Doanh nhân 2 lần trở thành tỷ phú duy nhất của Iceland: Xuất thân trâm anh thế phiệt, gia tộc 3 đời phá sản nhưng đều lội ngược dòng thành công
Phá sản không phải là mối lo đối với Björgólfur Thor Björgólfsson (Bjöggi) - vị tỷ phú đầu tiên và duy nhất của Iceland. Bởi lẽ, đó là "truyền thống" của gia tộc ông.
- 28-04-2022Bí quyết quản lý tài chính của tỷ phú để giàu lại càng giàu hơn: Đi đôi giày đến 10 năm, uống cà phê tự pha
- 27-04-2022Bà hoàng cổ phiếu Mai Phương Thúy: Tuổi 34 giàu có, xinh đẹp, mỗi lần lên tiếng là "gây bão" cộng đồng chứng sĩ nhưng mãi... "vẫn không thuộc về ai"
- 27-04-2022Người vợ tào khang bị cựu Chủ tịch Taobao bỏ rơi: Không kém phần xinh đẹp, con nhà trâm anh thế phiệt vẫn thua đau tiểu tam
Năm 2005, Björgólfur Thor Björgólfsson (Bjöggi) lần đầu tiên xuất hiện trong danh sách những người giàu nhất thế giới của Forbes. Với hoạt động kinh doanh trải dài từ Bulgaria đến Mỹ, vị doanh nhân có cái tên lắt léo chỉ mất 10 năm để đạt được vị trí này. Ông cũng là tỷ phú USD duy nhất của Iceland - quốc đảo nằm gần Bắc Cực lạnh giá, tính tới thời điểm hiện tại.
Năm 2007, để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 40 của mình, Bjöggi đã thuê một chiếc Boeing 767 mang theo 120 người bạn đến Jamaica tổ chức tiệc ăn mừng. Thậm chí, vị doanh nhân này còn mời nhiều ngôi sao nổi tiếng như Ziggy Marley và 50 Cent đến biểu diễn cho không khí thêm phần sôi động.
Björgólfur Thor Björgólfsson - tỷ phú USD đầu tiên và duy nhất của Iceland
Tuy nhiên, Bjöggi không ngờ rằng mình sẽ bị đánh gục bởi cú sốc khủng hoảng kinh tế toàn cầu ngay 1 năm sau đó. Dù vậy, điều này cũng chẳng thể làm khó vị doanh nhân người Iceland, bởi nhà ông đã có truyền thống "3 đời đều phá sản".
Bằng nỗ lực của chính mình, Bjöggi đã làm lại từ đống đổ nát và một lần nữa ghi tên mình vào danh sách những người giàu nhất thế giới của Forbes năm 2015.
Bjöggi sinh năm 1977 tại Reykjavik (Iceland), trong một gia đình có truyền thống làm kinh doanh và chính trị. Cụ cố ngoại của ông là Thor Jensen - một doanh nhân Iceland gốc Hà Lan - có ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của đảo quốc này.
Bản thân Thor Jensen cùng từng vượt qua 2 lần phá sản. Ông có tới 12 người con, trong đó 1 người sau này đã trở thành Thủ tướng Iceland, một người làm đại sứ ở Mỹ. Margrét - người con gái thứ tám của ông đã kết hôn với Hallgrímur Fr. Hallgrimsson - Chủ tịch của công ty dầu khí Shell Iceland.
Margrét và Hallgrímur sinh được 2 cô con gái: Thora và Elina. Thora trải qua 3 đời chồng: người đầu tiên là một vận động viên điền kinh Olympic, người thứ hai là George Lincoln Rockwell - một chính trị gia tai tiếng người Mỹ, người thứ ba là Björgólfur Guðmundsson - cha của Bjöggi.
Khác với vợ, Björgólfur xuất thân từ tầng lớp lao động. Người đàn ông này từng đi đá bóng và gói đồ nội thất để kiếm tiền, trước khi chuyển sang học lập và dấn thân vào thương trường.
Vào thập niên 80, Björgólfur điều hành Hafskip - công ty chở hàng lớn thứ hai của Iceland. Một thời gian sau đó, vì tình hình cạnh tranh khó khăn, ông phải vay nợ ngân hàng để mở rộng kinh doanh. Thế nhưng, do doanh nghiệp vi phạm nguyên tắc kế toán, Björgólfur bị kết án tù 12 tháng với 450 tội danh khác nhau.
Thor Jansen (trái) và Björgólfur Guðmundsson (phải)
Sau khi mãn hạn tù, Björgólfur sang Nga khôi phục cơ nghiệp, rồi trở về Iceland đầu tư vào lĩnh vực vận chuyển, xuất bản, thực phẩm, truyền thông và nhà đất. Vào thời hoàng kim, ông từng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Ngân hàng Landsbanki - công ty lớn thứ hai đảo quốc này, cũng như Chủ tịch CLB bóng đá Anh West Ham United.
Tuy nhiên, cái số "sa cơ lỡ vận" dường như vẫn chưa chịu buông tha vị doanh nhân này. Vừa được vinh danh là tỷ phú USD thứ hai của Iceland vào tháng 3/2008, khối tài sản của Björgólfur đang từ 1,1 tỷ USD xuống còn 0 USD chỉ trong vòng 9 tháng do khủng hoảng kinh tế.
Năm 2009, Björgólfur chính thức tuyên bố phá sản, với khoản nợ lên tới 750 triệu bảng Anh. Truyền thông Iceland coi ông là một trong số những tội đồ chính đã kéo toàn bộ nền kinh tế của đảo quốc này đi xuống vào thời điểm đó.
Chàng trai trẻ Bjöggi không chỉ muốn chuộc lại lỗi lầm của cha, mà còn định tạo dựng chỗ đứng của mình trong lịch sử.
Ngay từ nhỏ, Bjöggi đã là một đứa trẻ nổi bật, khỏe mạnh và tự tin hơn so với bạn bè đồng trang lứa. Là con nhà nòi kinh doanh, ông đã dậy sớm đi bán báo từ năm 11 tuổi. Khoảng 1 năm sau đó, Bjöggi trở thành cậu bé chạy việc vặt tại ĐH Iceland. Năm 13 tuổi, ông tự mình điều hành dịch vụ cho thuê băng đĩa phim tại nhà.
Lên cấp ba, Bjöggi đã điều hành một CLB đêm tại thủ đô Reykjavík, đồng thời tổ chức lễ hội bia đầu tiên ở Iceland. Ngoài ra, ông cũng nói trôi chảy khá nhiều ngoại ngữ.
Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Thương mại Iceland, Bjöggi sang Mỹ du học giống nhiều anh chị em trong gia tộc. Ông theo học cao học tại ĐH California, rồi lấy thêm bằng cử nhân Marketing tại ĐH New York.
Những năm 1990, Bjöggi chuyển tới Nga sống cùng cha. Hai người đã dành 10 năm tiếp theo để xây dựng thương hiệu đồ uống giải khát và bia hơi đình đám tại xứ sở bạch dương. Sau này, ông đã bán lại đứa con tinh thần của mình cho Heineken với giá 400 triệu USD vào năm 2002.
Với số tiền này, Bjöggi và cha quay lại Iceland đầu tư, bắt đầu bằng việc mua 46% cổ phần của Ngân hàng Landsbanki. Nhẽ ra, 400 triệu USD tiền mặt của Heineken là đủ để hai cha con hoàn tất thương vụ. Thế nhưng, họ lại quyết định vay thêm tiền từ ngân hàng đối thủ.
Hóa ra, lúc này Bjöggi đang nợ nần chồng chất. Dựa vào vốn chủ số hữu của mình, ông đi vay mượn khắp nơi, sở hữu tới 40 công ty trách nhiệm hữu hạn tại một thời điểm. Về cơ bản, vị doanh nhân này chẳng khác nào xây nhà bằng giấy.
Năm 2007, Bjöggi đã đầu tư 6,5 tỷ USD để mua lại công ty dược phẩm Actavis. Đó là thời kỷ đỉnh cao của bong bóng tín dụng; các ngân hàng không ngại hạ mình cho Bjöggi vay tiền. Thậm chí, Deutsche Bank còn định trả hết khoản nợ 5,4 tỷ USD của công ty này.
Rốt cuộc, chuyện gì đến cũng phải đến. Bong bóng vỡ, kinh tế khủng hoảng. Deutsche Bank muốn Bjöggi huy động thêm tiền mặt cho thương vụ này, nên ông buộc phải vay 230 triệu USD từ chính ngân hàng của mình. Đồng cuối cùng trong khoản tiền đó rơi vào tay ông vào ngày 30/9/2008.
Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 tại Iceland
Khoảng 3 ngày sau, Olafur Ragnar Grímsson - Tổng thống Iceland lúc bấy giờ - tỏ ra hoảng loạn khi đảo quốc này sắp sửa hứng chịu cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Chính phủ đã tịch thu tài sản của một trong những ngân hàng hàng đầu tại Iceland, và Landsbanki cũng đang cho thấy những dấu hiệu rắc rối.
Grímsson gọi điện ngay cho Bjöggi - người đang ở London (Anh) - về nước ngay lập tức. Chỉ trong vòng 72 tiếng, chính phủ Iceland đã tịch thu tài sản của Landsbanki.
Đến cuối tuần, toàn bộ hệ thống ngân hàng tại quốc gia này tuyên bố phá sản. Đồng tiền của họ trở nên vô giá trị. Thị trường chứng khoán đóng cửa. Hàng nghìn người mất việc làm và các khoản tiết kiệm.
Trong phút chốc, cha con Bjöggi từ doanh nhân thành đạt trở thành những người bị ghét bỏ nhất tại Iceland. Các công ty của Bjöggi nợ tới 10 tỷ USD, trong đó riêng cá nhân ông đã nợ khoảng 1 tỷ USD. Khối tài sản 3,5 tỷ USD dư dả của vị tỷ phú này giờ chỉ còn là số âm.
Năm 2015, Bjöggi gây ngạc nhiên khi quay trở lại danh sách những tỷ phú giàu nhất thế giới. Mấu chốt cho cú lội ngược dòng này nằm ở công ty dược Actavis.
Vào thời điểm đó, doanh nghiệp này cũng gặp rất nhiều vấn đề. Toàn bộ lô thuốc sản xuất tại nhà máy New Jersey (Mỹ) bị thu hồi. CEO Actavis đã từ chức và đâm đơn kiện Bjöggi, nhưng rồi lại bị chính tỷ phú thất thế này kiện ngược lại.
Nếu Actavis có đủ khả năng thanh toán khi Iceland phá sản, Bjöggi sẽ buộc phải từ bỏ số cổ phần của mình trong công ty. Như vậy, những ngân hàng hợp tác với ông cũng sẽ mất mát lớn nếu Actavis sụp đổ. Chưa kể, Bjöggi còn đang mắc kẹt với khoản nợ 350 triệu USD của cha mình. Các chủ nợ đành phải bán bớt tài sản của ông với giá trị thấp.
Tuy nhiên, Bjöggi không muốn đi theo vết xe đổ của cụ cố và cha.
Năm 2010, gần 100 luật sư, chuyên viên tư vấn, nhân viên ngân hàng và chuyên gia tái cấu trúc đại diện cho các chủ nợ đã tập trung tại London (Anh). Kế hoạch của họ là tái cấu trúc các khoản nợ của vị tỷ phú này. Bjöggi đồng ý sẽ không vay thêm tiền cho tới khi trả hết khoản nợ 1 tỷ USD.
Sau khi thỏa thuận, các ngân hàng đã mua lại một trong những ngôi nhà ở thủ đô Reykjavik và biệt thự nghỉ hè ở Thingvellir của Bjöggi. Vị tỷ phú này phải bán hết du thuyền, chuyên cơ và những chiếc xe Ferrari của mình, nhưng chỉ thu lại được 15 triệu USD.
Các chủ nợ có quyền nhận cổ tức từ số cổ phần còn lại của ông, bao gồm cả Actavis và phần lớn số tiền thu được nếu bán nó.
Sau đó, vào năm 2011, Siggi Olafsson - cựu CEO Actavis, hiện đang làm việc tại Watson Pharmaceuticals - đã gọi điện cho Bjöggi. Vị doanh nhân này bày tỏ nguyện vọng mua lại Actavis với giá 6 tỷ USD.
Năm 2012, thương vụ này chính thức hoàn tất. Deutsche Bank nhận được 5,4 tỷ USD tiền mặt - khoản tiền mà họ đã thỏa thuận vào 5 năm trwocs. Các chủ nợ được trả khoản đầu tiên lên tới 230 triệu USD.
Trong thương vụ đó, Bjöggi đồng ý từ bỏ quyền sở hữu tiền mặt để nhận 4,3 triệu cổ phiếu tại Actavis. Số cổ phiếu này sau đó đã tăng giá lên 700 triệu USD, cho phép vị tỷ phú này trả hết tiền cho các chủ nợ tại Iceland vào năm 2014.
Giờ đây, ở tuổi 55, Bjöggi sở hữu khối tài sản trị giá 2,3 tỷ USD. Ông vẫn là tỷ phú giàu nhất đảo quốc Iceland, đứng thứ 1238 trên toàn thế giới.
"Quyền lực hay tiền bạc cũng chỉ là con đường để đạt được sự tôn trọng. Suy cho cùng, tiền rồi cũng mất, bạn bè rồi cũng đi, bạn cũng chẳng thể sống mãi, nhưng danh tiếng của bạn vẫn lưu truyền đến mãi các thế hệ sau", ông nói.
(Theo CNW)