MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xử lý hai doanh nghiệp vàng nợ thuế: Cần làm rõ lỗ, lãi

06-08-2015 - 14:39 PM | Doanh nghiệp

Rõ ràng, lỗ lãi thực sự của DN này chưa được làm rõ, vì vậy trước khi giao dịch mua bán, cơ quan quản lý cần phải tỉnh táo, tránh để rơi vào bẫy tự biến mình thành cơ quan thông đồng giúp DN trốn nợ.

Mới đây, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho biết đã bàn bạc thảo luận rất kỹ với nhà đầu tư chiến lược là Ngân hàng Việt Á về phương án mua lại hai Cty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu và Cty TNHH Vàng Phước Sơn (Tập đoàn Besra VN) và phương án trả nợ 384 tỷ tiền nợ thuế cho địa phương. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải làm rõ mức lỗ (nếu có thật) của 2 DN này.

Động thái này được lãnh đạo Quảng Nam cho biết về cơ bản đã đồng ý về mặt chủ trương nhưng còn đang chờ ý kiến chỉ đạo. Vấn đề hiện dư luận quan tâm là phương án bán thế nào? Làm sao để địa phương và nhà nước không bị thiệt? Bởi về nguyên tắc mua bán, chuyển đổi chủ sở hữu của một DN tư nhân hay một DN nhà nước đều được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Nếu Ngân hàng Việt Á có ý định mua lại Besra về nguyên tắc cũng phải mua lại toàn bộ lỗ, lãi của tập đoàn này, cũng đồng nghĩa với việc Việt Á phải thay Besra trả nợ 384 tỷ tiền thuế nợ đọng cho địa phương.

Về phía địa phương, khi thực hiện mua bán để đảm bảo công bằng lợi ích đôi bên và tránh tình trạng thất thoát tài sản khiến địa phương và nhà nước phải thiệt thì phải thành lập cơ quan kiểm toán độc lập. Khi định giá được tài sản tương đối của DN mới đảm bảo công bằng trong giao dịch.

Trong khi đó, Ths Bùi Ngọc Sơn lo ngại, việc mua bán, chuyển nhượng DN nếu không được kiểm toán một cách nghiêm túc, công khai, minh bạch địa phương dễ bị cuốn vào những thủ thuật làm ăn của các DN. Bởi khi mua lại Besra, Ngân hàng Việt Á sẽ phải mua lại toàn bộ công nợ cũng như quyền quản lý và khai thác hai mỏ vàng này. Khi đó, tài sản hữu hình của DN có thể còn không nhiều, nhưng trữ lượng vàng trong mỏ có thể còn 10 triệu tấn sẽ bị đánh tụt xuống còn 5 triệu tấn vì mục đích có lợi cho cuộc giao dịch mua bán giữa hai bên. Một lý do nữa, Besra lâu nay là DN chỉ đào tài nguyên lên bán nhưng vẫn luôn báo lỗ và không nộp thuế. “Cũng giống như cổ phần hóa DN, các DN thường báo cáo làm ăn thua lỗ để nhận được những cơ chế thuận lợi trong làm ăn, giao dịch. Cùng với việc định giá thấp giá trị tài sản thực, ví dụ khoảng 60 tỷ nhưng chỉ kê khai 10 tỷ, giao dịch thành công lập tức tài sản về tay người mua sẽ trở thành khối tài sản rất lớn. Tức là lợi chồng lợi” – ông Sơn lo ngại.

Rõ ràng, lỗ lãi thực sự của DN này chưa được làm rõ, vì vậy trước khi giao dịch mua bán, cơ quan quản lý cần phải tỉnh táo, tránh để rơi vào bẫy tự biến mình thành cơ quan thông đồng giúp DN trốn nợ.

Nhóm PV

Diễn đàn Doanh nghiệp

Trở lên trên