Xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL: “Gà nhà bôi mặt đá nhau”!
Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là trong 7 tháng đầu năm, kim ngạch XK CT chỉ đạt 985 triệu USD - giảm 0,6% so cùng kỳ - do có quá nhiều đầu mối tham gia XK.
Những bất cập từ sản xuất đến tiêu thụ đã được ngành hữu quan đưa ra mổ xẻ rất nhiều lần, nhưng đến nay, nỗi lo mang tên “cá tra” (CT) vẫn treo lơ lửng. Trong khi người nuôi đang khổ sở vì giá CT giảm, thì các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) cũng lâm vào cảnh điêu đứng vì bị “gà nhà” chơi xấu...
Khổ vì “gà nhà”...
Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, tính đến giữa tháng 8, vùng ĐBSCL thả nuôi trên 4.690ha CT, đã thu hoạch hơn 3.570ha, sản lượng đạt trên 770.000 tấn (tăng 5,3% so cùng kỳ năm 2012). Tuy nhiên, do giá giống, thức ăn, thuốc thú y... tăng, bệnh vẫn xuất hiện nhiều nên tỉ lệ thiệt hại cao. Giá thành sản xuất CT từ 20.000-24.500 đồng/kg, nhưng giá CT nguyên liệu chỉ ở mức 20.500-22.000 đồng/kg.
Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là trong 7 tháng đầu năm, kim ngạch XK CT chỉ đạt 985 triệu USD - giảm 0,6% so cùng kỳ - do có quá nhiều đầu mối tham gia XK.
Ông Dương Ngọc Minh - Tổng Giám đốc Cty CP Hùng Vương - đưa ra con số 121 DN tham gia thị trường XK CT trong 4 tháng đầu năm và cho biết: Đến tháng 7, con số này đã là 160; trong đó, có khoảng 90 DN không có nhà máy chế biến, họ chào bán cho đối tác CT philê mức giá dưới 2USD/kg. Giá CT liên tục giảm do hiện có quá nhiều DN tham gia thị trường XK, cạnh tranh và bán phá giá làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh CT Việt Nam trên thị trường thế giới.
Giá CT liên tục giảm, người nuôi đang gặp nhiều khó khăn. |
Một mối lo khác là CT Việt Nam đang thừa sản lượng, nhưng không quyết định được giá bán. Rồi việc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm giữa người nuôi và DN chế biến cũng vẫn còn lỏng lẻo. Hiện tượng DN kéo dài thời gian trả tiền mua cá, người nuôi bị chiếm dụng vốn diễn ra khá phổ biến. Ngay những hộ nuôi theo hình thức liên kết đầu tư cũng bị một số DN nợ và không trả...
Xem lại thị trường, đầu mối xuất khẩu
Theo dự báo, kim ngạch XK CT năm 2013 của Việt Nam sẽ đạt mức 1,7-1,8 tỉ USD. Ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) - thừa nhận: Hiện chưa kiểm soát được vấn đề cung-cầu, nhiều đầu mối XK, không kiểm soát được nguồn cung khiến bức tranh XK CT trở nên hỗn loạn. “Chúng ta cần đánh giá lại vấn đề cung-cầu. Nếu xác định được và cân đối vấn đề này thì sẽ thuận lợi rất nhiều cho việc quy hoạch vùng nuôi và giải quyết được vấn đề “đầu ra” cho CT.
Song song đó, phải tích cực tìm hiểu giá cả, thị hiếu của thị trường thế giới và không nhất thiết phải tập trung vào một hoặc hai thị trường nào. Cũng cần xem lại vấn đề quy hoạch, tổ chức lại sản xuất CT; đồng thời phải bỏ tư duy quy hoạch theo kiểu tăng diện tích, sản lượng mà nên chú trọng vào xác lập chuỗi giá trị” - ông Dũng cho hay.
Ông Nguyễn Huy Điền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản - kiến nghị: Ngoài việc rà soát lại diện tích, cần khuyến cáo người nuôi chỉ nuôi khi đã có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt là khuyến khích người nuôi và DN thiết lập cơ chế chia sẻ lợi nhuận, chia sẻ rủi ro, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám nhìn nhận những bất cập nêu trên và cho rằng, ngành CT gặp nhiều khó khăn, hiệu quả, lợi nhuận mang lại cho người nuôi không xứng đáng; thậm chí thua lỗ do nhiều yếu tố. Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, ngoài thị trường truyền thống cần tiếp tục mở rộng thêm các thị trường khác như Trung Quốc và các nước Đông Âu.
Bên cạnh đó, cần phải tổ chức lại sản xuất, xử lý dứt điểm nợ xấu và tăng cường mối liên kết giữa người nuôi và DN XK...
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, 7 tháng đầu năm, doanh số cho vay nuôi trồng, chế biến CT của các tổ chức tín dụng tại ĐBSCL đạt trên 27.000 tỉ đồng; trong đó cho vay nuôi CT 6.706 tỉ đồng. Dư nợ cho vay đến ngày 31.7 gần 23.000 tỉ đồng, tăng 0,58% so với cuối năm 2012. Nợ xấu lĩnh vực này là 1.033 tỉ đồng - chiếm 4,5% tổng dư nợ. |