Doanh nhân hiến kế phát triển kinh tế đất nước
Ban Kinh tế Trung ương phối hợp các cơ quan có liên quan tổ chức Cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế”.
Cuộc vận động này nhằm mục đích khơi dậy sức sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đối với đất nước, góp phần triển khai thực hiện thành công các chủ trương của Đảng, nhất là các nghị quyết của Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế; cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước”.
Thể hiện ý thức trách nhiệm của mình đối với dân tộc
Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động chia sẻ: Cuộc vận động lần này thể hiện sự đổi mới trong cách thức phổ biến, tuyên truyền, quán triệt các chủ trương đường lối của Đảng đến với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Qua đó, giúp cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân nâng cao được nhận thức của mình và nâng cao được ý thức chấp hành chủ trương đường lối của Đảng và pháp luật của nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Bình: Hiến kế vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.
“Mặt khác, thông qua Cuộc vận động lần này, các doanh nghiệp, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế có điều kiện để thể hiện mạnh mẽ hơn nữa ý thức trách nhiệm của mình đối với dân tộc, đối với xã hội. Thông qua những hoạt động sản xuất kinh doanh hết sức năng động, sôi động, doanh nghiệp có thể đóng góp ý kiến của mình với Đảng, Nhà nước để qua đó Đảng và Nhà nước tiếp tục hoàn thiện các chủ trương, đường lối, cơ chế chính sách phù hợp hơn với nhu cầu phát triển của cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân trong giai đoạn phát triển tới”, ông Nguyễn Văn Bình nói.
Ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: Mục tiêu chung là chúng ta cùng nhau phấn đấu để thực hiện mong ước, khát khao đất nước ta, dân tộc ta ngày càng to đẹp hơn, đàng hoàng hơn và thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.
PGS.TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Cuộc vận động đúng lúc này sẽ thu hút được trí tuệ của doanh nghiệp, doanh nhân vào đóng góp cho chính sách phát triển kinh tế đất nước. Lần đóng góp này được đặt trên nền tảng không có phân biệt khối tư nhân hay nhà nước. Qua Cuộc vận động, lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp vào Đảng, nhà nước sẽ được tăng lên.
“Bây giờ chỉ còn lại 1 điều, là chúng ta lắng nghe như thế nào”, ông Trần Đình Thiên nói.
Ông Trần Đình Thiên bộc bạch: “Đây là nêu vấn đề với Đảng, nhà nước với vai trò của mình có đường lối, định hướng, tạo ra môi trường, chính sách để cho doanh nghiệp hoạt động tốt nhất, tức là đặt hàng một cách sòng phẳng. Như thế, tính cam kết trách nhiệm sẽ cao hơn. Sự hào hứng của doanh nghiệp cũng như trách nhiệm lắng nghe của các cơ quan nhà nước cũng cao hơn.
DN hiểu hơn ai hết đời sống kinh doanh
Ông Nguyễn Quang Thuân Chủ tịch FIIN group chia sẻ: Trước sự manh mún của hệ thống DN Việt Nam cũng như quy mô quá nhỏ, chúng tôi thấy Đảng và Nhà nước nên hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân trong một số ngành cụ thể để có thể tận dụng được lợi thế trên sân nhà, cũng như khi xuất khẩu. Trong nhiều ngành hiện tại còn thiếu vắng khá nhiều doanh nghiệp lớn Việt Nam, cụ thể là du lịch, nông nghiệp.
Nói về cuộc vận động, ông Nguyễn Quang Thuân cho rằng: Đảng đã xác định kinh tế tư nhân là một phần quan trọng nên việc lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước và thành phần khác là điều không có gì bài cãi nếu như Chính phủ muốn kiến tạo và Đảng muốn thấu hiểu lòng dân.
Ông Trần Đình Thiên |
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá: Từ trước đến nay Đảng đã luôn lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, có thể là qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc. Chính quyền các cấp, bộ ngành cũng có nhiều cuộc lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp. Việc cải cách thể chế không phải là chuyện riêng của Đảng, Nhà nước mà cả người dân và doanh nghiệp. DN hiểu hơn ai hết đời sống kinh doanh và sẽ là người hiến kế trong cải cách.
"Tiến tới Đại hội XIII, chúng tôi rất hoan nghênh việc tổ chức Cuộc vận động. Đây là sáng kiến rất quan trọng và sẽ được cộng đồng DN và người dân đón nhận. Đây cũng chính là hội nghị Diên Hồng để DN, người dân có thể hiến kế với Đảng để phát triển kinh tế", ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ.
Theo ông Lộc, cuộc vận động này chính là cơ hội để cho lực lượng chủ lực trong việc xây dựng kinh tế đất nước nói lên suy nghĩ của mình, góp ý với Đảng xây dựng thể chế và môi trường kinh doanh. Chúng ta quyết đạt mục tiêu trong 2-3 năm tới phải đạt chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh và chất lượng cạnh tranh nằm trong nhóm … nền kinh tế hàng đầu. Đó là bước đi đầu tiên của bước đột phá trong giai đọan tới.
Vietnamnet