Doanh nhân - cựu tử tù Liên Khui Thìn: Đất đai của tôi bây giờ có giá cả tỷ USD
Liên Khui Thìn là một trong những doanh nhân nổi tiếng tại Việt Nam hồi thập niên 90 của thế kỷ trước. Trong đại án Epco - Minh Phụng, ông bị khép tội tử hình và mang thân phận của một cựu tủ tù cho đến nay với hậu quả pháp lý vẫn còn đeo đẳng.
- 13-09-2022Sau 4 năm, tham vọng có 1,1 GW năng lượng tái tạo của doanh nhân Mai Văn Huế giờ ra sao?
- 04-09-2022Doanh nhân Cường Dona qua đời khi dự lễ hội sầu riêng Krông Pắc
- 31-08-2022Doanh nhân Hằng Lê: " Tôi thành công vì dám chọn lối đi riêng"
- 27-08-2022[Cafe cuối tuần] Mô hình quản trị doanh nghiệp tư nhân Việt Nam nhìn từ vụ việc FLC
Nhân dịp ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Nhadautu.vn đ ã có cuộc trò chuyện với ông Liên Khui Thìn, một doanh nhân "ba chìm bảy nổi" bậc nhất ở Việt Nam. Trong câu chuyện của mình, doanh nhân Liên Khui Thìn luôn mong muốn gác lại những câu chuyện trong quá khứ để hướng tới những tốt đẹp cho tương lai. Dù đã ở tuổi 70, nếm trải đủ bôn ba cuộc đời nhưng vị doanh nhân này luôn ấp ủ những ý tưởng khởi nghiệp tràn đầy năng lượng tích cực.
Ông vốn theo ngành khoa học – kỹ thuật nhưng vì sao lại theo con đường doanh nhân?
Tôi từng theo học ngành hoá, Đại học Khoa học Sài Gòn, đã từng tham gia vào phong trào sinh viên sôi động trước năm 1975. Ra trường, tôi về công tác tại một đơn vị thuộc Thành đoàn TP.HCM. Quá trình công tác cũng đã có vị trí và được coi là dạng cán bộ nguồn nhưng tôi lúc đó xác định đi học để làm việc kiếm tiền nuôi gia đình. Năm 1982, đất nước mình sau giải phóng còn rất nhiều khó khăn, đồng lương cán bộ, công chức không đủ sống nên tôi quyết định bỏ ra ngoài làm kinh doanh. Tôi vốn là dân Khánh Hoà vào sống ở Sài Gòn nên nghĩ đến làm hải sản để chế biến xuất khẩu.
Theo cách nói bây giờ, sự rẽ lối đó là khởi nghiệp, ông bắt đầu như thế nào?
Thực ra, lúc đó chúng tôi nghĩ đơn giản lắm, thay đổi công việc chỉ là để kiếm sống mà thôi. Biển Khánh Hoà quê tôi vốn nhiều hải sản như mực, tôm, cá...còn tôi khi học và sống ở miền Nam đã tiếp cận với những kiến thức, quan hệ về ngoại thương nên nghĩ đến chế biến hải sản để xuất khẩu. Ở thời điểm này, không chỉ ở Khánh Hoà và trên cả nước chưa ai biết xuất khẩu hải sản. Tôi là người đầu tiên kinh doanh lĩnh vực này.
Khởi nghiệp trong một lĩnh vực mới chưa có ai làm, ông có gặp nhiều khó khăn không?
Hầu như là không, tôi thành công rất nhanh bởi vì khi đó thị trường không có ai. Hải sản của mình thì đối tác nước ngoài rất khoái bởi ngon, rẻ và không bị ô nhiễm môi trường. Thị trường xuất khẩu mở rộng liên tục, từ Úc, Mỹ, Hồng Kông, Singapore…Từ tổ hợp chế biến hải sản xuất khẩu, tôi chuyển sang thành xí nghiệp rồi sang Công ty TNHH sản xuất, thương mại, dịch vụ xuất khẩu quận 3 (Công ty Epco), để đáp ứng sự phát triển của thị trường. Những năm đầu 1990, có những năm giá trị xuất nhập khẩu của Epco lên tới 150 triệu USD.
Nhưng Epco đâu có kinh doanh mỗi hải sản?
Quá trình kinh doanh, khi mình giao tiếp thì có cung có cầu. Đối tác nước ngoài đặt thêm tôm, cà phê và họ giới thiệu mình các loại máy móc, thiết bị cho sản xuất hoặc các hàng hoá khác mà trong nước đang thiếu như xăng dầu, phân bón, sắt thép, sữa…Lúc đó Nhà nước chưa cho phép lấy ngoại tệ nên mình làm theo cách hàng đổi hàng. Với cách này, Epco đã tạo nên cả một thị trường đủ các loại hàng hoá. Từ khi bắt đầu cho đến những năm 1994-1995, Epco phát triển theo chiều thẳng đứng và mở rộng đa ngành với 15 công ty, 2 khách sạn.
Có ý kiến nói rằng nếu như không gặp sự cố khi đó thì với tiềm lực của mình, Epco chắc không thua kém những doanh nghiệp lớn hiện nay?
Về việc này thì tôi khác đấy, tôi xuất khẩu nông, thuỷ, hải sản, là mang hàng hoá trong nước ra bán ở nước ngoài, chứ không phải lấy tiền trong nước ra nước ngoài, nên đây là những con đường, cách làm khác nhau. Tôi không giống họ.
Cách đây hàng chục năm Epco đã từng mua nhiều đất đai tại các vị trí đắc địa ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Phan Thiết, phải chăng lúc đó doanh nhân Liên Khui Thìn đã từng nghĩ đến kinh doanh bất động sản?
Không phải, lúc đó tôi mua đất là để đầu tư vào nhà máy, vào trung tâm thương mại chứ không nghĩ đến phân lô bán nền. Thời đó, tôi mua các lô đất đắc địa ở Vũng Tàu là nghĩ đến làm khu đô thị hải sản, lấy chỗ để làm kho bãi, tàu bè để việc xuất khẩu thuận lợi hơn, hay mua đất Phan Thiết, Phan Rang là các vùng hải sản để làm các nhà máy chế biến. Lúc đó Epco đã có tới 15.000 công nhân, để xuất hàng đi nước ngoài thì phải đáp ứng các tiêu chuẩn về cơ sở, máy móc, thiết bị, công nhân, tức phải có quy trình đầy đủ về xuất khẩu. Mặt khác, lúc đó, tôi đã nghĩ đến phải chế biến tinh thì giá trị mới cao, chớ xuất thô thì đâu có được mấy đồng. Đất đai tôi mua lúc đó giờ đã được quy hoạch thành các khu đô thị nhưng tôi chưa hề bán bất cứ miếng nào.
Đang từ một doanh nhân thành đạt, ông bị bắt và ngồi tù, tâm trạng, suy nghĩ và trải nghiệm đó của ông thế nào?
Tôi đã có thời gian trui rèn, trước giải phóng, tôi đã tham gia vào phong trào đấu tranh, là tôi cũng đã có lý tưởng. Khi đi làm kinh tế thì tôi cũng hiểu rõ được vấn đề của mình và sẵn sàng chấp nhận mọi hậu quả. Ở thời điểm đó đã có một sự đấu tranh rất lớn giữa người bảo thủ và người muốn mở cửa. Anh chọn theo mở cửa để giải phóng sức lao động, để đất nước được phát triển, người dân không phải ăn bo bo. Kết cục thế nào thì mình phải chấp nhận, vì khuôn khổ pháp luật hồi đó như vậy, pháp luật thì luôn đi sau cuộc sống. Lãnh đạo lúc đó cũng vì quan điểm phát triển đất nước chứ đâu vì ghét bỏ mà bắt mình bỏ tù.
Vậy khi ông nghe toà tuyên tử hình?
Coi như mình chấm dứt cuộc đời rồi, bị tử hình rồi thì còn suy nghĩ gì nữa đâu. Tôi ngồi tù tổng cộng 12 năm 6 tháng, trong đó có hơn 1000 ngày nếm trải thân phận tử tù, đã từng chứng kiến cảnh bạn bè mình ra pháp trường. Đó là những cảm giác sụp đổ hoàn toàn. Nhưng khi tĩnh tâm lại, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về việc bị tử hình. Tội tử hình thì một là phản quốc, hai là giết người. Cả hai thứ này tôi đều không làm. Tất nhiên tôi thừa nhận mình có sai, pháp luật quy định thế này mà mình làm không đúng thì sao nói mình không sai, nhưng đến tội chết thì mình thấy không tâm phục khẩu phục, phải kêu oan.
Sau khi bị bắt và kết án, tôi đã 3 lần được đặc xá: 1 lần được ân giảm tử hình xuống chung thân rồi xuống 20 năm và ra tù trước hạn. Tôi nghĩ những điều đó phản ánh đúng mức độ hành vi của tôi cũng như pháp luật Nhà nước với doanh nhân.
Ông đã ngồi tù rất lâu và tiếp tục sự nghiệp kinh doanh khi tuổi không còn trẻ nữa, động lực nào khiến ông làm như vậy?
Tôi ra tù năm 2009 nhưng phải chờ hết thời gian chấp hành hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ thì mới thành lập Công ty CP thương mại Epco. Tôi lấy lại tên Epco là có thông điệp bởi nó từng vươn ra thị trường thế giới. Tên tôi có tội nhưng Epco không có tội, nó là con đẻ của mình, từng giải quyết công ăn việc làm cho cả vạn lao động. Tôi muốn phục hồi Epco vì còn công nhân, còn thị trường và còn uy tín.
Mặt khác, trước khi tôi bị bắt, Epco là một công ty đồ sộ với khối tài sản hàng chục triệu USD nhưng khi tôi ra tù không còn địa điểm để làm việc, không còn máy móc, kho bãi. Những cộng sự của tôi với sự tiếp tay các đối tượng khác đã thâu tóm, bán tống bán tháo đi nhiều tài sản: những lô đất trị giá cả chục tỉ bị bán đi với giá 200-300 triệu; nhà máy kho lạnh lớn nhất Đông Nam Á bị gỡ từng thiết bị đem ra bán; Nhà máy 4000-5000 công nhân trở thành bãi gửi xe… Đó là những thứ tôi thấy không đúng và muốn vạch mặt để cái tên Epco không thể chết được.
Epco bây giờ so với ngày xưa thì thế nào?
Epco bây giờ khác xưa nhiều, lĩnh vực chỉ đóng gói thực phẩm chế biến bán vô các siêu thị. Nói chung tôi kiếm tháng vài trăm triệu đủ sống. Giờ tôi muốn thực hiện các dự án tiếp tục các di sản Epco trước đây chứ không đi vào thị trường cũ bởi tôi không có vốn cũng không thể vay vì còn nợ Nhà nước.
Tức là sau khi ra tù ông vẫn chưa hoàn thành việc thi hành án?
Theo bản án của toà, vụ án liên quan đến tôi, các bị cáo phải liên đới bồi thường cho Nhà nước số tiền hơn 1.000 tỷ đồng. Trong thời gian ngồi tù tôi đã bồi thường được 500 tỷ đồng, tương đương 50 triệu USD khi đó. Tuy nhiên, những người liên quan trong vụ án đều đã chết nên tôi phải gánh khoản còn lại là khoảng 500 tỷ đồng nữa. Tài sản của tôi bên ngoài rất nhiều nhưng công nợ chưa được đối chiếu. Nếu đối chiếu và thanh lý thì mọi việc giải quyết đơn giản. Dù tôi liên tục có văn bản gửi các cơ quan chức năng xin được khắc phục nhưng đến nay vẫn chưa được. Việc này đã kéo dài từ nhiều năm qua đã gây ảnh hưởng đến quyền lợi tư pháp tôi.
Như ông đề cập, tài sản ông còn rất nhiều thì đó là những gì?
Chủ yếu là đất đai. Đất đai tôi còn bao la ở Nha Trang, Bình Dương, Vũng Tàu… Nếu tính theo giá bây giờ là cả tỷ USD chứ có ít đâu. Chưa kể nhiều tài sản khác người ta làm sai mà tôi đang khiếu nại. Tất cả những vấn đề liên quan đến tài sản tôi đều yêu cầu giải quyết đúng pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho tôi và để tôi thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.
Vấn đề của ông kéo dài nhiều năm, ông đã cao tuổi thì còn chờ được đến bao giờ?
Đến bây giờ tôi vẫn ở nhà thuê, ăn uống bình dân, không có nhu cầu gì nhiều. Điều tôi cần là các cơ quan chức năng qua sự việc của tôi để nhìn nhận về kinh tế, doanh nhân, về cơ chế và hang lang pháp lý. Tài sản đó tôi cũng không để lại cho con tôi mà để phát triển Epco.
Nếu được giải quyết các vấn đề về tài sản, ông có những dự định gì?
Tôi sẽ đầu tư vào nông nghiệp, đây là vấn đề thời đại. Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này nhưng hiệu quả không cao vì nhiều lý do khác nhau. Còn tôi cho rằng, nông nghiệp có hai thứ quan trọng, 1 là lương thực, 2 là năng lượng tái tạo. Nếu có điều kiện tôi sẽ trồng cây cao lương. Nó phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của mình. Hạt làm thực phẩm còn thân làm viên nén năng lượng. Loại cây này có chu kỳ khai thác chỉ 3 tháng trong khi chúng ta trồng keo, chu kỳ khai thác quá dài gây lãng phí.
Đồng thời, tại khu vực Đồng bằng bằng Cửu Long, tôi sẽ đầu tư hàng loạt kho lạnh, kho mát theo tiêu chuẩn quốc tế để bảo quản được lúa gạo, trái cây, hải sản... Đó là những hướng đi chắc ăn, bền vững...
Xin cảm ơn ông!
Nhà đầu tư