Vua tôm Minh Phú hủy niêm yết để “bán mình” cho đối tác ngoại
Đối tác ngoại muốn sở hữu 50% vốn điều lệ của MPC, chắc chắn phải gom thêm cổ phiếu của cá nhân ông Lê Văn Quang cùng gia đình.
- 08-12-2014Thủy sản Minh Phú chỉ mua được 539 nghìn cổ phiếu quỹ
- 26-09-2014Thủy sản Minh Phú sẽ phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 9/2014
- 30-08-2014[Trực tiếp] Thủy sản Minh Phú: Sau khi hủy niêm yết sẽ không có ý định trở lại sàn
- 13-08-2014Cổ đông kiên quyết nắm giữ, Thủy sản Minh Phú "nới" giá mua cổ phiếu quỹ lên 100.000 đồng/cp
- Minh Phú dự kiến tăng vốn 20% và bán một nửa cổ phần cho đối tác ngoại.
- Gia đình ông Chủ tịch HĐQT sẽ giảm tỷ lệ sở hữu từ 79% xuống trên 35%.
- Dự kiến lợi nhuận 2015 đạt 1.416 tỷ đồng - tương đương 66 triệu USD, doanh thu cán mốc 1 tỷ USD.
Theo trả lời phỏng vấn gần đây của ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Thủy sản Minh Phú (MPC) với Bloomberg, Công ty đang tìm đối tác ngoại để bán một nửa cổ phần nhằm thực hiện chiến lược mở rộng kinh doanh ra ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Là một trong các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn nhất trong nước, Minh Phú đang lên kế hoạch rời sàn trong năm nay. Công ty dự kiến lợi nhuận năm 2015 sẽ tăng 55%, đạt 1.416 tỷ đồng - tương đương 66 triệu USD. Doanh số sẽ cán mốc 1 tỷ USD, chủ yếu đến từ xuất khẩu.
Minh Phú nuôi tham vọng trở thành một hãng tôm có quy mô toàn cầu vào năm 2020. Ông Quang cho biết công ty sẽ chọn một hoặc 2 đối tác trong năm nay. Cá nhân ông Quang và gia đình sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại Minh Phú xuống không dưới 35% từ tỷ lệ 79% hiện tại - ông Quang chia sẻ.
35% cổ phần là con số tối thiểu để cổ đông/nhóm cổ đông có quyền phủ quyết tất cả các điều khoản mà ĐHCĐ đưa ra.
Kế hoạch không mới lạ
Thực ra, việc bán cổ phần cho nước ngoài không còn là kế hoạch mới lạ đối với Minh Phú. Còn nhớ năm 2013, tại ĐHCĐ thường niên, trong cuộc trao đổi với người viết, ông Quang cho biết CP Foods - một công ty chuyên xuất khẩu tôm của Thái Lan đã lên kế hoạch mua trên 30 triệu cổ phiếu phát hành thêm của Minh Phú, nhằm nắm giữ trên 40% vốn điều lệ của công ty.
Tuy nhiên, kế hoạch nói trên đã không được triển khai, sau gần 2 năm, CP Foods vẫn chưa trở thành cổ đông của Minh Phú. Minh Phú vẫn giữ nguyên vốn điều lệ 700 tỷ đồng.
Cho đến nay, Minh Phú đã thay đổi rất nhiều. Lợi nhuận năm 2014 của công ty tăng đột biến, thị giá cổ phiếu cũng leo dốc với tốc độ chóng mặt. Mức giá trần mua cổ phiếu quỹ mở đường hủy niêm yết từ 20.000 đồng đề ra đầu năm 2014 đá được nới lên gấp 5 lần, đạt con số 100.000 đồng/cổ phiếu mà vẫn ít ai mặn mà muốn bán! Thị giá cổ phiếu MPC đã vượt qua mốc 100.000 đồng hơn 1 tháng nay. Từ chỗ “mặc cả” cổ tức với cổ đông, MPC đã mạnh tay tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 50% cho nửa năm 2014.
Doanh thu thuần và LNST cổ đông công ty mẹ MPC (đơn vị: Tỷ đồng)
Năm 2014 Minh Phú xuất khẩu sang hơn 60 quốc gia, tăng 41% so với năm trước, doanh số đạt 730 triệu USD. Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất, chiếm hơn 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của công ty. Tiếp theo là Nhật và Châu Âu.
Đối tác mà Minh Phú nhắm đến lần này là Edmond de Rothschild Suisse SA - ông Quang cho biết.
Khi thị trường chứng khoán không còn...vui
Niêm yết trên thị trường chứng khoán là một mốc phát triển quan trọng đối với nhiều doanh nghiệp. Kể từ đó, doanh nghiệp chính thức tham gia một cuộc chơi với rất nhiều người chơi và những luật chơi khác nhau. Cái được đối với các doanh nghiệp niêm yết là họ có thể dễ dàng kêu gọi vốn. Không ít doanh nghiệp chỉ chờ lên sàn để….phát hành thêm, tăng vốn điều lệ liên tục.
Tuy nhiên, trong trao đổi với Bloomberg, ông Quang cho biết nếu Minh Phú tiếp tục niêm yết trên HSX, công ty sẽ không thể đạt mục tiêu tăng trưởng vốn. Có lẽ, đó là do mục tiêu bán cho đối tác ngoại của công ty. Minh Phú đang dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 20% lên mức 840 tỷ đồng trong thời gian tới.
Minh Phú không phải là doanh nghiệp duy nhất tự nguyện rời sàn. Có ngàn lẻ một lý do nhưng Minh Phú có lẽ là một trong các công ty hoạt động kinh doanh tốt nhất, tình hình tài chính ổn định xin hủy niêm yết tự nguyện.
Đối với Minh Phú, việc hủy niêm yết có thể giúp công ty chủ động hơn trong việc “bán mình” cho đối tác ngoại mà không bị giới hạn “room”.
Năm 2013, khi đặt vấn đề hủy niêm yết, lãnh đạo công ty cho biết việc niêm yết khiến công ty khó khăn trong việc phát hành cho đối tác ngoại với giá cao hơn giá hiện hành. Còn nhớ, mức giá MPC dự kiến bán cho đối tác CP Foods là 50.000 đồng/cổ phiếu, trong khi đó thị giá cổ phiếu lúc bấy giờ của công ty chỉ ở mức xung quanh 30.000 đồng/cổ phiếu. Theo lãnh đạo Minh Phú, việc mua với giá cao hơn thị giá khiến các đối tác ngay lập tức phải ghi nhận một khoản lỗ đầu tư – đó là điều không ai muốn.
Việc hủy niêm yết đi kèm với bán cổ phần cho đối tác ngoại lần này, do vậy, khiến người ta nghĩ rằng Minh Phú sẽ bán được với cái giá hời, cao hơn thị giá của công ty.
Hiện ông Lê Văn Quang và gia đình đang nắm giữ tới 79% vốn điều lệ MPC. Nếu phát hành thêm 14 triệu cổ phần (tăng vốn điều lệ lên 840 tỷ đồng), đối tác ngoại muốn sở hữu 50% vốn điều lệ của MPC, chắc chắn phải gom thêm cổ phiếu của cá nhân ông Quang cùng gia đình.
Cũng nhắc lại, cổ phiếu MPC đang được giao dịch với mức giá 108.000 đồng/cp (đóng cửa phiên giao dịch cuối tháng 1/2015).
Biến động giá cổ phiếu MPC 1 năm gần nhất
Đan Nguyên
Bloomberg