩn mực kiểm toán do Tổng kiểm toán nhà nước ban hành.

Theo đó, tham chiếu vào Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN) và chuẩn mực KTNN, có một số nội dung KTNN không đúng với quy định của chuyên môn. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến kết luận và kiến nghị không phù hợp, không tuân thủ một số chuẩn mực KTNN liên quan, vi phạm Điều 8 Luật KTNN (hiện hành), hoặc Điều 6 Luật KTNN sửa đổi (hiệu lực từ 1.1.2016).

Cụ thể, các chuẩn mực kiểm toán liên quan đến cuộc kiểm toán này không được tuân thủ chặt chẽ nên để xảy ra rủi ro kiểm toán (đưa ra kết luận không phù hợp): Bất kể tổ chức kiểm toán nào, bao gồm KTNN hay các hãng kiểm toán độc lập nếu không tuân thủ chuẩn mực nghiệp vụ (chuẩn mực hành nghề) và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp đều dẫn tới rủi ro kiểm toán:

Dẫn chiếu một số điều luật, các luật sư cho rằng, theo chuẩn mực 13: Kiểm tra việc tuân thủ pháp luật và quy định nội bộ của đơn vị được kiểm toán, tiết a và tiết c, khoản 13.3.3.1 quy định: Kiểm toán viên nhà nước được giao nhiệm vụ kiểm toán phải có kiến thức sâu về luật pháp và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật áp dụng đối với đơn vị được kiểm toán; trong trường hợp cần thiết, Kiểm toán viên nhà nước cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia pháp luật và các cơ quan ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hiểu biết sâu sắc và đúng đắn về nội dung văn bản nhằm phân biệt, phát hiện và đánh giá đúng đắn các trường hợp vi phạm pháp luật;

Tiết a và tiết c, khoản 13.3.3.3 nêu rõ: tiết a) Khi lập báo cáo kiểm toán, Kiểm toán viên nhà nước phải kết luận một cách tổng quát những vi phạm pháp luật và những quy định nội bộ của đơn vị; những vi phạm trọng yếu phải được trình bày rõ nội dung, tính chất, hoàn cảnh và hậu quả; những vi phạm không trọng yếu nhưng có tần suất xuất hiện lớn cũng cần được trình bày rõ về nội dung, tần xuất xuất hiện và hậu quả của những vi phạm đó trong báo cáo kiểm toán; tiết c) Cùng với những kết luận về những vi phạm pháp luật và những quy định nội bộ của đơn vị, báo cáo kiểm toán phải đưa ra những kiến nghị hợp lý và khả thi để giúp đơn vị xử lý, khắc phục, sửa chữa những vi phạm. Theo như phân tích thì kiểm toán viên nhà nước đều không xem xét đến các yêu cầu này.

Với chuẩn mực 15, đánh giá rủi ro kiểm toán, khoản 15.3.3 việc xác định và vận dụng rủi ro kiểm toán trong kiểm toán báo cáo tài chính quy định đối với việc lập kế hoạch kiểm toán, điều 15 nêu khi lập kế hoạch kiểm toán tổng quát, Kiểm toán viên nhà nước phải đánh giá rủi ro kiểm toán đối với tổng thể báo cáo tài chính hoặc tổng thể hoạt động được kiểm toán của các đơn vị thuộc phạm vi cuộc kiểm toán để tạo cơ sở cho chọn mẫu đơn vị được kiểm toán và xây dựng kế hoạch kiểm toán tổng quát. Việc xác định rủi ro kiểm toán tổng quát đối với từng đơn vị của cuộc kiểm toán chủ yếu dựa trên việc đánh rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát chung của mỗi đơn vị. Trong thực hiện kiểm toán, Kiểm toán viên cần dựa trên các kết quả kiểm toán và phân tích các nguyên nhân dẫn đến sai phạm, yếu kém; nếu xét thấy việc đánh giá về rủi ro kiểm toán ban đầu đối với một số khoản mục kiểm toán là có sai lệch làm ảnh hưởng đến độ xác thực của kết luận kiểm toán thì cần điều chỉnh lại rủi ro kiểm toán và kế hoạch kiểm toán chi tiết.

Kiểm toán viên cũng cần dựa trên kết quả và các phát hiện kiểm toán để xem xét độ tin cậy của việc đánh giá rủi ro kiểm toán ban đầu làm cơ sở xác định mức độ xác thực của các kết luận kiểm toán trước khi đưa ra kết luận kiểm toán.

Chính vì vậy, trong kiến nghị gửi Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước đã không tính toán hết đến “kẽ hở” của luật khi các văn bản pháp luật hiện hành chưa quy định rõ giá tính thuế ở khâu sản xuất hay khâu thương mại đối với những doanh nghiệp có quy mô hoạt động lớn như Sabeco, dẫn đến DN không "tâm phục khẩu phục". Sabeco cho rằng, việc tính Thuế Tiêu thụ đặc biệt đến các công ty thương mại khu vực (do công ty con của Sabeco là công ty TNHH MTV Thương mại Bia Sài Gòn sở hữu hơn 90% vốn điều lệ) xảy ra hiện tượng thuế chồng thuế, chưa có cơ sở và làm sai lệch bản chất của luật thuế Tiêu thụ đặc biệt.

Tại cuộc toạ đàm mới đây do Hiệp hội Bia- Rượu- Nước giải khát VN (VBA) tổ chức về thuế TTĐB đối với Bia Sài Gòn, các chuyên gia kinh tế am hiểu lĩnh vực thuế đồng tình cho rằng, không thể buộc DN phải gánh chịu những rủi ro do chính sách không rõ ràng, thiếu nhất quán. Đây không phải do doanh nghiệp cố tình trốn thuế - hai phạm trù này hoàn toàn khác nhau. Nhìn rộng ra, đây cũng không phải là sự việc đơn lẻ của riêng Bia Sài Gòn, cần xem xét phạm vi áp dụng phương thức tính thuế một cách tổng thể giữa các đơn vị sản xuất kinh doanh các mặt hàng chịu thế TTĐB, có mô hình tương tự Bia Sài Gòn như Tcty Bia- Rượu- NGK Hà Nội, TCty Thuốc lá Việt Nam, Cty liên doanh nhà máy Bia Việt Nam…

Theo Hồng Quân

Báo Lao động

Trở lên trên